Khác với trường hợp Nhật Bản, xung đột thương mại Mỹ- EU dường như căng thẳng hơn khi xuất hiện nhiều dấu hiệu bất đồng thương mại giữa hai bên.

Sở dĩ Mỹ “tấn công” EU là vì vị thế của EU không kém Mỹ về quy mô nền kinh tế và thị trường. Hơn nữa, bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang đến gần, nên nếu Trump không tranh thủ giải quyết bất đồng thương mại với EU, sẽ gây bất lợi cho mình.

Căng thẳng ngày càng lớn

Buôn bán hai chiều giữa EU và Mỹ hiện ước tính 700 tỷ USD/năm, trong đó Mỹ luôn thâm hụt 150 tỷ USD/năm. Hơn nữa, EU đánh thuế 10% vào ô tô của Mỹ nhập khẩu vào EU, trong khi mức thuế đối xứng của Mỹ chỉ có 2,5%. Những điều này khiến chính quyền Trump tức giận, cho là không công bằng, và muốn chấm dứt tình trạng này.

Còn nhớ năm 2018, sau vài lần đàm phán giải quyết những bất đồng trên không có kết quả, chính quyền Trump đã quyết định đánh thuế 25% vào thép và 10% vào nhôm của EU nhập khẩu vào Mỹ. Sau đó, Trump đe dọa sẽ còn đánh thuế 20% vào ô tô của EU xuất khẩu vào Mỹ.

Ngày 20/6/2018, EU tuyên bố đáp trả bằng việc đánh thuế giai đoạn đầu vào gói nhập khẩu trị giá 3,2 tỷ USD từ Mỹ với mức thuế 25%. Ngoài ra, EU tuyên bố rằng nếu chính quyền Trump đánh thuế vào ô tô của EU thì EU có thể đáp trả thuế đánh vào gói hàng hóa trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ, và điều này có nguy cơ gây ra chiến tranh thương mại thực sự.

Sau đó, EU nhất trí đàm phán nhằm đưa thuế các sản phẩm không phải ô tô về 0%, mua thêm khí hóa lỏng của Mỹ, đàm phán tiến tới thiết lập tiêu chuẩn chung.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, tình hình trở nên căng thẳng hơn khi Mỹ chỉ trích EU đã trợ cấp cho hãng máy bay Airbus, ngược lại EU cũng tố cáo Mỹ có ưu đãi thuế cho hãng máy bay Boeing, và cả hai bên tuyên bố sẽ trả đũa lẫn nhau.

Khó xảy ra thương chiến Mỹ- EU

Xét về tương quan sức mạnh, thì EU có nhiều lợi thế hơn so với Nhật Bản và cả Trung Quốc, trong xung đột với Mỹ. Sự ủng hộ của người Mỹ đối cuộc chiến thương mại với EU yếu hơn nhiều so với ủng hộ chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Hơn nữa, nếu Mỹ đánh thuế vào ô tô và phụ tùng của EU nhập khẩu vào Mỹ, thì chuỗi cung ứng liên quan đến các doanh nghiệp Mỹ cũng bị ảnh hưởng.

So với Trung Quốc thì buôn bán Mỹ- EU (670 tỷ USD) lớn hơn với Trung Quốc (570 tỷ USD năm 2018). Mặt khác, dòng lợi nhuận và dòng tiền bản quyền từ EU chảy về Mỹ lớn hơn nhiều từ Trung Quốc. Nói cách khác, EU có thể tấn công Mỹ mạnh hơn Trung Quốc nhiều.

Tuy nhiên, phía EU cũng có một số bất lợi. Sở dĩ EU muốn loại nông sản ra khỏi thương thảo vì nông sản là vấn đề rất nhạy cảm với EU.

Một tính toán cho thấy, nếu xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ- EU thì cả hai bên đều thua. Bởi chi phí tăng sẽ đổ lên vai người dùng EU là 30%, người Mỹ là 60%. Khi giá tăng 1%, thì nhu cầu hàng nhập khẩu của EU sẽ giảm 1,4% và nhu cầu nhập khẩu của Mỹ giảm 1,7%.

Như vậy có thể thấy, có rất ít lý do để Mỹ và EU đi đến chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, đàm phán thương mại của Mỹ với EU có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn so với đàm phán với Nhật Bản.

Đối với Trung Quốc, vấn đề không chỉ là thâm hụt thương mại, mà còn là gian lận thương mại, ăn cắp bản quyền, là đối thủ địa chính trị. Trong khi đó, vấn đề của Mỹ với EU và Nhật Bản chủ yếu là thâm hụt thương mại. Bởi vậy, căng thẳng của Mỹ với EU dù có, nhưng quy mô không lớn, không phức tạp như xung đột với Trung Quốc. Xung đột của Mỹ với EU sẽ ít gây ra tác động xấu đáng kể nào đến thương mại và kinh tế toàn cầu.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp