Sau ba vòng đàm phán với tư cách quan sát viên, tới vòng thứ tư gần đây chính thức trở thành thành viên tham gia đàm phán chính thức Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đang chờ đợi phiên đàm phán thứ 5 vào tháng 2-2011 để cùng tám quốc gia khác xem xét các bản chào về mở cửa thị trường. Trong khi chưa tận dụng được nhiều thuận lợi từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký trước đó thì tại sao Việt Nam lại tích cực tham gia đàm phán TPP?


Tại sao TPP?


TPP được đánh giá như một hiệp định quan trọng, xét trên tầm vóc và ảnh hưởng của nó, dù hiện tại mới chỉ có bốn quốc gia thành viên (Brunei, Chile, New Zealand, Singapore) và năm quốc gia khác đang tham gia đàm phán (Hoa Kỳ, Australia, Peru, Malaysia và Việt Nam). Khác với các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Thương mại song phương (BTA), Hiệp định Thương mại tự do khu vực ASEAN (AFTA) hay cam kết WTO, ảnh hưởng của TPP rộng hơn cả về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đặc biệt là đầu tư và sở hữu trí tuệ.


Bên cạnh đó còn các đàm phán phi thương mại như mua sắm chính phủ, môi trường lao động, công đoàn, các hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do vậy ảnh hưởng của việc ký kết hiệp định này đến môi trường kinh doanh và môi trường lao động ở các quốc gia tham gia là rất lớn.


Theo các chuyên gia của Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù Việt Nam đã ký hầu hết các BTA, FTA với các quốc gia đối tác ở TPP hoặc cùng là thành viên của WTO nhưng Việt Nam phải đàm phán TPP. Vì sao? Thứ nhất, xét riêng trên lĩnh vực thương mại hàng hóa, nếu tham gia TPP, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia này và ngược lại đều được hưởng mức thuế suất bằng 0%. Trong khi đó các BTA, FTA và WTO chỉ có ý nghĩa mở cửa thị trường và cắt giảm thuế. Nhiều FTA với các quốc gia còn giảm thuế không đáng kể cho hàng hóa Việt Nam.


Hơn thế nữa, trong số tám quốc gia đã và đang đàm phán TPP, Mỹ là đối tác xuất khẩu rất quan trọng của Việt Nam và hiện tại nước ta đang xuất siêu sang thị trường Mỹ. Mặc dù đã có BTA với Mỹ nhưng phía Mỹ hiện vẫn chưa cho Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) như 99 quốc gia khác. Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam càng xuất nhiều vào Mỹ thì càng đối diện với nguy cơ chống bán phá giá. Do vậy, nếu là thành viên của TPP, cơ hội của hàng hóa Việt Nam vào Mỹ sẽ rộng cửa hơn nữa với các ưu đãi tối đa.


Mặt khác, việc mở cửa thương mại hầu như hoàn toàn của TPP, tương tự như WTO trước đây sẽ có tác động lớn đến thị trường và doanh nghiệp trong nước, sức ép cạnh tranh hàng hóa nâng lên một mức cao hơn, đồng thời với các yêu cầu minh bạch về thị trường, về quyền sở hữu trí tuệ, các điều kiện thu hút đầu tư, thu hút công nghệ cao, quyền đàm phán của người lao động với chủ lao động.


Khác với WTO trước đây, Việt Nam tham gia với tư cách nước “đến sau” nên chỉ có các đàm phán “một chiều”, theo cách muốn gia nhập thì phải đưa ra các cam kết của mình. Với TPP hiện nay, do các quốc gia khởi xướng chưa xây dựng các cam kết cụ thể về từng lĩnh vực mở cửa mà chỉ có các cam kết nền nên cơ hội đàm phán của Việt Nam hay tám quốc gia khác là bình đẳng, trên tinh thần cùng xây dựng. Nhờ vậy, dù là quốc gia đang phát triển, nhưng cơ hội xây dựng và loại trừ tiêu chuẩn cho TPP của Việt Nam là hiện thực.


TPP không ưu đãi cho các ngành gia công


Một chuyên gia về thị trường Mỹ của Bộ Công Thương cho biết nếu chỉ xét riêng về lĩnh vực thương mại, việc tham gia TPP tạo nên một sức ép rất tích cực (và cũng rất khó khăn) cho Việt Nam trong việc giảm dần yếu tố gia công trong nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh bằng công nghệ cao như mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ xác định trong những năm tới.


Trong nội dung đàm phán TPP, các mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu mạnh vào thị trường Mỹ như dệt may, da giày đều bị loại ra trong diện ưu đãi thuế. Nếu muốn được hưởng ưu đãi nội khối từ TPP, ví như lĩnh vực dệt may thì đối tác thương mại phải sử dụng sợi do họ tự sản xuất hoặc được sản xuất tại quốc gia trong TPP. Như vậy nếu sử dụng sợi dệt từ Trung Quốc thì dù có cắt may ở Việt Nam, hàng xuất khẩu vẫn phải chịu mức thuế cao.


Trong khi đó, hầu hết nguyên liệu của ngành dệt may và da giày Việt Nam sản xuất đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Một chuyên gia đàm phán từ Mỹ nói với báo giới gần đây rằng khi đàm phán về TPP, nếu Việt Nam có thể đòi hỏi Mỹ chấp nhận quy định nới lỏng về xuất xứ hàng hóa, cho phép các sản phẩm được hoàn thiện ở Việt Nam đều ghi xuất xứ Việt Nam và được hưởng ưu đãi TPP thì đó sẽ là một thành công lớn.


Tất nhiên điều này chắc chắn vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các nhà sản xuất dệt may ở Mỹ, ngành còn được nhà nước bảo hộ cao. Song, việc Mỹ tham gia đàm phán TPP cũng là một phần thực thi chính sách “Sáng kiến quốc gia mới về xuất khẩu” nhằm tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Mỹ trong vòng năm năm tới, nên việc đánh đổi những điều khoản nhỏ cho một mục tiêu lớn hơn ở TPP cũng có thể xảy ra.


“Nếu đàm phán được điểm này trong TPP, Việt Nam sẽ có thêm một dấu cộng (+) về đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ. Nếu không được thì tình trạng vẫn giữ nguyên, chứ không phải là dấu trừ (-)”, bà Thu Trang, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách thương mại quốc tế của VCCI, nói. Trong khi đó, chuyên gia về thị trường Mỹ ở Bộ Công Thương lại nhận định rằng đừng xem những điều khoản này là áp lực: “Tại sao công nhân Việt Nam cứ làm thợ may, thợ giày mãi và nhắm đến hưởng ưu đãi? TPP hướng đến ưu đãi các sản phẩm công nghệ cao. Đó mới là cơ hội của Việt Nam”, ông nhận định.


Tốc độ đàm phán TPP được xem là khá nhanh so với các hiệp định khác. Sau vòng đàm phán thứ năm với các cam kết chào mở cửa thị trường, dự tính đến cuối năm 2011, đầu năm 2012, sẽ hoàn tất hiệp định của chín quốc gia đang đàm phán hiện nay. Vấn đề đáng lưu tâm nhất của Việt Nam ở TPP, có thể nói không thể nằm ngoài nội dung các cuộc đàm phán với Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đồng thời cũng là quốc gia còn lại ở TPP chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.


Do vậy, gợi ý mà luật sư Jay L. Eizenstat (hãng luật Miller & Chevalier Chartered), người từng tham gia tư vấn cho Việt Nam trong vụ kiện chống bán phá giá tôm vào Mỹ là đáng lưu ý. Ông Eizenstat cho rằng Việt Nam có thể tìm kiếm sự thỏa hiệp với TPP bằng các cam kết về tiến trình chuyển tiếp trở thành một quốc gia thực thi kinh tế thị trường trước năm 2018.


Cùng với nó là danh sách các ngành công nghiệp được coi là ngành công nghiệp có định hướng thị trường để yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ áp dụng quy chế thị trường, nhằm giảm bớt các áp lực tiêu cực về nền kinh tế phi thị trường mà phía Mỹ đang áp dụng cho hàng hóa Việt Nam đang xuất khẩu vào đây.


Tiếng nói của doanh nghiệp, có không?


Cũng như khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại khác, cộng đồng doanh nghiệp chưa được đoàn đàm phán chủ động mời tham gia góp ý vào tiến trình đàm phán Hiệp định TPP, dù những tác động của hiệp định này đến môi trường sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực là rõ ràng.


Tuy nhiên, Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế của VCCI, thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp, đã chủ động tác động vào đàm phán TPP bằng các cuộc hội thảo và thu thập ý kiến của một bộ phận cộng đồng doanh nghiệp, các ngành hàng. Dự kiến cuối tuần này, ủy ban sẽ gửi tới đoàn đàm phán TPP bản khuyến nghị đầu tiên về các vấn đề, ví dụ như Việt Nam nên xác định thái độ như thế nào khi đàm phán, đàm phán thế nào để xác định được lợi và bất lợi một cách rõ ràng, nó tác động đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước ra sao...

 

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn