Sự dịch chuyển trong dòng vốn đầu tư toàn cầu hiện nay là cơ hội hiếm có để Việt Nam tạo bước ngoặt trong tiến trình hợp tác đầu tư nước ngoài. Trong đó, hướng đến hai mục tiêu lớn gồm tăng số lượng vốn đăng ký và chọn lọc vốn chất lượng cao, nâng vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bán dẫn có thể tạo “lực hấp dẫn” mới của Việt Nam

Bức tranh toàn cảnh về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2023 không nằm ở các con số định lượng cụ thể về số lượng dự án, tổng vốn đăng ký, vốn giải ngân mà nằm ở xu hướng rất tích cực trong sự chuyển động của dòng vốn quan trọng này.

Theo đó, 2023 là một năm bận rộn tại thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), với nhiều sự kiện nhằm triển khai các công việc liên quan hợp tác phát triển ngành bán dẫn – một trong những nội dung quan trọng của Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Với ông John Neuffer – Chủ tịch SIA, bản thân ông đã có ba lần đến thăm và làm việc tại Việt Nam trong năm 2023 để thúc đẩy triển khai hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp thành viên với các đối tác Việt Nam. Điều này nhằm mang đến những cơ hội mở rộng thị trường cũng như nâng cao năng lực của Việt Nam trong ngành công nghiệp mới này. Theo đó, nhiều thành viên của SIA bao gồm Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon… đã có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam và đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư.

“Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn; nhà đầu tư cũng nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”, ông John Neuffer nói.

Ông Jensen Huang, Chủ tịch – kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia, cũng cho biết Việt Nam đã để lại cho ông nhiều ấn tượng tốt đẹp ngay từ chuyến công du đầu tiên vào tháng 12-2023.

Sau buổi tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính và tham dự Tọa đàm “Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tổ chức, người đứng đầu Nvidia cho biết bản thân cảm thấy mình được chào đón tại quốc gia này và cam kết sẽ sớm thành lập pháp nhân tại Việt Nam. Đồng thời ông mong muốn Bộ trưởng Bộ KHĐT có thể chỉ định ra một đối tác để Nvidia có thể hợp tác.

Tại Việt Nam, Nvidia hiện là đối tác của nhiều doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, Vingroup… với doanh thu mỗi năm khoảng 500 triệu đô la Mỹ.

Thực tế, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu sụt giảm và có sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam vẫn nổi lên là điểm đầu tư hấp dẫn. Các nhà đầu tư cũng đánh giá Việt Nam nhiều tiềm năng và có nhiều dư địa trong trung và dài hạn.

Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quí 1-2024 được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam công bố ngày 8-4 cho biết có 54% số doanh nghiệp tham gia khảo sát trả lời có nhiều khả năng giới thiệu đất nước này cho các doanh nghiệp nước ngoài khác, với xếp hạng 8/10 điểm. Điều này nhấn mạnh sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, đồng thời cũng gợi ý tiềm năng tăng thêm vị thế của Việt Nam, sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Khảo sát cũng cho thấy, lực lượng lao động có tay nghề cao của Việt Nam là điểm thu hút lớn đối với các nhà đầu tư châu Âu, với 75% thành viên EuroCham thuê 76% nhân viên trở lên tại địa phương. Trước đó, trong khi khảo sát BCI quí 4-2023, có 40% doanh nghiệp đánh giá trình độ của lực lượng lao động ở mức trung bình. Điều này cho thấy sự thay đổi về xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp thành viên EuroCham và nền tảng nhân lực vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của Việt Nam.

Với nhóm doanh nghiệp thuộc khu vực Đông Bắc Á, ông C.Y. Huang, Chủ tịch FCC Partners – Chủ tịch Liên minh ảnh hưởng Đông Nam Á khẳng định, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Đài Loan, gồm doanh nghiệp hoạt động ngành sản xuất truyền thống hay công nghệ cao. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bán dẫn, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp Đài Loan quan tâm đến Việt Nam do năm hạn chế.

Thứ nhất, các công ty bán dẫn đang tập trung vào các quốc gia phát triển thay vì Việt Nam, chẳng hạn TSMC mở rộng sản xuất ở Mỹ, Nhật Bản và Đức.

Thứ hai, mọi quốc gia trên thế giới đều muốn đầu tư vào chất bán dẫn và Chính phủ các quốc gia đó trợ cấp 50% hoặc trên 50% nguồn lực cho lĩnh vực này. Nhưng Chính phủ Việt Nam hiện chưa lên tiếng về chính sách trợ cấp riêng.

Điều này đã đặt Việt Nam vào thế bất lợi.

“Với nhà máy đầu tiên của TSMC tại Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản trợ cấp 50% – tương ứng 3 tỉ đô la, nhà máy thứ hai cũng trợ cấp 5 tỉ đô la. Nhà máy ở Đức cũng được trợ cấp 5 tỷ EUR – tương ứng 50%”, ông Huang nói và cho biết trợ cấp của Chính phủ là rất quan trọng với nhà đầu tư.

Bên cạnh hai rào cản trên, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất hỗ trợ cũng là yếu tố khiến nhà đầu tư lưu tâm.

“Nhân tài là vấn đề lớn nhất, Đài Loan cũng thiếu nhân tài, Việt Nam cũng thiếu nhân tài. Việt Nam muốn có 50.000 kỹ sư vào năm 2030, đây là một kế hoạch rất khó hình dung”, ông C.Y. Huang nói tại Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư Thương mại Việt Nam – Đài Loan 2024.

Cũng theo ông Huang, hệ sinh thái hỗ trợ tại Việt Nam cũng là rào cản thu hút đầu tư. Theo đó, khi xem xét đầu tư tại một địa phương, các nhà sản xuất nước ngoài thường xem xét đã có công ty lớn nào hoạt động trước đó chưa – tức là nếu không có công ty lớn xung quanh thì các công ty khác sẽ không đầu tư.

Không bỏ lỡ cơ hội vươn mình nhờ ‘đại bàng’

Nhận định nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là rào cản để Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao cũng như các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KHĐT, cho biết Chính phủ đã nhận thức được các vấn đề và đang tìm biện pháp giải quyết.

Theo đó, Việt Nam cần có sự đồng hành của các nhà đầu tư và đối tác để hiện thực hóa các kế hoạch đào tạo nhân lực, thay vì “tự thân vận động”. Hiện có Samsung dự kiến sẽ khai trương lớp đào tạo kỹ thuật viên vào tuần tới và đang xem xét mở rộng chiến lược này trong tương lai.

“Đây là những nguồn hỗ trợ sẽ giúp Việt Nam cải thiện nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Hoàng nói.

Đồng quan điểm, ông Koen Soenens, Giám đốc kinh doanh và marketing của Deep C, nhấn mạnh các doanh nghiệp Đài Loan hiện là nhà đầu tư lớn thứ tư tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào điện tử và sản phẩm cao cấp. Việc nhà đầu tư Đài Loan hướng đến miền Bắc Việt Nam, là rất quan trọng. Do đó, cần có giải pháp để nâng cao sức hấp dẫn của khu vực miền Bắc, nhất là yếu tố lao động.

“Vấn đề không phải là số lượng lao động mà là chất lượng lao động. Lực lượng lao động có tay nghề cao sẽ rất cần thiết cho sự phát triển trong tương lai của các nhà đầu tư FDI công nghệ cao từ Đài Loan”, ông Koen Soenens nói.
Với chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, ông Đỗ Nhất Hoàng thông tin không phải toàn bộ doanh nghiệp đi đầu tư ở nước ngoài đều nhận được trên 50% trợ cấp từ chính phủ sở tại. Tuy nhiên, Việt Nam đang tìm cách để hỗ trợ thêm cho các nhà sản xuất nước ngoài thông qua các chính sách mới.

“Chúng tôi là ‘con nhà nghèo’, chúng tôi biết rõ các điểm yếu và chúng tôi cũng mong các bạn cùng đồng hành để khắc phục”, ông Hoàng nói.

Bên cạnh những vấn đề trên, ông Koen Soenens cũng khuyến nghị Chính phủ cần nỗ lực mở rộng hơn nữa hệ sinh thái tại điạ điểm các doanh nghiệp nước ngoài đó hoạt động.

“Nếu chuỗi cung ứng ở Việt Nam không phát triển đầy đủ thì việc thu hút FDI sẽ trở nên khó khăn vì họ sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy ở Việt Nam có thể cung cấp sản phẩm chất lượng cho chuỗi cung ứng của họ”, ông Koen Soenens giải thích.

Cũng theo vị này, các cơ quan quản lý Việt Nam cần cụ thể hơn về tác động của Quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là doanh nghiệp đến từ Đài Loan. “Đã đến lúc Việt Nam cần đưa ra phản hồi về những biện pháp họ sẽ thực hiện để giảm bớt tác động của GMT”, ông Koen Soenens.

Còn báo cáo BCI của EuroCham cho biết các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với những rào cản pháp lý, làm hạn chế khả năng gia nhập thị trường và đầu tư dài hạn gồm: gánh nặng hành chính; quy định không rõ ràng; khó khăn về giấy phép và cấp phép; rào cản thị thực làm việc.

Để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp khuyến nghị một số cải cách. Cụ thể, 37% doanh nghiệp kêu gọi các thủ tục hợp lý để dễ dàng gia nhập thị trường và giảm bớt quan liêu; 34% nhấn mạnh yêu cầu về quy định luật pháp rõ ràng và nhất quán để tạo ra môi trường đầu tư có thể dự đoán được; 28% ủng hộ việc cải thiện đường sá, bến cảng và cầu để hỗ trợ thương mại và hậu cần.

Ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham, cho biết Việt Nam có tiềm năng kinh tế to lớn và việc giải quyết các thách thức pháp lý là chìa khóa để hiện thực hóa tiềm năng đó một cách trọn vẹn.

“Việc đơn giản hóa thủ tục và thiết lập các quy định minh bạch hơn sẽ giúp cả doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài thành công. Điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong nước, thu hút vốn quốc tế và tăng cường quan hệ đối tác kinh tế”, ông Dominik Meichle nói.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn