Mặc dù ngành Điều Việt Nam tiếp tục đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân nhưng chất lượng nguyên liệu lại phụ thuộc nhiều vào thị trường nhập khẩu. Do đó, việc đưa ra hàng rào kỹ thuật là cần thiết đối với mặt hàng có sản lượng nhập khẩu và kim ngạch lớn như hạt điều thô.    

Trong nước, sản lượng điều thô không đủ đáp ứng nhu cầu, tốc độ tăng trưởng chưa nhanh. Việt Nam vẫn phải nhập một số lượng lớn nguyên liệu điều thô từ các nước khác. Khu vực châu Phi thì có Tây Phi, Đông Phi; khu vực Đông Nam Á thì có Indonesia, Campuchia....

Ông Đặng Hoàng Giang - Tổng Thư ký Hiệp hội điều Việt Nam - cho biết: chất lượng hạt điều thô nhập khẩu là mối quan tâm hàng đầu từ nhiều năm nay của các doanh nghiệp chế biến vì xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau và không đồng đều. Ở các thời điểm đầu vụ, giữa vụ và cuối vụ, chất lượng hạt cũng khác biệt. Đã có không ít lô hàng nhập khẩu về không đảm bảo chất lượng. Về mặt giá trị, điều này gây thiệt hại rất lớn cho các đơn vị nhập khẩu. Vấn đề nữa là thương hiệu điều nhân Việt Nam sau chế biến dễ bị ảnh hưởng nếu các nhà nhập khẩu phát hiện có vấn đề khi truy xuất nguồn gốc nguyên liệu chế biến.

Vì tính quan trọng và cấp thiết của việc đảm bảo chất lượng hạt điều thô nhập khẩu, Hiệp hội Điều Việt Nam vừa có Công văn số 133/2019/CV-HHĐ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xây dựng và ban hành kịp thời Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về hạt điều thô để có thể triển khai thực hiện ngay trong niên vụ 2020. Đây sẽ là cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể đàm phán, thực hiện hợp đồng với các đối tác nước ngoài; cũng như các cơ quan liên quan giải quyết vi phạm, đảm bảo chất lượng của nguyên liệu đưa vào chế biến; thực hiện đúng theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật do Quốc hội khóa 11 ban hành ngày 29/6/2006.

Ông Phạm Văn Công – Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam – cho hay, Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia này cần đáp ứng 2 vấn đề chính gồm: Quy định về mức chỉ tiêu, yêu cầu liên quan đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn sinh học; Quy định về quản lý để thực hiện Quy chuẩn. Hiệp hội điều Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, tổ chức liên quan để xây dựng nhanh Quy chuẩn này, đồng thời sẽ tích cực hỗ trợ trong quá trình thực hiện.

Theo số liệu của Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2019, ngành Điều Việt Nam tiếp tục đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân với số lượng khoảng 450.000 tấn, thu về trên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, lượng điều thô nhập khẩu lên đến gần 1,6 triệu tấn với kim ngạch nhập khẩu trên 2 tỷ USD. Chất lượng hạt điều thô nhập khẩu đã và đang là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp cũng như ngành Điều Việt Nam trên thế giới.

Sau nhiều nỗ lực, Hiệp hội Điều Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và các ngành liên quan xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam về hạt điều thô, TCVN 12380 – 2018. Đây là bộ tiêu chuẩn có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm tra, đánh giá, phân loại chất lượng nguyên liệu điều thô nhập khẩu và xử lý tranh chấp, góp phần đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và thương hiệu của ngành Điều Việt Nam.

Hiện, hạt điều thô đang được nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới. Thời gian qua, đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng về mặt kỹ thuật như: Mức thu hồi, độ ẩm, số hạt/kg; lượng hạt lép, hạt sâu… hay liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm như: nhiễm mọt, nấm…. Do đó, để đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nguyên liệu đưa vào chế biến, Hiệp hội điều Việt Nam khuyến cáo Hội viên và các doanh nghiệp trong ngành điều khi đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng sử dụng TCVN 12380-2018 về hạt điều thô trong điều khoản chất lượng để rằng buộc các bên thực hiện và làm cơ sở pháp lý để các cơ quan liên quan giải quyết tranh chấp, vi phạm (nếu có). Đồng thời để nghị các doanh nghiệp đầu ngành, các doanh nghiệp lớn đi tiên phong trong vấn đề này để TCVN 12380-2018 nhanh chóng phát huy tác dụng, góp phần nâng cao chất lượng điều thô nhập khẩu.

Mặt khác, với hạt điều có chấm sâu, các nhà máy phải xử lý rất khó khăn để thành loại LP và SP, xuất khẩu chủ yếu cho thị trường Trung Quốc. Nhưng từ năm 2019, Trung Quốc đã hầu như không nhập khẩu loại này nữa. Do đó, Hiệp hội Điều Việt Nam khuyến cao các doanh nghiệp khi đàm phán, ký kết hợp đồng mua điều thô cố gắng để không tính hạt điều chấm sâu vào thu hồi; nếu đàm phán khó khăn thì chỉ nên chấp nhận mức thô hồi 10 – 15% để tránh bị lỗ. Đồng thời, khuyến cáo các doanh nghiệp khi đàm phán, ký kết hợp đồng mua điều thô cố gắng bỏ hoặc giảm thấp nhất khoản tiền đặt cọc để giảm chi phí và bớt rủi ro; tốt nhất là dùng phương thức thanh toán L/C.

Nguồn Báo Công thương