Mỹ sử dụng quy tắc xuất xứ đặc biệt đối với các sản phẩm nhạy cảm được áp thuế khác nhau giữa các nước TPP

30/11/2015    66

Văn kiện gần như cuối cùng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) công bố ngày 05 tháng 11 cho thấy Mỹ đã đưa ra các quy tắc xuất xứ đặc biệt cho một số sản phẩm nhạy cảm mà họ đã áp thuế riêng cho từng nước TPP như sữa, đường và các sản phẩm ô tô.

Các quy định trong Phụ lục C của biểu thuế quan của Mỹ được áp dụng trong các trường hợp một hàng hóa được nhập vào Mỹ từ một nước thành viên TPP (nước A) có mức thuế suất thấp hơn nhưng được sản xuất bởi các yếu tố đầu vào từ một nước TPP khác (nước B) mà có mức thuế suất cao hơn, theo quy tắc cộng gộp xuất xứ.

Khi đó, Mỹ sẽ tính thuế suất cao hơn hoặc mức cao nhất trong TPP trừ khi các nhà nhập khẩu có thể chỉ ra rằng tất cả các yếu tố đầu vào từ nước B đã trải qua một sự chuyển đổi đáng kể tại nước A.

Định nghĩa như thế nào là chuyển đổi đáng kể khác nhau giữa sản phẩm, và có thể liên quan đến việc chuyển đổi chương hoặc nhóm của hàng hóa đó (chuyển đổi mã HS). Mỹ đang áp dụng quy tắc xuất xứ đặc biệt này đối với 217 sản phẩm nhập khẩu nhạy cảm. Ngoài sữa, đường và các sản phẩm ô tô, những quy định đặc biệt này còn áp dụng đối với một số sản phẩm dệt may và may mặc, giày dép, thủy tinh và sứ.

Một nhân viên của Ủy ban House Ways & Means cho rằng việc xử lý hiệu quả sự khác biệt về thuế quan là vô cùng quan trọng để ngăn chặn các công ty gian lận các khoản thuế cao bằng cách thực hiện bước sản xuất hàng hóa cuối cùng trong quốc gia có mức thuế thấp hơn.

Ví dụ, xe tải nhẹ nhập khẩu vào Mỹ từ Mexico sẽ được miễn thuế ngay khi TPP có hiệu lực, trong khi mặt hàng tương tự từ Nhật Bản vẫn phải chịu mức thuế 25% trong vòng 30 năm. Câu hỏi đặt ra là mức thuế nào sẽ được áp dụng cho một chiếc xe tải khi nhập vào Mỹ từ Mexico nhưng có 99% lắp ráp tại Nhật Bản và sau đó vận chuyển đến Mexico cho bước sản xuất cuối cùng.

Nhân viên của Ủy ban cũng cho hay: "Nếu không thực hiện đúng các quy định này, thì việc có một lộ trình 25 hoặc 30 năm từng bước xóa bỏ thuế quan đối với ô tô từ Nhật Bản là vô nghĩa, vì các sản phẩm như ô tô có thể được xuất khẩu sang Mexico để rồi ngay lập tức được miễn thuế khi sang Hoa Kỳ".

Ông nhấn mạnh rằng các quy tắc xuất xứ  là một khía cạnh của TPP và Quốc hội sẽ cần phải xem xét kỹ lưỡng trong thời gian tham khảo ý kiến ​​là 90 ngày kể từ ngày 05 tháng 11 với thông báo chính thức của Tổng thống về ý định ký TPP. Nhân viên Ủy ban cho biết: "Đó là một ví dụ hoàn hảo của những gì chúng ta sẽ phải biết để tiến hành những bước đánh giá kỹ lưỡng ", và "Vẫn chưa có đầy đủ các cuộc thảo luận về vấn đề đó."

Một cựu quan chức thương mại thừa nhận rằng các quy tắc đặc biệt về chênh lệch mức thuế được Mỹ thực hiện là khá phức tạp để quản lý, và không nhất thiết phải phức tạp hơn các quy định khác của cơ quan hải quan Hoa Kỳ.

Các nước TPP khác cũng đưa ra quy tắc đặc biệt cho các sản phẩm áp thuế chênh lệch giữa các nước TPP là Nhật Bản và Mexico, mặc dù quy định của các nước này có cấu trúc khác nhau và sẽ áp dụng cho ít sản phẩm hơn. Các sản phẩm được những quy định đặc biệt này điều chỉnh bao gồm một số loại cá cho Nhật Bản và một số mặt hàng ô tô cho Mexico.

Các quy tắc đặc biệt về xử lý chênh lệch thuế quan đàm phán bởi Mỹ, Mexico và Nhật Bản chặt chẽ hơn các quy tắc chung về vấn đề này trong một phụ lục của chương TPP về Đối xử quốc gia và Tiếp cận thị trường cho hàng hóa.

Những quy định chung trong Phần B của Phụ lục 2-D đề cập rằng khi có sự chênh lệch thuế, bên nhập khẩu "sẽ được áp dụng mức thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ tại nơi mà quá trình sản xuất cuối cùng, trừ công đoạn tối thiểu, đã diễn ra."

Công đoạn tối thiểu được xác định như sau: một hoạt động đảm bảo cho việc bảo quản hàng hóa trong điều kiện tốt để vận chuyển và lưu trữ; bao bì, đóng gói lại, tháo dỡ các lô hàng hoặc đưa đi để bán lẻ, kể cả đặt trong chai, lon, bình, túi xách, thùng hoặc hộp; chỉ pha loãng với nước hoặc chất khác mà không làm thay đổi các đặc tính của hàng hóa; tập hợp hàng hóa để tạo thành bộ, chủng loại, bộ dụng cụ, hoặc gói hàng hoá tổng hợp; hoặc bất kỳ sự kết hợp của những hoạt động này.

Các quy định đặc biệt khác về chênh lệch thuế do Mỹ đàm phán xuất phát từ thực tế là các nước TPP muốn cho phép cộng gộp để tính xuất xứ của tất cả các sản phẩm. Cộng gộp nghĩa là đầu vào từ một hoặc nhiều quốc gia có thể được sử dụng để tính theo quy tắc cộng gộp xuất xứ của TPP. Nhưng cho phép cộng gộp đối với tất cả các sản phẩm mà không có quy định đặc biệt để giải quyết những chênh lệch về ưu đãi thuế quan sẽ tạo điều kiện cho gian lận.

Trước đó trong các cuộc đàm phán TPP, các ngành công nghiệp sữa và đường của Mỹ đã yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ không cho phép sử dụng quy tắc cộng gộp sản phẩm của này. Tuy nhiên các doanh nghiệp khác của Hoa Kỳ và các nước TPP khác cho rằng nếu không áp dụng quy tắc cộng gộp sẽ làm suy yếu một trong những lợi ích chính của việc có một thỏa thuận khu vực đó là khả năng tận dụng đầu vào từ toàn bộ khu vực để đáp ứng các quy tắc xuất xứ.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI tổng hợp và đưa tin