Theo lý thuyết, giá hàng hóa nhập khẩu và nhập siêu gia tăng đều ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng. Hai nguyên nhân này cùng thấy thể hiện trong các số liệu về xuất nhập khẩu mới được cập nhật từ Tổng cục Thống kê.

Theo các số liệu mới nhất, kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2011 ước tính có thể đạt 7,3 tỷ USD, tăng xấp xỉ 37% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 8,7 tỷ USD, tăng tương ứng 34%. Tuy nhiên, nhập siêu tháng này ước vào khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương với tháng trước.

Hai tháng kể từ sau Tết Nguyên đán, kim ngạch xuất, nhập khẩu ghi nhận những mức cao mới, tương đương tháng sung sức nhất vào cuối năm 2010. Tuy nhiên, đi cùng với nó là nhập siêu đang lớn hơn rất nhiều tháng trước đó, bất chấp các giải pháp kiểm soát được ban hành sau Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Tính đến thời điểm này, tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay đã đạt 26,937 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu là 31,834 tỷ USD, tăng tương ứng 29,1%. Mặc dù tốc độ tăng của kim ngạch xuất khẩu cao hơn khá nhiều so với nhập khẩu, nhập siêu chưa được hạn chế.

Tổng cộng 4 tháng qua, nhập siêu đã vào khoảng 4,897 tỷ USD, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 5,9%, tương đương tăng thêm 271 triệu USD. Đương nhiên việc nhập siêu gia tăng có tác động đến thị trường ngoại hối và ảnh hưởng đến việc bình ổn tỷ giá. Nhưng ngoài ra, nhập siêu tăng cũng tác động xấu đến tăng trưởng, khi thể hiện sản lượng nền kinh tế đang dưới mức tiềm năng và phải phụ thuộc vào sản lượng từ bên ngoài.

Một phần tác động xấu khác đến từ tăng giá xuất, nhập khẩu. Theo như số liệu 4 tháng vừa được công bố, trong 11 nhóm mặt hàng xuất khẩu tính được về lượng, có 4 mặt hàng giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu tính về giá, chỉ có gạo là giảm khoảng 6,7% so với cùng kỳ, còn lại 10 mặt hàng khác giá xuất khẩu bình quân tăng từ 3,9% đến 66,4%.

Trong khoảng 7,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ, tăng giá đóng góp hơn 2 tỷ USD, còn lại là nguyên nhân tăng lượng. Tăng giá xuất khẩu rõ ràng là có lợi cho người sản xuất, nhưng giá cả thị trường cũng bị kéo lên theo giá thế giới, tác động bất lợi đến lạm phát mà trường hợp nông sản, thực phẩm là ví dụ điển hình.

Tương tự, trong 13 mặt hàng nhập khẩu tính được về lượng, chỉ có 3 mặt hàng giảm từ 4,3-8,6%, trong khi 10 mặt hàng khác tăng từ 7,8-60%. Nếu chỉ xét về giá thì cả 13 mặt hàng đều tăng hơn cùng kỳ, bình quân 4 tháng tăng từ 7,7-99,5%. Trong khoảng 7,5 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu tăng thêm 4 tháng qua, tăng giá góp thêm 2,42 tỷ USD.

Đáng chú ý, các mặt hàng nhập khẩu tăng giá đều liên quan đến đầu vào sản xuất trong nước, đặc biệt là các mặt hàng có độ nhạy với nền kinh tế như xăng dầu, khí đốt hóa lỏng; hay các mặt hàng đầu vào xuất khẩu của Việt Nam như bông, sơ sợi dệt; đầu vào sản xuất như phân bón, chất dẻo, giấy…

Trong khi nhập khẩu máy móc, thiết bị được cho là nền tảng phát triển sản xuất, kim ngạch 4 tháng qua chỉ tăng 17%, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng chung. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc tăng tới 75,2%, xe máy nguyên chiếc tăng 16%, cho dù thuộc nhóm hàng hạn chế nhập khẩu.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam