Các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tranh luận về việc liệu có nên nhượng bộ Trung Quốc bằng cách dỡ bỏ một số biện pháp áp thuế hiện nay để nhanh chóng hoàn tất đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nước.

Bắc Kinh muốn Mỹ dỡ bỏ và giảm thuế

Tờ Financial Times cho biết có năm nguồn tin nắm rõ cuộc tranh luận này xác nhận: Nhà Trắng đang cân nhắc dỡ bỏ mức thuế nhập khẩu 15% áp vào 112 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm hàng may mặc, đồ gia dụng và màn hình máy tính kể từ ngày 1-9.

Động thái như vậy của Mỹ sẽ đáp ứng một trong những yêu cầu cốt lõi của Bắc Kinh khi các nhà đàm phán của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dàn xếp các điều khoản cho một thỏa thuận đình chiến thương mại dự kiến được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết trong vài tuần tới.

Tuy nhiên, nếu đồng ý gỡ bỏ bớt thuế với hàng hóa Trung Quốc, Washington có khả năng yêu cầu Bắc Kinh phải đáp trả lại bằng một số nhượng bộ bao gồm cam kết củng cố các quy định bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ, cam kết mua nông sản của Mỹ với số lượng lớn và đồng ý ký kết thỏa thuận thương mại trên đất Mỹ.

Hồi đầu tháng 10, sau khi phái đoàn thương mại Trung Quốc đến Washington để đàm phán, Nhà Trắng đã đồng ý gác lại kế hoạch tăng thuế từ 25 lên 30% với 250 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15-10.

Các quan chức Mỹ cũng gợi ý rằng Mỹ có thể hủy kế hoạch áp thuế 15% nhằm vào 156 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, chủ yếu là hàng tiêu dùng, vào ngày 15-12 tới nếu như Bắc Kinh đồng ý ký thỏa thuận thuận thương mại giai đoạn một với Washington.

Sau đó, các quan chức ở Bắc Kinh đề nghị Mỹ phải hành động nhiều hơn bằng cách rút bỏ một số biện pháp áp thuế đang thực hiện với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức của chính quyền ông Trump cự tuyệt đề nghị này.

Một nguồn tin lưu ý, dù hiện nay có sự đồng thuận ngày càng lớn trong nội bộ chính quyền Mỹ về việc chấp nhận dỡ bỏ bớt thuế đang áp vào hàng hóa Trung Quốc nhưng vẫn chưa rõ Tổng thống Trump có tán thành hay không.

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg dẫn lời các nguồn tin cho biết bên cạnh đề xuất rút bỏ vòng áp thuế với hàng hóa Trung Quốc hồi tháng 9, Bắc Kinh còn muốn Mỹ giảm mức thuế 25% đã áp vào 250 tỉ đô la hàng hóa kể từ năm ngoái.

Theo các nguồn tin, các quan chức Trung Quốc cũng gợi ý Mỹ tạm thời miễn thuế đối với một số mặt hàng Trung Quốc, đổi lại, nươc này sẽ gỡ bỏ thuế với lượng hàng hóa Mỹ tương ứng, chủ yếu là nông sản.

Bấy lâu nay, Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer và các quan chức thương mại khác của Mỹ trước sau đều lập luận rằng, duy trì mức thuế 25% với 250 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc trong dài hạn là cách để bảo đảm Trung Quốc giữ các cam kết trong bất kỳ thỏa thuận thương mại nào.

Ông Trump sẽ gặp rủi ro nếu nhượng bộ thuế?

Mỹ và Trung Quốc đã nhắm đến mục tiêu ký thỏa thuận thương mại trong cuộc gặp cấp cao giữa ông Trump và ông Tập diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Chile vào ngày 17-11. Song kế hoạch này đã đổ bể sau khi Chile tuyên bố hủy hội nghị APEC để tập trung giải quyết các cuộc biểu tình bạo lực ở trong nước.

Giờ đây, quan chức của hai nước khẩn trương tìm các địa điểm mới để ký thỏa thuận thương mại. Brazil và Mỹ là phương án có xác suất được lựa chọn cao nhất. Nếu lễ ký kết được tổ chức tại Mỹ, các bang Iowa, Hawaii và Alaska sẽ là những nơi được cân nhắc đầu tiên.

Nếu quyết định dỡ bỏ một số biện pháp áp thuế với hàng hóa Trung Quốc trở thành một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn một, tác động tích cực của thỏa thuận này sẽ rộng rãi hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng trì trệ.

Myron Brilliant, Giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế ở Phòng Thương mại Mỹ, nhận định cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều có động lực đạt được một thỏa thuận thương mại bao gồm các nhượng bộ về thuế.

Ông nói: “Mỗi bên đều xác định rằng đạt được thỏa thuận thương mại như vậy vào thời điểm này là điều quan trọng và cần phải có một số nhượng bộ để đi đến thỏa thuận. Chính quyền Mỹ sẽ phải đưa ra một số nhượng bộ về thuế và phía Trung Quốc sẽ phải chấp nhận một hiến chương về quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn”.

Các quan chức có lập trường cứng rắn về thương mại ở Nhà Trắng và quốc hội Mỹ có thể phản đối nhượng bộ về thuế vì họ cho rằng nếu làm như vậy, Mỹ sẽ mất ưu thế trong các cuộc đàm phán tiếp theo, đồng thời ông Trump sẽ bị chỉ trích nhân nhượng Trung Quốc quá dễ dàng khi ông đang hướng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Derek Scissors, học giả ở Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), nói: “Rút bỏ các biện pháp áp thuế hiện nay với hàng hóa Trung Quốc sẽ gây rủi ro cho ông Trump. Giờ đây, ông ấy có thể chỉ ra rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đang giảm khi ông loại bỏ một số thiệt hại thương mại với nước này như ông đã cam kết mạnh mẽ với cử tri trong năm 2016. Gỡ bỏ các đòn thuế sẽ khiến mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng trở lại, tạo cho phe Dân chủ có cớ để nói rằng ông ấy đang nói dối cử tri”.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài gòn