Cơ quan hải quan phối hợp các bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra từ khâu cấp phép đến năng lực sản xuất của DN xuất khẩu, đặc biệt là DN có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến thuộc nhóm mặt hàng có rủi ro cao để kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN. Theo ông Tuấn, đây cũng là giải pháp tích cực sẽ được Tổng cục Hải quan đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới…

PV: Thưa ông, gần đây các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Hoa Kỳ đã có khuyến cáo về dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng Việt Nam để chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp vào các thị trường này. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Ông Âu Anh Tuấn: Qua phân tích số liệu kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay, cơ quan hải quan cũng nhận thấy một số bất thường, có nguy cơ tiềm ẩn lớn các hoạt động chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp và gian lận xuất xứ.

Xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đạt hơn 217 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, hàng hóa xuất khẩu sang một số thị trường chính, điển hình như Hoa Kỳ tăng 26% so với cùng kỳ năm 2018 và tỷ lệ này tăng gấp 4 lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác. 

Ông Âu Anh TuấnPhân tích số liệu nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng cho thấy có một số nhóm hàng nhập khẩu tăng mạnh trong 10 tháng của năm 2019, như sản phẩm máy tính, linh kiện. Đây cũng là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh. Dây điện và dây cáp điện nhập khẩu từ Trung Quốc có kim ngạch xuất khẩu mạnh sang Hoa Kỳ, tăng 252% so với cùng kỳ, trong khi nhập từ Trung Quốc tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng cục Hải quan đặt vấn đề tiềm ẩn rủi ro hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sau đó đội lốt hàng hóa Việt Nam và tiến hành giám sát đặc biệt đối với các mặt hàng có rủi ro cao, như thép là mặt hàng Hoa Kỳ áp thuế cao đối với hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.

Trên thực tế, cơ quan hải quan Việt Nam thường xuyên có sự hợp tác với các bộ, ngành và các tổ chức nước ngoài, cơ quan hải quan các nước trong việc chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc.

PV: Thưa ông, trước những dấu hiệu bất thường nêu trên, cơ quan hải quan đã và đang thực hiện các biện pháp nào để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các DN vi phạm?

- Ông Âu Anh Tuấn: Qua đánh giá phân tích kim ngạch thống kê xuất nhập khẩu trong thời gian qua, cơ quan hải quan sẽ phối hợp với Bộ Công thương đưa vào danh sách DN có kim ngạch nhập khẩu, xuất khẩu tăng đột biến sang thị trường Hoa Kỳ và áp dụng các biện pháp giám sát hàng hóa chặt chẽ từ cửa khẩu nhập và cửa khẩu xuất. Đặc biệt là đối với hàng hóa của Trung Quốc đang bị các nước áp dụng các biện pháp chống bán phá giá với mức thuế suất cao.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đang theo dõi dấu hiệu dịch chuyển luồng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Cơ quan hải quan thấy rằng vốn đầu tư từ Trung Quốc và vùng lãnh thổ Hồng Kông  vào Việt Nam tăng đột biến. Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam 10 tháng của năm 2019 tăng khoảng 200% so với năm 2018, Hồng Kông tăng gần 400%. Quy mô các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2019 đều có mức vốn nhỏ, trên dưới 1 triệu USD.

Với các dự án có số vốn nhỏ, sẽ tiềm ẩn rủi ro cao, DN rất khó đầu tư sâu để thay đổi đáng kể xuất xứ hàng hóa, chỉ có thể thực hiện các hoạt động gia công đơn giản, lắp ráp hàng hóa đơn thuần lấy xuất xứ Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng với hàng hóa Trung Quốc.

Mới đây, cơ quan hải quan đã phát hiện và đang xử lý các vụ việc xuất khẩu xe đạp và máy cắt cỏ sang thị trường Hoa Kỳ, nhưng thực chất DN nhập khẩu 100% linh kiện từ Trung Quốc, chỉ lắp rắp tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh để xuất khẩu, không đáp ứng quy tắc xuất xứ. 

PV: Cơ quan hải quan cũng đã có phản ánh về khó khăn trong việc ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp có nguyên nhân từ chính sách, vậy ông có đề xuất thế nào về vấn đề này?

- Ông Âu Anh Tuấn: Hiện nay, tại Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định việc lắp ráp đơn giản thành sản phẩm hoàn chỉnh thì không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, quy định hiện nay còn chung chung và xác định thế nào là đơn giản chưa được cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến cơ quan hải quan gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra dây chuyền sản xuất, năng lực sản xuất để xác định DN thực hiện công đoạn sản xuất như vậy là đơn giản hay phức tạp. 

Do đó, Tổng cục Hải quan có đề nghị, Bộ Công thương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về xuất xứ hàng hóa tại Điều 9, Nghị định 31/2018/NĐ-CP về gia công đơn giản, khái niệm gia công đơn giản cho các ngành nghề sản xuất, để cơ quan hải quan có căn cứ giám sát thực hiện, chống gian lận.

Cơ quan hải quan cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp danh sách các DN FDI từ những quốc gia bị các đối tác thương mại lớn của Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (Hoa Kỳ, EU) và theo dõi chặt chẽ những DN này.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa để quy định rõ, cụ thể là hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ mới được ghi nhãn là sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài, cũng như lưu thông tại thị trường trong nước, đảm bảo cơ sở pháp lý cho cơ quan hải quan kiểm tra. 

Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện rà soát, thống kê các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng đột biến để phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đánh giá, lập danh sách DN có rủi ro cao để có biện pháp giám sát từ khâu cấp phép đầu tư và trong quá trình sản xuất của DN. Qua đó, cơ quan hải quan nắm được quy trình sản xuất của DN gia công có làm thay đổi xuất xứ hàng hóa, đáp ứng quy định về xuất xứ Việt Nam, đồng thời có biện pháp theo dõi, giám sát từ khi sản xuất cho đến khi xuất khẩu sản phẩm.

Nguồn Thời báo Tài chính Việt Nam