Những giải pháp hỗ trợ quyết liệt đang được Chính phủ triển khai đã giúp nhiều doanh nghiệp có thêm niềm tin để nỗ lực thích nghi, củng cố bộ máy và nắm bắt những cơ hội hồi phục, tăng trưởng trở lại sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Niềm tin vào cơ hội “hậu Covid-19”

Trong báo cáo thường niên năm 2020, bà Phan Thị Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty May Thành Công chia sẻ, bên cạnh những khó khăn trong năm 2020 như sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, sự bùng phát của dịch bệnh, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…, ngành dệt may vẫn có không ít cơ hội. Đó là kim ngạch nhập khẩu dệt may toàn cầu năm 2020 dự báo tăng so với năm 2019, các thị trường mới tiềm năng từ CPTPP, EVFTA được mở rộng, thu hút đầu tư nước ngoài tăng sẽ thúc đẩy dệt may phát triển.

Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Sợi Thế Kỷ cũng tin tưởng rằng, các lợi thế về thuế quan của Việt Nam trong các FTA đã ký với Nhật Bản, Hàn Quốc và CPTPP mới có hiệu lực trong năm 2019 và EVFTA dự định sẽ có hiệu lực trong năm 2020 sẽ là lực hút các đơn hàng dệt may dịch chuyển về Việt Nam.

Nhiều DN khác cũng đã nhìn thấy những cơ hội vàng “hậu Covid-19” ngay trong những ngày kinh tế thế giới đang “bế quan tỏa cảng”.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Xây dựng kiến trúc AA nhận định, trong những ngày giãn cách xã hội, người dân ít đi ra ngoài và dành phần lớn thời gian ở nhà. Điều này làm phát sinh nhu cầu chăm chút cho tổ ẩm, sửa sang lại không gian sống của các gia đình. Bằng chứng là những ngày qua, trong khi kênh bán hàng offline gần như tê liệt thì tiêu thụ đồ nội thất qua kênh online của các nền tảng như Amazon, Wayfair, Shopify,… vẫn tăng trưởng đều. Bên cạnh đó, khủng hoảng từ dịch bệnh làm cho chuỗi cung ứng ngành gỗ đang được tái cấu trúc, trong đó Việt Nam là điểm đến quan trọng của thế giới. Đây cũng chính là cơ hội cho ngành nội thất tăng trưởng trở lại sau đại dịch.

Ngay cả các doanh nghiệp đang chìm trong thua lỗ như Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cũng tin tưởng rằng dịch Covid-19 rồi cũng sẽ qua đi, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng sẽ hồi phục. Theo đó, ngành nông nghiệp cây ăn trái tạo ra các sản phẩm thiết yếu nên sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt khi nền kinh tế được tái khởi động.

Chuẩn bị sẵn nguồn lực

Với những cơ hội được dự báo là đang chờ ở phía trước, các DN cũng đang nỗ lực duy trì sản xuất, sẵn sàng các điều kiện để đón đầu các cơ hội.

Năm 2020, May Thành Công sẽ tập trung vào nghiên cứu sản phẩm mới, cải tiến tốc độ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới... để đẩy mạnh ngành kinh doanh chính là dệt may. Theo kế hoạch, trong năm nay, May Thành Công sẽ khởi công xây dựng thêm 1 nhà máy may tại KCN Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long với năng lực dự kiến 12 triệu sản phẩm/năm. Theo đó, công ty đề ra mục tiêu cho năm 2020 đạt 3.779,6 tỷ đồng doanh thu và xấp xỉ 189 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Để đạt được chỉ tiêu này, công ty sẽ duy trì mối quan hệ hợp tác với các cơ quan trong ngành, các công ty và đối tác trong và ngoài nước... để kết nối giúp đội ngũ cán bộ quản lý các cấp nắm bắt kịp thời thông tin thị trường trong và ngoài nước, học hỏi kinh nghiệm, phát triển kiến thức chuyên môn cũng như kiến thức hội nhập. Công ty cũng sẽ chú trọng hơn tới công tác quảng bá tên tuổi hình ảnh để thu hút các đối tác, nhà đầu tư, khách hàng... vào đầu tư và phát triển kinh doanh.

Công ty Sợi Thế Kỷ cũng sẽ tiếp tục tập trung vào chiến lược sản phẩm và lấy khách hàng làm trọng tâm, tận dụng cơ hội để mở rộng mạng lưới khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm với các tính năng khác nhau, kiện toàn chuỗi cung ứng nguyên liệu – thành phẩm, nhằm đạt được những thắng lợi mới trong năm 2020.

Trong khi đó, HAGL Agrico đề ra mục tiêu sẽ duy trì chăm sóc tốt diện tích cây ăn trái đang có, ổn định việc làm, thu nhập và giữ gìn sức khỏe cho người lao động, tích cực phòng chống dịch, duy trì kênh phân phối và mối quan hệ với khách hàng. Bên cạnh đó, HAGL Agrico sẽ tiến hành bàn bạc với các ngân hàng để thực hiện các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất để ứng phó với những khó khăn và hậu quả của dịch bệnh.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), Chủ tịch AA Corporation cho hay, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, AA không đóng cửa mà chỉ giảm một phần công suất. Cùng với đó công ty quan tâm giữ mối liên lạc thường xuyên với các đối tác để tạo tâm lý cho khách hàng nghĩ tới DN mình đầu tiên khi dịch bệnh qua đi. Ở góc độ hiệp hội, HAWA cũng đã có nhiều buổi làm việc trực tuyến với các đối tác thương mại ở Mỹ, châu Âu… nhằm nắm bắt diễn biến thị trường, dự đoán hành vi và xu hướng tiêu dùng tại các thị trường. Ông Khanh khẳng định: “Cơ hội sau đại dịch là có thật, nhưng chỉ những DN có sự chuẩn bị kỹ về nguồn lực mới có thể nắm bắt được cơ hội”.

Do đó, ông Khanh kêu gọi các DN trong ngành nỗ lực giữ chân người lao động, duy trì quy mô sản xuất, chuẩn bị nguồn nguyên liệu… để có thể nhanh chóng nắm bắt các cơ hội sau dịch. Bởi hiện tại, nhiều DN FDI đã đóng cửa nên khi dịch qua đi, việc tái khởi động sẽ mất nhiều thời gian hơn do những vấn đề về nhân công, nguyên liệu. Khi đó, các DN đã có sự sẵn sàng về nguồn lực sẽ có thể nhanh chân chớp lấy cơ hội ngay khi dịch vừa qua đi. Theo đó, những sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước sẽ tiếp thêm nguồn lực để vượt qua khó khăn, từ đó có thêm sự tự tin để nỗ lực thích nghi, chuẩn bị nguồn lực cho những cơ hội “hậu Covid-19”.

Nguồn: Báo Hải Quan