Nguy cơ phát sinh tranh chấp giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam với nhau và giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài ngày càng gia tăng. Do đó, giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa bằng hòa giải được xem là phương pháp phù hợp. Phóng viên Báo Công Thương có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Chủ tịch Trung tâm Hòa giải thương mại Sài Gòn (SGM), Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh - xung quanh vấn đề này. 

Ông đánh giá như thế nào về những ưu điểm khi DN giải quyết tranh chấp bằng hòa giải?

Thông thường, khi phát sinh tranh chấp sẽ có 4 phương pháp giải quyết gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài và giải quyết tranh chấp bằng tòa án. Tuy nhiên thời gian để giải quyết một vụ tranh chấp tại tòa thường rất lâu, từ đó SGM sẽ đem đến một cơ chế hòa giải đa dạng, hiệu quả nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp tối ưu cho các bên liên quan.

Tại SGM, khách hàng được giải quyết hòa giải nhanh chóng, được đảm bảo giữ bí mật giữa các bên tham gia và không công bố ra bên ngoài, qua đó sẽ giữ được mối quan hệ giữa các đối tác với nhau để đảm bảo uy tín trong quá trình làm ăn kinh doanh.

Ngoài ra, chi phí hòa giải rất thấp nhưng kết quả hòa giải vẫn được tòa án công nhận và được thi hành án theo quy định của pháp luật. Mức phí hòa giải thấp nhất cho một vụ tranh chấp có trị giá từ 100 triệu đồng trở xuống là 5 triệu đồng (không bao gồm phí đăng ký hòa giải).

Ông có lời khuyên gì cho các DN trong bối cảnh kinh doanh hội nhập?

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, phát sinh nhiều vấn đề pháp lý, tranh chấp thì cơ chế hòa giải sẽ góp phần giúp DN giải quyết các tranh chấp êm thấm, đảm bảo uy tín trong kinh doanh. Qua đó đóng góp vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Thực tế cho thấy, DN nước ngoài trong quá trình làm ăn có phát sinh tranh chấp thích hòa giải (trên thế giới khoảng 80% DN dùng phương thức hòa giải) trong khi DN Việt chưa quen hình thức này khi phát sinh tranh chấp thường đem ra tòa. Các DN Việt cần thay đổi tư duy, nắm được các thông lệ quốc tế cần thiết, cụ thể là dùng hình thức giải quyết ngoài tòa để giảm tối đa việc phải gánh chịu những hậu quả, thiệt hại về tài sản, thời gian…

Đến nay, cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp ngoài tòa của DN khi có phát sinh được xác lập và đảm bảo như thế nào, thưa ông?

Trước đây không có cơ chế để xác lập hiệu lực thi hành của kết quả hòa giải. Đến nay, vướng mắc này đã được giải quyết trong Nghị định số 22/2017/NĐ- CP về hòa giải thương mại của Chính phủ ban hành ngày 24/2/2017.

Nghị định số 22 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển dịch vụ hòa giải thương mại tại Việt Nam. Đặc biệt, đã xác lập hiệu lực của kết quả hòa giải, đảm bảo quyền lợi của các bên khi sử dụng phương pháp hòa giải.

Cụ thể kết quả hòa giải thành sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc cho các bên thi hành, trong điều kiện không thi hành được thì kết quả này cũng được xem là một bản án được tòa công nhận thi hành khi đem ra khởi kiện tại tòa. Song điều cần lưu ý là phương thức này đòi hỏi sự thiện chí và hợp tác rất cao của các bên.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Báo Công Thương