Bên cạnh việc oằn mình chống đỡ với những tác động của dịch bệnh Covid-19, ngành da giày còn đau đáu nhiều nỗi lo. Mặc dù giày thể thao, cặp túi được hưởng thuế 0% ngay khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, nhưng các sản phẩm khác của ngành vốn nhiều doanh nghiệp nội địa tham gia hoạt động lại có lộ trình giảm thuế tới 7 năm.

Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoại áp đảo, có nhiều cơ hội tận dụng lợi thế từ EVFTA hơn các doanh nghiệp trong nước.

Có được hưởng lợi ưu đãi thuế ngay?

Khi được hỏi về việc làm thế nào để đón đầu cơ hội xuất khẩu vào khu vực Liên minh châu Âu (EU) khi EVFTA sắp có hiệu lực, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất giày dép cho biết, do đang oằn mình chống đỡ với những tác động của Covid-19, nên họ chưa kịp tìm hiểu chi tiết về vấn đề này.

Ông Nguyễn Xuân Tú, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Phước Thạnh, cho biết lâu nay sản phẩm công ty làm ra xuất khẩu đi thị trường châu Âu chủ yếu theo dạng FOB (free on board), nên các khoản thuế đều do nhà nhập khẩu lo.

Tuy nhiên, khi EVFTA được thông qua, một số đối tác nhập khẩu ở các thị trường trong khối EU của Phước Thạnh nhận định rằng, EVFTA sẽ có lợi cho hàng hóa Việt Nam khi thuế suất áp vào thị trường này được giảm đáng kể, ông Tú chia sẻ.

Do đó, ông Tú kỳ vọng, sản phẩm giày dép của công ty ông sau khi EVFTA có hiệu lực sẽ được tăng sản lượng từ các nhà nhập khẩu châu Âu, thay thế các thị trường khác, trong đó có Trung Quốc.

Theo EVFTA, EU cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày dép (các loại giày chống thấm cao su/nhựa, dép lê và dép đi trong nhà, nguyên phụ liệu ngành giày dép…).

Đáng chú ý, mức thuế cho giày thể thao, loại sản phẩm chiếm một lượng lớn giày xuất khẩu vào châu Âu sẽ được giảm ngay khi hiệp định có hiệu lực chứ không chịu mức bảo hộ 7 năm như sản phẩm giày da.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhóm sản phẩm giày dép được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà doanh nghiệp thuần Việt ít gia công hoặc xuất khẩu vào thị trường khu vực EU.

Số còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 đến 7 năm (phần lớn các loại giày dép mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu thuộc nhóm này).

Hiện tại, hàng hóa của Việt Nam được hưởng hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập của EU (GSP). Theo đó, các nước đang phát triển phải trả thuế thấp hơn đối với hàng hóa xuất khẩu sang EU.

Nhóm này đang được hưởng mức thuế ưu đãi trung bình là 3-4% theo quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP. Khi EVFTA có hiệu lực, GSP sẽ tự động chấm dứt, các mức thuế nhập khẩu đối với giày dép sẽ giảm dần đều xuống 0% tính từ mức MFN (khoảng 12,4%) theo lộ trình 3-7 năm.

Do đó, các chuyên gia và những công ty chứng khoán trước đây đã từng phân tích, trong một vài năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn các sản phẩm giày da trong nước sản xuất sẽ chưa thể được hưởng lợi ngay từ EVFTA.

Sẽ là "cú hích" cho ngành giày da?

EU là thị trường chính nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của Việt Nam trong nhiều năm qua, chỉ sau thị trường Mỹ. Và sản phẩm giày dép sản xuất ở trong nước đã có được sự tin tưởng của người tiêu dùng trong khu vực châu Âu. 

Xét về thời gian sau 2 năm có hiệu lực, các cam kết ưu đãi giảm thuế của Hiệp định EVFTA sẽ giúp sản phẩm da giày Việt Nam cạnh tranh hơn các sản phẩm Trung Quốc tại thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp da giày chỉ được hưởng lợi nếu tự chủ được nguyên liệu và để được hưởng thuế suất thấp, các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng được quy định về xuất xứ thông qua hàm lượng giá trị trong khu vực (RVC) khi sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam và các nước thành viên trong EVFTA.

Trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), chỉ có 30-40% doanh nghiệp trong ngành này tự chủ được nguyên liệu, 60-70% doanh nghiệp còn lại chủ yếu làm gia công.

Mặc dù được đánh giá là cơ hội rất lớn từ EVFTA, song ngành da giày Việt Nam cũng đối diện với những thách thức không nhỏ. Thách thức đầu tiên chính là tỷ lệ sản xuất gia công của ngành da giày Việt Nam còn cao, chiếm tới 70%, nên lợi nhuận thấp và hạn chế sự năng động của doanh nghiệp.

Một vấn đề đặt ra nữa theo giới phân tích là phía châu Âu sẽ áp dụng những điều luật mới cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua châu Âu. Trong đó, các rào cản kỹ thuật áp đặt từ phía EU cùng với các yêu cầu về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và tuân thủ các thủ tục để được hưởng lợi thuế FTA cũng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Để làm được điều này, theo Lefaso, tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm được doanh nghiệp Việt Nam sản xuất phải nâng lên mức 60% để đáp ứng được điều kiện về quy tắc xuất xứ trong các FTA, đồng thời, giúp giảm các chi phí logistics và nâng cao sự chủ động của doanh nghiệp Việt.

Doanh nghiệp ngoại áp đảo

Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn đang giữ vị trí đầu bảng về kim ngạch xuất khẩu giày dép và bỏ xa vị trí thứ hai của Việt Nam. Tuy nhiên, những tập đoàn - khách hàng hàng đầu vẫn tiếp tục xu hướng dịch chuyển đơn hàng và cả các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Sự dịch chuyển này là do các hãng một mặt muốn tận dụng lợi thế của Việt Nam từ các hiệp định thương mại tự do đem lại; mặt khác, muốn thoát khỏi mối đe dọa tăng chi phí sản xuất do giá nhân công và chi phí môi trường ở Trung Quốc tăng cao. Điều này đã đưa Việt Nam trở thành “công xưởng” giày dép trên thế giới.

Với sự đẩy mạnh đầu tư và sản xuất này của nhà đầu tư nước ngoài mà thị phần giày dép do doanh nghiệp ngoại sản xuất ở Việt Nam luôn chiếm tỷ trọng lớn và áp đảo doanh nghiệp trong nước.

Dù kim ngạch xuất khẩu của ngành giày dép Việt Nam tăng trưởng trong những năm qua, nhưng điều đáng chú ý là tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đang giảm dần trong khi khối doanh nghiệp FDI ngày càng tăng. Hiện doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam và phần lớn trong số này là của khối doanh nghiệp có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc...

Từ nhiều năm qua, khi đầu tư ở Việt Nam, dù các nhà sản xuất ngoại cũng đã cố gắng tạo những “chân rết” cung ứng nguyên phụ liệu tại chỗ nhưng cuối cùng cũng lại trở về “tự cung tự cấp”.

Các doanh nghiệp nước ngoài thường sử dụng nguồn nguyên phụ liệu được chỉ định và thông thường là ở nước ngoài hoặc là những công ty vệ tinh của họ có nhà máy ở Việt Nam. Đối với nhà cung cấp trong nước, họ chỉ thu mua những nguyên phụ liệu giản đơn, có giá trị thấp, như bao bì, giấy carton, sợi chỉ, dịch vụ in ấn...

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn