Ngành dệt may đón đầu TPP: Dệt nhuộm nhiều rào cản

28/01/2016    60

(DĐDN)- Thời gian qua, một số DN đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc đã xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất sợi tại Việt Nam nhằm đón làn sóng dịch chuyển của các nhà sản xuất vải và tận dụng lợi thế về thuế từ các điều khoản của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu chỉ chú trọng vào phát triển ngành công nghiệp sợi thôi thì chưa đủ, DN cần đẩy mạnh mảng dệt nhuộm. Nhưng vấn đề này lại đang gặp nhiều khó khăn cần sớm được tháo gỡ.

Mới đây nhất, dự án thành lập Khu công nghiệp Dệt may Ấn Độ ở TP HCM đã được Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu hàng dệt và sợi tổng hợp và tơ nhân tạo (SRTEPC) gửi đến các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện các nhà đầu tư Ấn Độ đang rất quan tâm tìm giải pháp gắn kết được công nghiệp hỗ trợ từ Ấn Độ với các nhà sản xuất hàng may mặc của Việt Nam, nhằm tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do sắp tới. Các DN Việt Nam chưa làm được trọn vẹn cả 3 khâu: Sợi, dệt, nhuộm, trong khi Ấn Độ mạnh lĩnh vực này, nên nếu họ vào đầu tư thì rất tốt. Sự quan tâm của các nhà đầu tư Ấn Độ trong lĩnh vực sợi cũng cho thấy điểm yếu của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam khi đứng trước các cơ hội lớn để mở rộng thị trường.

Nếu TPP được ký kết, dệt may và da giày sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, do thuế xuất khẩu giảm về 0%, thay vì từ 12-17% như hiện nay. Tuy nhiên, khó nhất hiện nay với các doanh nghiệp (DN) dệt may của Việt Nam là có đến 60% nguyên phụ liệu phải nhập từ bên ngoài, chủ yếu là nhập từ Trung Quốc – một quốc gia không phải thành viên TPP. Trong khi đó, để được hưởng ưu đãi về thuế đòi hỏi DN dệt may Việt Nam phải tự chủ về nguyên phụ liệu, hoặc nhập khẩu từ các nước tham gia TPP, nhưng đa phần các nước tham gia TPP không phải là những nước cung cấp nguyên liệu.

Thống kê của Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho thấy, các DN trong lĩnh vực dệt may đang đẩy mạnh đầu tư nhà máy sản xuất sợi. Hiện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã đưa 3 dự án sản xuất sợi đi vào hoạt động là Nhà máy Sợi Phú Bài 2, Nhà máy Sợi Vinatex Hồng Lĩnh, Nhà máy Sợi Đồng Văn.

Đồng thời, bốn dự án sản xuất nguyên phụ liệu sợi khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để kịp đưa vào sản xuất. Tổng công ty 28, Công ty Dệt may Thành Công, Tổng công ty CP Phong Phú cũng đang đầu tư hoặc xúc tiến hợp tác với các tập đoàn Nhật Bản, Đài Loan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu sợi phục vụ cho ngành dệt may.

Trong bối cảnh hiện nay, việc các DN “chạy đua” đầu tư vào ngành sợi cũng là điều dễ hiểu bởi vì kinh tế thị trường, có nhu cầu thì ắt nguồn cung sẽ phát triển để đáp ứng. Tuy nhiên, nếu các DN chỉ tập trung phát triển mạnh về lĩnh vực sợi thì chưa đủ. Bởi lẽ, hiện tại một số DN Việt Nam cũng đã có thể xuất khẩu sợi.

Vì vậy, điều cần thiết nhất của ngành dệt may là phải có sự phát triển đồng bộ, tức bên cạnh sợi cần có dệt, nhuộm đi kèm. Thế nhưng, cái khó là, phát triển lĩnh vực nhuộm đang gặp rào cản về môi trường. Hầu hết các địa phương vẫn ngại cấp giấy phép đầu tư dự án dệt, nhuộm. Hơn nữa, đầu tư vào dệt, nhuộm đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, do phải xử lý nước thải, đảm bảo vấn đề môi trường, mà tỷ suất lợi nhuận của việc đầu tư này khá thấp nên chưa thu hút được các nhà đầu tư.

Nguồn: Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp