"Đây là bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ, công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời Tuổi Trẻ trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 9-5.

Đêm 8-5, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tổ chức phiên điều trần thông qua hình thức trực tuyến liên quan đến xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Tham gia phiên điều trần có đại diện Chính phủ Việt Nam (Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ) và một số bên liên quan đến vụ việc. Các bên liên quan rất hoan nghênh khi DOC đã tổ chức phiên điều trần. Bởi đây là một bước quan trọng trong quá trình xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Kiên trì đưa ra nhiều lập luận, số liệu

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, tại phiên điều trần này đại diện Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng sáu tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường theo quy định pháp luật Mỹ.

Đồng thời nhấn mạnh việc nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn phát triển vượt bậc hơn so với nhiều nền kinh tế đã được Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường trong thập niên qua.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi, hợp tác chặt chẽ với phía Mỹ trong vấn đề này", đại diện một bộ tham gia phiên điều trần khẳng định.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam cũng đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, khoảng 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Việt Nam cũng là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do (FTAs) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế.

Trong số này có nhiều FTAs thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đáp ứng các tiêu chuẩn cao về những lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa và dịch vụ và những lĩnh vực mới như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư, doanh nghiệp nhà nước.

Theo ghi nhận, những nội dung đã được thảo luận tại phiên điều trần vừa qua là sự nỗ lực không mệt mỏi của các bên. Bởi từ năm 2008, Việt Nam và Mỹ đã thành lập Nhóm công tác song phương về vấn đề kinh tế thị trường (Structural Issues Working Group - SIWG) và đã tổ chức 10 phiên họp kỹ thuật để trao đổi thông tin theo sáu tiêu chí mà Mỹ đưa ra, để giúp bạn cập nhật về những tiến triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua.

Từ đó tạo tiền đề cho Mỹ có cơ sở nhìn nhận và xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Các tiêu chí bao gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực, giá cả và các yếu tố khác.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một đại diện của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết trong suốt quá trình này Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để phân tích, tổng hợp thông tin theo đề nghị của DOC về sự thay đổi tích cực của nền kinh tế Việt Nam.

Trong đó nhấn mạnh đến mức độ mở cửa của nền kinh tế, chính sách thương mại, chính sách tiền tệ, đầu tư nước ngoài và những tiến bộ trong công tác hội nhập đáp ứng sáu tiêu chí trên.

Trên thực tế, vấn đề kinh tế thị trường là một trong những nội dung quan trọng mà hai quốc gia quan tâm và đã được đưa vào tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ. Đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu của ta vào Mỹ đang ngày càng gia tăng (tổng kim ngạch năm 2023 đạt 97 tỉ USD, bốn tháng đầu năm ước đạt 34,12 tỉ USD).

Hàng Việt xuất khẩu sẽ có lợi

Chính việc được công nhận quy chế kinh tế thị trường, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của ta đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.

Đặc biệt đối với các vụ việc phòng vệ thương mại, việc công nhận quy chế kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi trong trường hợp hàng xuất khẩu của Việt Nam điều tra chống bán phá giá khi ta vẫn bị coi là nền kinh tế phi thị trường sẽ dẫn đến các nguyên tắc tính toán giá thông thường không được sử dụng.

Nước điều tra sẽ sử dụng nước thứ ba để tính toán giá thay thế khi tính biên độ phá giá, khiến cho biên độ phá giá thường rất cao, không phản ánh đúng thực tiễn sản xuất của Việt Nam.

Điều này tạo ra bất lợi rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu khi không thể cạnh tranh với các hàng hóa xuất khẩu từ quốc gia khác", vị lãnh đạo trên cho hay.

Còn với các vụ việc Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, nước này sẽ áp dụng phương pháp dành cho các quốc gia có nền kinh tế phi thị trường để tính chi phí sản xuất tại Việt Nam nhằm xác định quá trình lắp ráp hoặc hoàn thiện tại Việt Nam có đáng kể hay không.

Khi Việt Nam được coi là nền kinh tế phi thị trường sẽ cho phép DOC áp dụng thuế suất toàn quốc, dựa trên dữ liệu sẵn có nên bị đẩy lên rất cao, tương đương lệnh cấm và được duy trì trong tất cả các đợt rà soát, gây cản trở cho việc xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế.

Do đó, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ. Từ đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

Nhiều tổ chức uy tín của Mỹ ủng hộ Việt Nam

Chia sẻ từ Mỹ, Tham tán thương mại - trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam Đỗ Ngọc Hưng cho hay tại phiên điều trần do DOC chủ trì, Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực, cố gắng của ta trong việc đáp ứng sáu tiêu chí để công nhận nền kinh tế thị trường.

Ông Hưng cho rằng việc xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ thể hiện quan điểm chính sách nhất quán của chính quyền Mỹ sau khi hai nước nâng cấp Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023. Điều này cũng thể hiện hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy trong khu vực, phù hợp với chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đẩy mạnh đầu tư của Mỹ.

Theo ông Hưng, thời điểm từ nay đến ngày 26-7 khi Mỹ đưa ra quyết định chính thức, sẽ là giai đoạn rất quan trọng, đòi hỏi sự vận động mạnh mẽ và quyết liệt nhất của các cấp thông qua nhiều kênh. Mặc dù còn nhiều thách thức lớn nhưng ông Hưng cho rằng với sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành của Việt Nam đã triển khai việc vận động một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.

Trong đó, kịp thời cung cấp thông tin đến hầu hết các đối tác có thiện cảm, cùng chia sẻ lợi ích với Việt Nam (cả trong nước, tại địa bàn Mỹ và các đối tác khác), giúp truyền tải thông tin một cách hệ thống, xuyên suốt về vấn đề này. Qua đó, các đối tác về cơ bản đều ghi nhận và có thể có hình thức ủng hộ phù hợp.

Thực tế, trong giai đoạn gửi ý kiến bình luận và phản biện lên DOC trước khi diễn ra phiên điều trần, có hơn 70 ý kiến bình luận phản đối và hơn 40 ý kiến bình luận ủng hộ nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Đáng chú ý, trong những ý kiến ủng hộ có những bình luận đến từ những tổ chức uy tín và có tiếng nói của Mỹ như Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), Hiệp hội Công nghiệp bán lẻ Mỹ (RILA), Hiệp hội Các nhà xuất nhập khẩu Mỹ (AAEI), Hiệp hội Nông nghiệp Mỹ (NASDA), Hiệp hội Dệt may và da giày Mỹ (AAFA)...

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ