Thực hiện tốt quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu không chỉ giúp DN tận dụng được các ưu đãi về thuế quan trong các FTA mà còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam chủ động trước các vấn đề phát sinh liên quan đến xuất xứ trong hoạt động xuất khẩu.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2018, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp 942.371 bộ C/O ưu đãi (bao gồm theo FTA và GSP) với trị giá 50,9 tỷ USD, tăng 35% về trị giá và 25% về số lượng bộ C/O so với năm 2017. Mức tỷ lệ tận dụng ưu đãi 39% phản ánh doanh nghiệp (DN) và hàng hóa XK từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam trong những năm qua.

Riêng mặt hàng giày dép hiện là mặt hàng có tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo FTA đạt gần như tuyệt đối (100%) với kim ngạch XK sang các thị trường ký FTA với Việt Nam là 3,85 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2017. Nhựa và các sản phẩm nhựa đứng thứ hai với tỷ lệ tận dụng 73,5%, có kim ngạch XK được cấp C/O ưu đãi 1,82 tỷ USD, tăng 52% so với năm 2017.

Tiếp theo là sản phẩm dệt may với kim ngạch XK được cấp C/O ưu đãi đạt 7,48 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 68,2% trong tổng kim ngạch XK nhóm mặt hàng này (gần 11 tỷ USD) sang các thị trường có FTA và tăng 33% so với kim ngạch XK được cấp C/O ưu đãi của mặt hàng này năm 2017.

Nhóm hàng nông, thủy sản có tỷ lệ tận dụng ưu đãi tương đối tốt như thủy sản (63,7%), cao su và các sản phẩm từ cao su (63,1%), hạt tiêu (59,1%) và cà phê (55,9%). Về thị trường đối tác FTA, Ấn Độ vươn lên chiếm tỷ lệ cao nhất với 72% kim ngạch sử dụng C/O mẫu AI XK. Trong khi đó, mặc dù tỷ lệ tận dụng tăng 2% so với năm 2017, thị trường Chilê bị đẩy xuống vị trí thứ hai với tỷ lệ tận dụng C/O mẫu VC ở mức 67%. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi mẫu AK/VK là 60%. Những năm gần đây, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định ASEAN+ hầu như không có tăng trưởng cao vì về cơ bản các đối tác đã thực hiện cắt giảm, xóa bỏ thuế quan được một thời gian.

Thực tế cho thấy các DN Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu kiểm tra về xuất xứ hàng hòa như: chứng từ, dữ liệu, cơ sở sản xuất… Do vậy, để chủ động ứng phó, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu về cơ sở sản xuất các DN phải nâng cao nhận thức về việc quản trị chứng từ liên quan đến xuất xứ hàng hoá, đảm bảo tính chuyên nghiệp cao sẵn sàng phục vụ cho quá trình kiểm tra...

Nguồn: Báo Thương trường