Các địa phương có sản lượng gỗ xuất khẩu lớn nhất miền Đông là: Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh vừa liên kết tổ chức Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất HawaExpo 2024 (HawaExpo 2024). Hội chợ quy tụ hơn 500 doanh nghiệp (DN) chế biến, sản xuất, kinh doanh gỗ xuất - nhập khẩu trong nước và quốc tế.

Diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 6 đến 9-3-2024, hội chợ được đánh giá là sự kiện về đồ gỗ và nội thất lớn nhất từ trước đến nay. Đây là dịp để các DN trong nước và quốc tế kết nối; thúc đẩy xuất - nhập khẩu; góp phần thúc đẩy sự phục hồi cho ngành gỗ.

DN làm mới mình để tìm cơ hội

Với tâm thế tập trung các thương hiệu, đa dạng mẫu mã thiết kế và sáng tạo mới trong ngành gỗ, nội thất, 2,5 ngàn gian hàng trưng bày về gỗ, nội thất tại HawaExpo 2024 đã mang đến cho khách tham quan những sản phẩm mới, độc đáo và hướng đến thân thiện môi trường, đáp ứng các tiêu chí xanh trong từng sản phẩm.

Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Trần Đức (Trần Đức Homes, tỉnh Bình Dương) Võ Xuân Thuyên cho biết, tại sự kiện HawaExpo 2024, Trần Đức Homes mang đến mẫu thiết kế nhà gỗ với những chất liệu bền vững, hướng tới tiêu chí net zero.

Theo ông Thuyên, những sản phẩm Trần Đức Homes cung cấp ra thị trường và trưng bày tại hội chợ đều là những sản phẩm mới. Hiện công ty cung cấp hàng cho thị trường Mỹ và châu Âu và đã có đơn đặt hàng đến tháng 9-2024. Thời gian tới, Trần Đức đang có hướng đưa sản phẩm của mình đến thị trường mới là Canada.

Ông Thuyên nhận định, để có được đơn hàng và mở rộng được thị trường, DN của ông đã nắm bắt thị trường tốt, đưa ra những sản phẩm thích hợp vào từng thời điểm. Trần Đức là DN Việt Nam đầu tiên đưa nhà lắp ghép ra nước ngoài, cũng là một trong những DN tiên phong trong sản xuất bền vững, hướng tới net zero.

Các DN gỗ, nội thất Đồng Nai cũng đang có bước chuyển mình

Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và mỹ nghệ Đồng Nai, Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ LIDO (tại huyện Trảng Bom) Phạm Văn Sinh chia sẻ, Đồng Nai có hơn 10 DN tham gia HawaExpo 2024. Với vai trò chủ DN, ông Sinh đã mang đến những mẫu sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu như: sồi, tần bì, óc chó, thông, dẻ gai, bạch dương…

Đánh giá về hội chợ lần này, ông Sinh nhận định, các DN của Đồng Nai đã trưng bày những sản phẩm mới, DN trong nước có sự thay đổi tư duy trong kinh doanh để đáp ứng và tìm khách hàng mới. Có nhiều mô hình nhà ghép, lều sinh thái với kiểu dáng đẹp, lạ, bảo đảm các tiêu chí bền vững.

Từ đầu năm đến nay, ngành gỗ đang có đà tăng trưởng ổn định dần. Sự phát triển tuy không thể nhanh chóng nhưng dự báo đến hết quý II-2024, các DN sẽ có nhiều đơn hàng. Trong quá trình phục hồi, DN gỗ Đồng Nai chú tâm đầu tư về máy móc thiết bị, phát triển những dòng sản phẩm phù hợp xu hướng, bắt nhịp với xu thế tiêu dùng mới, trên cơ sở giữ vững thương hiệu.

Đồng hành từ các cơ quan chức năng

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị, năm 2024, mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng triển vọng của ngành gỗ đã có tín hiệu tích cực. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận định, năm nay giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 15 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu nêu trên, Thứ trưởng cho rằng, ngành lâm nghiệp cần phải tiếp tục nỗ lực và có những giải pháp trong đổi mới công nghệ, sử dụng nguyên liệu, sản xuất, phân phối sản phẩm. Các thị trường chính xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng yêu cầu thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh nhằm ngăn chặn phát thải khí nhà kính. Hawa Expo 2024 chính là một minh chứng cho sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo và thích ứng của DN.

Hội chợ góp phần giúp ngành chế biến gỗ lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024 và các năm tiếp theo, thực hiện thành công mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD gỗ và lâm sản vào năm 2025 theo Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.

Để mở rộng, khai thác những thị trường tiềm năng mới, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho rằng, bên cạnh những yếu tố liên quan đến thị trường thì tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang là xu hướng lớn trên thế giới. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc đối với sự phát triển ngành gỗ trong giai đoạn mới. Do đó, Bộ Công thương đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trên cả nước triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ ngành gỗ và lâm sản đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam thông qua việc hỗ trợ các DN tham gia các hội chợ, triển lãm lớn cả trong và ngoài nước. Đồng thời, quan tâm thích đáng tới hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và sản phẩm gỗ Việt Nam để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn xanh cả về môi trường và xã hội, bắt nhịp với xu thế sản xuất, tiêu dùng bền vững của thế giới.

Nguồn: Báo Đồng Nai