Các chuyên gia Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%.

Đây là nhận định được các chuyên gia Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đưa ra tại Hội nghị thường niên về Dự báo kinh tế toàn cầu nửa cuối năm 2019.

Ông Edward Lee, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế phụ trách khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và Nam Á, đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. Ông dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%, và tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì đến năm 2021.

Nhận định về đợt cắt giảm 0,25% lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước - lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 7-2017, ông Edward Lee cho rằng đây là động thái mang tính đón đầu trong bối cảnh Việt Nam phụ thuộc vào nhu cầu của thế giới để thúc đẩy tăng trưởng với xuất khẩu là động lực chính. Trong ngắn hạn, đợt hạ lãi suất sẽ không có nhiều tác động lên tăng trưởng tín dụng và chi phí đi vay; thanh khoản ở thị trường trong nước tiếp tục dồi dào và chi phí đi vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng hiện ở gần mức thấp nhất trong năm.

Theo dự báo của ông Edward Lee, khả năng sẽ không có thêm động thái nào liên quan đến chính sách tiền tệ từ phía Ngân hàng Nhà nước trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Ông Divya Devesh, Trưởng nhóm nghiên cứu ngoại hối khu vực ASEAN và Nam Á, chia sẻ đánh giá về triển vọng thị trường ngoại hối và lãi suất toàn cầu. Căng thẳng thương mại tiếp tục là chủ đề thu hút sự chú ý của thị trường và lạm phát thấp đang tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương đưa ra những động thái. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ giữ lãi suất ở mức thấp.

Ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á - Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ tốc độ tăng trưởng chậm lại, lạm phát ở mức thấp và rủi ro sụt giá gia tăng đang thúc đẩy các ngân hàng trung ương trên thế giới trở nên linh hoạt hơn. Căng thẳng thương mại Mỹ Trung đã và đang tiếp tục có những ảnh hưởng lên nền kinh tế toàn cầu…

"Triển vọng tại châu Á có vẻ như tươi sáng hơn và chúng tôi kỳ vọng châu Á sẽ dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu trong tương lai gần. 2019 dự kiến sẽ tiếp tục là một năm tích cực đối với Việt Nam nếu như các rủi ro chính yếu được kiểm soát hiệu quả" - ông Nirukt Sapru nhận xét.

Trong khi đó, các chuyên gia đến từ Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng cho rằng tác động đối với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lên các nước đã gia tăng gấp đôi, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ tại sự kiện cập nhật thông tin thị trường cùng triển vọng kinh tế thương mại Việt Nam của HSBC Việt Nam mới đây, ông Joseph Incalcaterra, Chuyên gia Kinh tế trưởng về các thị trường ASEAN thuộc Khối Nghiên cứu Tập đoàn HSBC, cho rằng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nếu Việt Nam xác định và có chiến lược rõ ràng thì sẽ rất có lợi. Dù trước mắt Việt Nam cũng phải chịu những áp lực nhất định song về dài hạn sẽ được hưởng những tác động tích cực.

Theo TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Việt Nam đang bắt đầu nhìn thấy những thách thức từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bởi Trung Quốc đang hạn chế nhập khẩu từ các nước láng liềng. Dù vậy, Việt Nam đang bù đắp được thâm hụt thương mại với Trung Quốc khi tăng xuất khẩu sang Mỹ.

Cùng quan điểm, ông Phạm Hồng Hải, thành viên Hội đồng thành viên HSBC Việt Nam, cho rằng thương chiến Mỹ - Trung đang ảnh hưởng đến tất cả nền kinh tế toàn cầu chứ không chỉ Việt Nam. Việt Nam đang được hưởng lợi khi có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang nhưng cũng cần có chiến lược để ứng phó với những thách thức diễn ra trong dài hạn.

Nguồn: Người Lao động