Một vài quốc gia Châu Á cân nhắc tham gia TPP mặc cho các nỗ lực kết thúc RCEP vào cuối năm nay

25/08/2016    60

Trong các quốc gia Châu Á đang đàm phán hiệp định thương mại khu vực có sự tham gia của Trung Quốc, đã có ít nhất ba quốc gia tiến hành các cuộc thảo luận có tính chất kỹ thuật cao với Hoa Kỳ về những điều kiện để gia nhập TPP khi Hiệp định này đã có hiệu lực.

Nhiều nguồn tin cho hay, đại diện các nước  Philippines, Thái Lan và Indonesia đã có các cuộc gặp riêng  với các quan chức Hoa Kỳ nhằm xác định các thay đổi cần thiết trong hệ thống pháp luật nội địa đề đáp ứng được các nghĩa vụ trong TPP về lao động, môi trường, mua sắm chính phủ và sở hữu trí tuệ, bên cạnh các nghĩa vụ TPP khác . Philippines cũng đã họp với Malaysia, Úc, New Zealand, Canada và Mexico bàn về việc tham gia TPP.

Các thảo luận về việc gia nhập này vẫn diễn ra ngay cả khi chính các quốc gia thành viên TPP cũng đang phải nỗ lực để Hiệp định này được thông qua. .

Philippines, Thái Lan và Indonesia hiện cũng tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cùng với 13 quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc. Một vài chính trị gia và chuyên gia thương mại gọi RCEP như là đối trọng với TPP, bởi RCEP có sự tham gia của Trung Quốc và có các tiêu chuẩn phi thuế quan liên quan đến một số vấn đề như lao động và môi trường được nhận định là kém toàn diện hơn TPP.

Một nguồn tin từ Chính Phủ Philippines cho hay “Tôi nghĩ rằng TPP thực sự là thỏa thuận thương mại lớn nhất tính tới thời điểm này. Mặc dù không có ai muốn thừa nhận điều này, nhưng tôi nghĩ Vòng Đàm phán Doha đã bế tắc. Đối với Philippines mà nói Hiệp định TPP thực sự là thỏa thuận của thế kỷ 21 và chúng tôi muốn được gia nhập. Ngoài ra, việc gia nhập này cũng là tham gia xây dựng khu vực Xuyên Thái Bình Dương.”

Nguồn tin này cũng bác bỏ khả năng việc đàm phán RCEP có thể được hoàn thành vào năm nay như đã được Trung Quốc và một số quốc gia thành viên cam kết hồi đầu tháng 8/2016. Trở ngại chính là do việc cắt giảm thuế quan tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mặc dù phía Ấn Độ đã bày tỏ quan điểm rằng quốc gia này sẵn sàng giải quyết ổn thỏa các rào cản thuế quan, tuy nhiên nguồn tin từ Chính phủ Philippines vẫn hoài nghi về việc các chính phủ có thể đạt được một thỏa thuận chung. Nguyên nhân là bởi rất nhiều trong số đó đã và đang đàm phán các mức giảm thiểu thuế quan ở nhiều mức độ khác nhau trong các thỏa thuận song phương và đa phương trước đó.

Nguồn tin trên cũng cho hay “Trở ngại thực sự là nỗ lực nhằm đảm bảo rằng mọi thỏa thuận thống nhất với nhau. Hiện đang có các hiệp định thương mại chồng chéo nhau về nội dung và các quốc gia đang cố gắng gộp tất cả các thỏa thuận này vào một thỏa thuận thương mại với sự tham gia của 16 quốc gia. Đó là lý do vì sao mà Hiệp định TPP có thể coi như một điều kỳ diệu.”

Chính sự chồng chéo này là lý do chính dẫn tới việc một số quốc gia của RCEP muốn tham gia Hiệp định TPP, và giúp các quốc gia này mở rộng việc tiếp cận các thị trường mới tại Châu Mỹ Latin và Bắc Mỹ.

RCEP bao gồm các quốc gia Úc, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Myanmar, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

TPP bao gồm sự tham gia của các quốc gia Úc, Brunei, Canada, Chi-lê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Sự hấp dẫn của việc tiếp cận các thị trường mới lớn đến mức mà nhiều quốc gia RCEP đã và đang theo đuổi các cuộc thảo luận mang tính kỹ thuật ngay cả khi việc thực thi TPP tiếp tục bị trì hoãn bởi một loạt các sự công kích không mang tính thiện chí trong chiến dịch tranh cử tổng thống nhiều nguồn tin cho hay.

Phía Philippines chia sẻ rằng không có bất kỳ thỏa thuận thương mại nào mà Philippines tham gia lại có những điều khoản cam kết sâu rộng như các thỏa thuận tại cái chương của TPP. Để có thể đáp ứng được những yêu cầu này, sẽ phải có những thay đổi mang tính hiến định mà cần tới nhiều năm mới có thể đạt được. Một số ví dụ về thay đổi này phải kể đến việc hạn chế mua sắm chính phủ từ công ty nước ngoài và hạn chế đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tổng thống Rodrigo Duterte, người được đề cử vào tháng năm vừa qua, đã chỉ rõ rằng ông rất sẵn lòng ủng hộ những thay đổi hiến định này nếu như Philippines theo đuổi việc tham gia TPP.

Quá trình gia nhập và thay đổi mang tính hiến định có thể diễn ra trong vòng nhiều năm một khi TPP được thực thi, đây cũng chính là lý do vì sao mà nhiều quốc gia như Philippines đã và đang tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán kỹ thuật mặc cho TPP chưa có gì là chắc chắn. Một nguồn tin cho biết “Không ai nói về thời điểm thực thi TPP. Điều quan trọng hơn là tất cả các quốc gia đều đang chuẩn bị sẵn sàng. Mặc cho những lời đồn đoán đang tiếp tục diễn ra hiện nay, chúng tôi thực sự muốn chuẩn bị cho việc gia nhập TPP và chúng tôi phải tiến hành chuẩn bị ngay từ lúc này.”

Trong khi Chính Phủ Hoa Kỳ đã xác nhận về việc đàm phán kỹ thuật với các quốc gia không phải là thành viên TPP ngay từ đầu năm 2014, vấn đề quan trọng nhất vào thời điểm hiện tại lại là liệu có đủ sự ủng hộ để thông qua Hiệp định này trước Quốc hội hay không. Ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và người thách thức thuộc Đảng Cộng Hòa Donald Trump đã bày tỏ quan điểm không ủng hộ TPP. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Chính quyền Hoa Kỳ sẽ ít quan tâm hơn tới việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc gia nhập TPP.

Nhiều nguồn thông tin cũng cho biết Chính quyền của ông Obama sẽ sử dụng các hành động của Trung Quốc nhằm hối thúc hoàn thành RCEP như một đòn công kích trong cuộc đấu tranh cho tầm quan trọng của việc thông qua TPP trong thời điểm kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống hiện nay. Theo đó,  Trung Quốc được cho là đang sử dụng RCEP nhằm “viết lại quy luật chơi” trong chính sách thương mại Thái Bình Dương thay vì các quy định và chính sách mà Hoa Kỳ đã thể hiện thông qua TPP.

Một nguồn tin khẳng định “Đây không phải là việc phải chọn giữa TPP và thực tiễn, mà là lựa chọn giữa TPP và một phiên bản thương mại tự do của Trung Quốc.”

Nguồn: Inside Trade