Thực hiện cam kết về DNNN trong TPP: Việt Nam được áp dụng nhiều 'ngoại lệ'

06/05/2016    55

Với việc ký kết tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào đầu năm 2016, Việt Nam lần đầu tiên có cam kết mở rộng nhất về doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Nghĩa vụ đáng chú ý nhất mà TPP đặt ra là minh bạch hóa thông tin về DNNN. Tuy vậy, với rất nhiều ngoại lệ cho Việt Nam, số DNNN chịu tác động của TPP sẽ không nhiều.  

TPP chỉ áp dụng với một số ít DNNN Việt Nam

Từ trước đến nay, Việt Nam mới chỉ có một số cam kết tương đối hạn chế về DNNN trong cam kết gia nhập WTO và trong Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Với TPP, nội dung DNNN và DN độc quyền chỉ định (gọi chung là DNNN) có hẳn một chương riêng trong Hiệp định. Tuy vậy, không phải mọi DNNN đều phải tuân thủ Hiệp định này bởi TPP có những giới hạn chung về diện DNNN áp dụng cho tất cả các thành viên TPP và những giới hạn riêng của từng nước TPP. 

Cụ thể, với Việt Nam, cam kết TPP về DNNN chỉ áp dụng với các DN có các tiêu chuẩn: Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ, hoặc nắm trên 50% quyền biểu quyết, hoặc nắm quyền chỉ định đa số thành viên Ban lãnh đạo; trong 5 năm đầu từ khi Hiệp định có hiệu lực, có doanh thu từ kinh doanh từ 500 triệu SDR/năm (khoảng 15.700 tỷ đồng) trở lên trong 3 năm liền trước. Đây là mức áp dụng riêng cho Việt Nam, Brunei, Malaysia, còn mức chung của TPP là 200 triệu SDR/năm. 

Mặc dù vậy, vẫn có nhiều trường hợp ngoại lệ ngay cả khi các DNNN có đủ đặc điểm trên như là hoạt động của DNNN không tác động tới thương mại đầu tư giữa các nước thành viên hoặc không ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại đầu tư của nước ngoài TPP, DNNN thực hiện các biện pháp quốc phòng, an ninh, ứng phó với tình trạng khẩn cấp, thực hiện chức năng của Nhà nước; hoạt động của ngân hàng trung ương, các cơ quan giám sát và quản lý tài chính, tiền tệ; nhằm giải quyết một DN dịch vụ tài chính khó khăn; mua sắm công; DNNN là quỹ đầu tư vốn của Nhà nước hoặc DNNN thuộc địa phương hoặc do địa phương chỉ định…. 

Như vậy, theo đánh giá của luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, với phạm vi áp dụng tương đối hạn chế cùng rất nhiều ngoại lệ, TPP dự kiến sẽ chỉ áp dụng với một số ít các DNNN Việt Nam. Tuy nhiên, tiến trình cải cách DNNN mà Việt Nam đang thực hiện cũng đang đi theo hướng mà TPP quy định. Vì vậy, dù không chịu sự ràng buộc của các cam kết TPP, các DNNN Việt Nam vẫn phải có những điều chỉnh trong phương thức hoạt động thời gian tới. 

Yêu cầu hoàn toàn mới về minh bạch hóa thông tin DNNN

Về phía Nhà nước, TPP yêu cầu các thành viên phải tuân thủ 3 nghĩa vụ cơ bản. Một là không hỗ trợ phi thương mại cho DNNN đến mức gây ra tác động tiêu cực tới lợi ích của các thành viên TPP khác. Tuy nhiên, nghĩa vụ này không áp dụng với DNNN cung cấp dịch vụ trên thị trường nội địa. Về phần mình, Việt Nam cũng bảo lưu không phải thực hiện nghĩa vụ về hỗ trợ phi thương mại trong Chương trình cổ phần hóa và tái cơ cấu khu vực DNNN; ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển vùng sâu, biên giới, hải đảo, an sinh xã hội, y tế, giáo dục… và hỗ trợ cho hoạt động của một số DNNN cụ thể như PetroVietnam, EVN, SCIC, DATC, VDB, Agribank, Vietnam Airlines, Vinalines…

Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, một trong những nghĩa vụ đáng chú ý của nhà nước về DNNN mà TPP đặt ra là minh bạch hóa thông tin. Trong khi các nghĩa vụ khác khá chung và cơ bản không mâu thuẫn với pháp luật hiện hành của Việt Nam, nghĩa vụ minh bạch hóa đặt ra những yêu cầu cụ thể, mới hoàn toàn về DNNN. Cụ thể, TPP yêu cầu các thành viên phải cung cấp cho các nước thành viên khác hoặc công bố công khai trên một website chính thức và phải cập nhật hàng năm các thông tin về danh sách DNNN, về việc chỉ định DN độc quyền trên một thị trường nhất định. 

Đồng thời, Việt Nam cũng phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin bằng văn bản cho bất kỳ nước thành viên TPP có yêu cầu, bao gồm các thông tin về tỷ lệ sở hữu nhà nước, tổng doanh thu, tổng tài sản, các báo cáo tài chính đã được công bố, các miễn trừ áp dụng, chính sách hay chương trình cung cấp hỗ trợ phi thương mại mà mình đang áp dụng… Tuy nhiên, các nước TPP có thể không phải tuân thủ các nghĩa vụ nói trên trong các trường hợp ngoại lệ liên quan tới việc thực hiện các biện pháp an ninh quốc gia và ứng phó với tình trạng khẩn cấp tạm thời.

“Danh sách các DNNN ở Việt Nam hiện không phải là thông tin được công bố công khai. Do đó, việc Việt Nam thực hiện nghĩa vụ này hy vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt, làm tiền đề cho những cải cách tiếp theo trong minh bạch hóa thông tin về DNNN, từ đó tăng cường minh bạch hoạt động đầu tư kinh doanh của nhóm DN này”, TS Nguyễn Thị Thu Trang bình luận.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam