Cách tính thuế nhập khẩu linh kiện như hiện nay được nhận định gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) chế tạo máy móc, thiết bị trong nước. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ thuế nhập khẩu cho những loại linh kiện mà trong nước chưa sản xuất được.

Thuế nhập khẩu cao “kìm” chân doanh nghiệp

Trong nhiều buổi đối thoại với lãnh đạo Bộ Tài chính, Hội DN Cơ khí điện TP. Hồ Chí Minh đã phân tích hiện trạng mà DN ngành cơ khí đang gặp phải. Theo đó, các DN ngành này đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu bởi sự chênh lệch quá lớn giữa nhập khẩu linh kiện và nhập khẩu nguyên chiếc.

Dẫn chứng cho điều này, đại diện Công ty Khuôn mẫu Lập Phúc chỉ rõ: Hiện thuế nhập khẩu một số máy móc, thiết bị nguyên chiếc được hưởng mức thuế 0%, nhưng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu lại chịu thuế cao, có những chi tiết phải đóng mức thuế đến 25%, đặc biệt một số linh kiện như mô tơ có mức thuế đến 30%... Điều này đẩy giá thành của sản phẩm sản xuất trong nước cao hơn rất nhiều so với hàng nhập khẩu nguyên chiếc.

Cách tính thuế nhập khẩu linh kiện như trên gây nhiều khó khăn cho DN chế tạo máy trong nước. Các DN đã kiến nghị, đối với sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc phải áp mức thuế 30% thì mới phù hợp và công bằng.

Chia sẻ thắc mắc với DN, đại diện Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ sẽ rà soát lại các biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu để điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của DN.

Bổ sung ưu đãi thuế cho linh kiện nhập khẩu

Theo Bộ Công Thương, các DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, năng lực còn hạn chế.

Cụ thể, trong khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, chỉ có khoảng 300 DN của Việt Nam tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Giới chuyên gia nhận xét, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và thị trường mở cửa như hiện nay thì sự chênh lệch về thuế giữa linh kiện và sản phẩm nguyên chiếc là yếu tố kìm hãm sự phát triển của ngành lắp ráp trong nước. Thế cho nên, tỷ lệ nội địa hóa ở các ngành của Việt Nam vẫn thua xa các nước trong khu vực. Đơn cử như ngành ôtô, dù được phát động đẩy mạnh phát triển lắp ráp ôtô trong nước trong 20 năm qua nhưng đến nay, vẫn không có sự đột phá như kỳ vọng.

Trước thực trạng khó khăn mà các DN đang gặp phải, để hỗ trợ các DN sản xuất sản phẩm CNHT, cụ thể là ngành ôtô, Bộ Tài chính đang dự kiến bổ sung Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất trong giai đoạn 2019 – 2023 và thuế nhập khẩu ưu đãi sẽ là 0%.

Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế ưu đãi, theo Bộ Tài chính, DN phải cam kết nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, lắp ráp sản phẩm có tên trong Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô theo quy định. Bên cạnh đó, một trong những quy định DN phải tuân thủ là chỉ được hưởng thuế nhập khẩu với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được và DN trực tiếp nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển.

Ngoài các hỗ trợ về thuế, về phía địa phương, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết: TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực CNHT, qua đó giúp DN đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cùng với đó, thành phố cũng đưa ra 6 nhóm giải pháp hỗ trợ DN phát triển, bao gồm: Hỗ trợ về mặt bằng, khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu…

Nguồn Báo Công thương