Trong báo cáo triển vọng phát triển châu Á công bố ngày 11/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á trong năm 2024 dự kiến sẽ cao hơn một chút so với dự báo đưa ra trước đó, nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ ở nhiều nền kinh tế.

ADB đã nâng dự báo tăng trưởng trong năm 2024 của khu vực châu Á đang phát triển lên 4,9%, từ mức dự báo 4,8% đưa ra vào tháng 12/2023.

Tuy vậy, ngân hàng này khuyến cáo về những thách thức kéo dài như căng thẳng địa chính trị gia tăng, trong đó có tình hình xung đột ở Trung Đông, có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây ra lạm phát.

Mức dự báo tăng trưởng năm 2024 của ADB đưa ra thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng 5% của khu vực vào năm 2023. Tăng trưởng cho năm 2025 cũng được dự báo ở mức 4,9%.

Nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB cho biết, tăng trưởng ở khu vực châu Á đang phát triển sẽ vẫn mạnh mẽ trong năm nay, bất chấp những yếu tố bất ổn từ môi trường bên ngoài.

Ông Park nhấn mạnh: “Việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất ở hầu hết các nền kinh tế cũng như sự phục hồi liên tục trong xuất khẩu hàng hóa sau sự đi lên của chu kỳ sản xuất chất bán dẫn sẽ hỗ trợ tăng trưởng”.

Theo ADB, Trung Quốc vẫn là “điểm tựa” về triển vọng tăng trưởng của khu vực.

"Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay, cao hơn mức dự báo 4,5% đưa ra vào tháng 12 năm ngoái, song thấp hơn mức tăng trưởng 5,2% năm 2023", ADB dự báo.

* Trong báo cáo Chỉ số niềm tin đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2024 của công ty tư vấn quản lý toàn cầu Kearney công bố gần đây đã nâng hạng Trung Quốc từ thứ 7 lên thứ 3, sau Mỹ và Canada.

Báo cáo cho rằng, bước tiến của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bảng xếp hạng một phần là nhờ nước này đã nới lỏng kiểm soát vốn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào tháng 9/2023.

Lần thứ hai trong lịch sử 26 năm của chỉ số niềm tin FDI, Kearney đưa vào bảng xếp hạng độc quyền các thị trường mới nổi nhằm cung cấp cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cái nhìn sâu sắc về thị trường mới nổi nào hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư hiện tại và trong ba năm tới.

Trung Quốc đứng đầu trong danh sách 25 thị trường, tiếp theo là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Ba Lan và Argentina.

Nguồn: Báo Quốc tế