Các quan chức Mỹ và Trung Quốc vẫn xoay sở sắp xếp lịch trình cho vòng đàm phán thương mại ở Washington vào tháng này trong bối cảnh hai bên thiếu sự tin tưởng lớn ở nhau.

Hãng tin Bloomberg hôm 2-9 dẫn các nguồn tin cho biết, bất chấp các nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm trấn an thị trường tài chính và mô tả rằng các cuộc thảo luận về kế hoạch đàm phán đang tiến triển, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa nhất trí được các điều khoản đàm phán cho cuộc gặp giữa quan chức hai bên trong tháng này do thiếu sự tin tưởng lẫn nhau.

Các nguồn tin nói rằng lịch trình chuyến thăm của phái đoàn thương mại Trung Quốc đến Washington vẫn chưa được ấn định.

Trong các cuộc điện đàm tuần qua, quan chức hai bên không nhất trí được ít nhất hai điểm. Thứ nhất, Mỹ muốn đặt ra một số tiêu chí trong vòng đàm phán tiếp theo. Thứ hai, Trung Quốc yêu cầu Mỹ hoãn lại vòng áp thuế mới.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump vẫn quyết định tiến hành đánh thuế 15% với 125 tỉ hàng hóa Trung Quốc vào hôm 1-9.

Đến cuối ngày 2-9, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông báo cho biết nước này đã nộp đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để phản đối chính sách áp thuế.

Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc không nêu chi tiết các lập luận trong đơn kiện nhưng cho biết thuế của Mỹ ảnh hưởng đến 300 tỉ đô la hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.

Thông báo nói rằng các đợt áp thuế mới nhất của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc vi phạm thỏa thuận đình chiến thương mại đã được hai nước nhất trí trong cuộc gặp cấp cao giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump bên lề hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản hồi cuối tháng 6.

Thông báo cũng nhấn mạnh, theo các quy định liên quan của WTO, Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo về quyền và các lợi ích hợp pháp của nước này.

Đây là đơn kiện thứ ba của Bắc Kinh với WTO để phản đối các đòn thuế của ông Trump nhắm vào hàng hóa Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ nói rằng việc sử dụng thuế để trừng phạt Trung Quốc ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ không thuộc thẩm quyền phán quyết của WTO. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thương mại, các quyết định nâng thuế trên mức tối đa cho phép cần phải chứng minh tính hợp lý ở WTO.

Đồng thời, các quan chức Mỹ cũng phê phán việc Trung Quốc áp thuế với hàng hóa Mỹ theo kiểu ăn miếng trả miếng khi chưa có sự chấp thuận của WTO.

Hôm 30-8, Mỹ đã gửi đơn phản biện lại một trong ba đơn kiện của Trung Quốc, trong đó có nội dung cho rằng Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí không đưa vấn đề ra phân xử tại WTO.

“Trung Quốc đã đơn phương quyết định áp dụng các biện pháp chính sách công nghiệp quyết liệt để ăn cắp hoặc chiếm đoạt bất công công nghệ của các đối tác thương mại. Mỹ phải áp dụng các biện pháp thuế để nỗ lực loại bỏ các chính sách cưỡng ép chuyển giao công nghệ bất công và gây méo mó của Trung Quốc”, đơn phản biện của Mỹ có đoạn.

Mỹ cũng cho rằng thay vì giải quyết các mối lo ngại của Mỹ, Trung Quốc đã chọn cách đáp trả “để cố tắng duy trì các chính sách bất công vô thời hạn”.

Theo quy định của WTO, Mỹ có 60 ngày để dàn xếp đơn kiện mới nhất của Trung Quốc. Nếu không dàn xếp được,  Trung Quốc có thể yêu cầu WTO đứng ra phân xử, quy trình có thể kéo dài vài năm. Trung Quốc có thể được WTO cho phép tiến hành các biện pháp trừng phạt thương mại chống lại Mỹ nếu như ban hội thẩm kết luận Mỹ vi phạm các quy tắc của WTO khi áp thuế với hàng hóa Trung Quốc.

Phát biểu với báo chí hôm 1-9, Tổng thống Trump cho biết: “Chúng tôi đang nói chuyện với Trung Quốc và cuộc gặp đàm phán vẫn sẽ được tiến hành trong tháng 9. Họ không thay đổi kế hoạch về cuộc gặp và chúng tôi cũng vậy. Chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Nhưng chúng ta không thể cho phép Trung Quốc lừa gạt chúng ta nữa”.

Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc không muốn bị xem là quy phục trước các chiến thuật cứng rắn của Mỹ và họ đang thận trọng về việc ấn định ngày tổ chức vòng đàm phán tiếp theo vì ông Trump có xu hướng thay đổi lập trường bất ngờ thông qua các tuyên bố trên Twitter.

Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 2-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, nói rằng điều quan trọng nhất hiện nay là “phải tạo ra các điều kiện cần thiết cho việc tiếp tục đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ”.

Cùng ngày, trong cuộc trò chuyện với hãng tin CNBC, Anna Ashton, Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề chính phủ ở Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, nhận định Tổng thống Donald Trump không nhất thiết phải đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc mới có thể tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Tuy nhiên, bà thừa nhận vòng áp thuế mới của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc vào cuối tuần trước cũng như đợt áp thuế tiếp theo vào giữa tháng 12 tới sẽ tác động đến giá cả của hầu hết hàng hóa tiêu dùng ở Mỹ.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn