Trong lúc Trung Quốc siết lại việc xuất khẩu đất hiếm, Mỹ và Nhật - hai nước phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu quý này - cũng có những chính sách thương mại mới với Trung Quốc.


Tờ China Daily ngày 29-12 cho biết Trung Quốc sẽ thành lập một cơ quan điều hành xuất khẩu đất hiếm và một hiệp hội riêng cho ngành công nghiệp này.
Theo Bộ Công nghệ thông tin và công nghiệp Trung Quốc, hiện có đến sáu cơ quan bộ và ngang bộ quản lý nguồn nguyên liệu quý hiếm này nên nhất thiết phải có một đầu mối để quản lý và hoạch định chiến lược phát triển. Còn vai trò của hiệp hội là để đàm phán với các nhà cung cấp cũng như nhập khẩu quốc tế.


Trước việc Trung Quốc thông báo tăng thuế xuất khẩu cũng như cắt giảm 35% sản lượng đất hiếm xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm 2011, một số nước nhập khẩu như Mỹ, Nhật đã lên tiếng lo ngại việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu sẽ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất công nghệ cao. Thậm chí Mỹ đã đưa vấn đề này ra Tổ chức Thương mại thế giới. Trung Quốc hiện là nguồn cung cấp 97% đất hiếm cho cả thế giới.


Theo tờ Yomiuri Shimbun, hơn 400 mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ bị gỡ bỏ khỏi danh mục ưu đãi thuế của Nhật Bản. Các mặt hàng phổ biến như nhựa gia dụng, quần áo, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế biến từ cá, đồ chơi trẻ em... chưa cho biết mức thuế cụ thể nhưng cơ quan chức năng Nhật Bản khẳng định thuế nhập khẩu sẽ tăng cao.


Lý do của việc xóa bỏ ưu đãi này là mức thuế ưu đãi kia được áp dụng từ năm 1971 nhằm giúp đỡ các nước kém phát triển, nay Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thì việc tiếp tục hưởng là không cần thiết.


Đa số các mặt hàng trong nhóm hết ưu đãi thuế hiện chiếm ít nhất 50% thị phần trên mỗi ngành hàng tại thị trường Nhật. Nếu như trong năm 2009, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế từ các nước đang phát triển vào Nhật Bản là 1.600 tỉ yen thì riêng Trung Quốc đã chiếm xấp xỉ 40%.
Việc tăng thuế nhập khẩu lên các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc cũng dấy lên lo ngại về giá bán lẻ các mặt hàng này sẽ tăng, làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng Nhật Bản. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu Nhật Bản cho rằng không phải lo lắng vì nguồn hàng thay thế có thể đến từ các nước Đông Nam Á, trong đó có VN.


Bởi hiện nay hiệp định tự do thương mại ASEAN - Nhật Bản đã có hiệu lực, nhiều mặt hàng tương tự những mặt hàng Trung Quốc hết ưu đãi thuế từ ASEAN vào Nhật đã được cắt, giảm thuế. Cơ hội cho hàng hóa các nước ASEAN cạnh tranh với hàng Trung Quốc tại thị trường Nhật đang mở ra.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online