Khó khăn xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, tuy nhiên, khi tính kế thúc đẩy tiêu thụ nội địa hay tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế, dệt may, da giày Việt Nam đều đối diện sự cạnh tranh khốc liệt bởi hàng hóa từ Trung Quốc.

Hiện nay, nhiều khách hàng lớn của Mỹ và châu Âu đã đề nghị các doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam giãn, hoãn tiến độ giao hàng, chưa ký hợp đồng mới, có trường hợp khách hàng đề nghị hủy hợp đồng đã có.

Dự kiến số lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của 2 ngành sẽ bị giảm khoảng 70%. Các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi sẽ chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 sẽ rất chậm.

Đứng trước tình thế khó khăn trên, kiếm tìm thị trường thay thế được xem là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá, quá trình này cũng đối mặt không ít vướng mắc.

Trước hết, với hướng thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa, đa số doanh nghiệp Việt Nam gia công xuất khẩu cho các thương hiệu nước ngoài, do đó các mẫu mã, nguyên liệu sử dụng nhằm để đáp ứng thị hiếu của nước ngoài, không phải cho thị trường trong nước.

Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng đang giảm sút do các biện pháp phòng dịch Covid-19 cũng như tâm lý giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu.

Ngoài ra, trong thời gian tới, do các doanh nghiệp Trung Quốc đã hoạt động trở lại, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp sự cạnh tranh rất lớn từ hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc, trong đó không loại trừ các hành vi gian lận thương mại, bán phá giá hay nhập lậu hàng hoá của quốc gia này sang Việt Nam.

Việc chuyển hướng xuất khẩu sang các quốc gia khác gặp nhiều khó khăn vì các thị trường này (Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản...) nhìn chung rất khó có thể bù đắp thiếu hụt từ thị trường Mỹ và châu Âu.

“Trong khi đó, hàng dệt may và giày dép của Việt Nam có thể gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ hàng hóa của Trung Quốc do năng lực sản xuất của họ rất lớn và cơ bản đã được phục hồi”, Bộ Công Thương nêu rõ.

Theo ước tính của Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài tại Mỹ và châu Âu, gần như 100% các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng và có thể sẽ tác động đến hơn 3/4 số lao động trong các ngành này, với hơn 3 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong các ngành dịch vụ liên quan.

Xung quanh những khó khăn của ngành dệt may giữa thời đại dịch Covid-19, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần được nhanh chóng đưa vào thực hiện để gỡ khó cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong điều kiện xuất khẩu khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp trong cộng đồng Việt Nam cũng cần tận dụng cơ hội này để cùng sử dụng sản phẩm của nhau.

3 tháng đầu năm nay, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,4% (cùng kỳ năm trước tăng 8,3%). Ngành dệt chỉ tăng 4,9% (cùng kỳ năm trước tăng 11,1%). Ngành may chịu tác động khá lớn khi 3 tháng giảm 3%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 7,7%.

Nguồn: Hải Quan Online