Nhà nhập khẩu từ các thị trường lớn như EU, Mỹ hoãn, huỷ, thậm chí ngừng nhận đơn hàng đã khiến doanh nghiệp (DN) sản xuất da giày trong nước chưa kịp hồi phục sau cú sốc thiếu nguyên phụ liệu đầu vào lại đối mặt ngay với cú sốc đầu ra.

Khó chồng khó

Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Trần Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giày Phúc Yên khá lo lắng: Từ đầu năm cho đến thời điểm hiện tại, DN vẫn đang xuất khẩu (XK) đơn hàng cũ, đơn hàng đang sản xuất khách hàng đã lùi thời gian giao hàng đến tháng 6, tháng 7.

“Hiện DN chỉ có thể cầm cự sản xuất được đến cuối tháng 4 sau đó sẽ phải giãn, cho lao động nghỉ luân phiên hoặc nghỉ chờ việc. Tuy vậy, với 1.500 lao động, nếu các đơn hàng vẫn không được xuất đi, đơn hàng mới không được ký kết thì sau tháng 4, mỗi tháng DN phải trả trợ cấp cho người lao động 70% lương tối thiểu vùng, tức là phải chi trả hơn 3 tỷ đồng/tháng, đây là số tiền lớn đối với DN”, ông Vinh nhấn mạnh.

Với 6 dây chuyền sản xuất giày thể thao XK sang thị trường EU và Mỹ, tình hình tại Công ty Cổ phần Giày Vĩnh Yên cũng không sáng sủa hơn là bao. So với mức tăng trưởng XK từ 5-10% những năm trước, quý I/2020 kim ngạch XK của công ty đã giảm 20%. Ông Lê Thanh Thuỷ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giày Vĩnh Yên chia sẻ: Dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng hiện nay đơn vị vẫn cố gắng duy trì sản xuất các đơn hàng ngắn hạn đã được ký kết để đảm bảo việc làm cho người lao động nhưng cũng chỉ có thể cầm cự đến hết tháng 4. Các đơn hàng mới từ sau tháng 5, tháng 6, đối tác chưa thể sang đàm phán và cũng có chưa thông tin lại.

Hoãn, huỷ và tạm ngưng đơn hàng là hiệu ứng domino lần thứ 2 DN da giày trong nước phải gánh chịu do tác động từ dịch bệnh. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), so với cú sốc nguyên liệu, cú sốc thị trường nghiêm trọng hơn rất nhiều, bởi không chỉ ảnh hưởng tới tài chính của DN mà còn là vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động và biến động lao động sau dịch bệnh.

Doanh nghiệp lo cạn kiệt nguồn vốn

Ở vào thế khó hơn, khi nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của Công ty Cổ phần Kết nối Châu Âu - EURO LINK chủ yếu được nhập khẩu từ Italia, trong khi quốc gia này đang là tâm dịch của EU, do vậy không thể nhập được nguyên liệu. Bên cạnh đó, các đơn hàng XK cũng đang bị tạm hoãn, đối tác chưa nhận hàng. Các cửa hàng trong nước đóng cửa, hoàn toàn không tiêu thụ được sản phẩm, khiến DN phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn vốn.

“Để đảm bảo quyền lợi, giữ chân người lao động, DN vẫn đang chi trả mức lương tối thiểu chờ việc cho người lao động. Tuy nhiên, với tình hình tài chính hiện tại DN cũng chỉ duy trì được 1 đến 2 tháng. Nếu dịch bệnh còn kéo dài hơn nữa thì DN cũng sức tàn lực kiệt”, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối Châu Âu - EURO LINK lo âu.

Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, 3 tháng đầu năm, các mặt hàng XK của ngành da giày đều sụt giảm, trong đó mặt hàng giày, dép giảm 1,9%, trong khi cùng kỳ tăng 14%; mặt hàng túi xách, vali, mũ, ô dù giảm 5,5%, cùng kỳ tăng 10,2%.

Đại diện Lefaso phân tích, có 3 vấn đề lớn đang xảy ra với ngành da giày. Thứ nhất, nguồn cung nguyên liệu mặc dù đã có sự quay trở lại nhưng không đa dạng, bởi vậy cho dù thời gian tới có đơn hàng mới cũng không đủ chủng loại nguyên liệu để đáp ứng cho sản xuất. Thứ hai, các DN đã sản xuất xong đơn hàng nhưng lại không được giao nhận, khả năng khách hàng sẽ hủy đơn hàng là rất cao. Thứ ba, khách hàng không tiếp tục đặt hàng do tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động mua bán. “Ba khó khăn trên sẽ ảnh hưởng cực kỳ lớn tới các DN của ngành da giày không chỉ trong quý I, thậm chí là các quý còn lại của năm 2020”, bà Xuân nói.

Ngay từ trung tuần tháng 3, nhiều nhà nhập khẩu lớn đã hoãn, huỷ và tạm ngưng nhận đơn hàng khiến hầu hết DN sản xuất da giày trong nước lâm vào tình trạng sản xuất cầm chừng, thậm chí đã phải tạm dừng sản xuất.

Nguồn: Báo Công Thương