Tranh luận sớm về toàn văn TPP

18/11/2015    48

(TBKTSG) - Hơn 6.000 trang của bản dự thảo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một văn bản được cho là viết rất chặt chẽ, phức tạp - đã được công bố tuần trước để lấy ý kiến công chúng trước khi chính thức được thông qua và có hiệu lực trong vài tháng tới. Đã có những tranh luận nổ ra sớm về bản dự thảo này tại một số nước liên quan.

Văn bản về các điều khoản TPP, vốn bị chỉ trích vì “thiếu minh bạch” do được giữ bí mật trong quá trình đàm phán suốt năm năm qua, cuối cùng đã được công bố. Dự thảo này giảm hoặc bỏ hoàn toàn các loại thuế từ xe hơi Nhật Bản cho đến phô mai New Zealand, cho phép 12 nước thành viên (Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam) - được cho là chiếm 40% kinh tế toàn cầu, có thể giao thương thuận lợi hơn. Đặt biệt khác bất cứ hiệp định thương mại nào trước đây, TPP còn đưa ra các quy định quốc tế về tài sản trí tuệ, dược phẩm và quy định pháp lý có thể cho phép các nhà đầu tư kiện các chính quyền nước ngoài.

Mỹ: thuốc, xe hơi và việc làm
Mỹ là nơi mà các lập luận phản đối TPP nổi lên nhiều nhất. Dễ hiểu thắng lợi của Úc trong việc đàm phán được thời hạn bảo hộ bản quyền thuốc sinh học gia hạn năm năm (thay vì 12 năm như Mỹ đề nghị - điều mắc mứu khiến đàm phán TPP bế tắc một thời gian dài) - khiến phía Mỹ thất vọng như thế nào.

Orrin Hatch, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, tuyên bố rằng Úc đã quá “tham lam” với những điều khoản bảo hộ bản quyền thuốc, và cho rằng cần phải đàm phán lại TPP nếu không sẽ “không có TPP gì cả”. Là Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, sự ủng hộ của ông Hatch rất quan trọng để thỏa thuận này được thông qua.

Tuy nhiên, khoảng thời gian này (12 năm) sẽ khiến các loại thuốc quan trọng với tính mạng bệnh nhân sẽ trở nên rất đắt đỏ, điều mà Andrew Robb - Bộ trưởng Thương mại Úc, tuyên bố sẽ không bao giờ chấp thuận. Trong khi đó, kể cả với thời hạn năm năm của dự thảo, các nhà vận động của tổ chức Thầy thuốc không biên giới và Human Rights Watch lo ngại rằng các điều khoản về bản quyền dược phẩm này là “giết người” theo nghĩa đen, vì khiến các loại thuốc liên quan đến sinh mệnh con người trở nên rất đắt đỏ.

Xe hơi và việc làm là hai chủ đề nóng khác khi nói về TPP ở Mỹ. Báo The Wall Street Journal tính toán TPP sẽ làm tăng thâm hụt thương mại ngành sản xuất, lắp ráp xe hơi của Mỹ khoảng 55,8 tỉ đô la mỗi năm cho đến năm 2025. Phòng Thương mại Mỹ ước tính 6.000 việc làm mất trên mỗi tỉ đô la thâm hụt này, tương đương khoảng 330.000 công nhân Mỹ mất việc làm.

Theo các nhóm phản đối, TPP cũng không bao gồm các phương pháp ngăn chặn việc lạm dụng lao động giá rẻ mạt và vi phạm quyền thương thuyết của người lao động, và điều này sẽ khiến TPP trở thành “cuộc đua xuống đáy” về giá nhân công.

Nếu người Mỹ lo ngại về lực lượng lao động giá thấp, người Canada lại lo ngại về các quy định cho người lao động nước ngoài có tay nghề cao về kỹ thuật hay thương mại, do văn bản TPP không hạn chế số lượng hay chất lượng các lao động này khi luân chuyển làm việc ở các nước trong khối. Các thành viên Liên đoàn Lao động Canada đang xem xét kỹ và đề nghị chính phủ làm rõ vấn đề này, chẳng hạn các loại chứng chỉ hay quy định để người nước ngoài làm việc ở Canada.

Úc và Canada: môi trường và sở hữu trí tuệ

Các nhà môi trường Úc là thất vọng nhất, cho rằng toàn bộ văn bản dự thảo là “cơn ác mộng” bởi theo họ, các điều khoản về bảo vệ môi trường quá yếu. “Chỉ có một số ít điều khoản sơ sài về đa dạng sinh học, bảo tồn, đánh bắt ngoài biển, và kinh doanh các dịch vụ môi trường, và còn không hề nhắc đến biến đổi khí hậu - vấn đề môi trường nóng nhất toàn cầu hiện nay”, Giáo sư Matthew Rimmer, của trường Đại học Kỹ thuật Queensland nói với báo chí Úc.

Trước các chỉ trích, Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb phải tuyên bố các chương về môi trường của TPP không bao gồm đủ các chi tiết, để nhắc nhở các nhà môi trường khoan vội chỉ trích.

Để xoa dịu các nhà môi trường, Robb nhấn mạnh TPP có sức nặng về kinh tế và những thỏa thuận giữa 12 nước thành viên sẽ là một thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp Úc, nông dân, nhà sản xuất... cung cấp sản phẩm thực phẩm ra chuỗi cung ứng khu vực và thế giới, một lối thoát thay thế cho ngành công nghiệp mỏ đang gặp khó của Úc hiện nay.

Các điều khoản về sở hữu trí tuệ cũng là mối lo âu lớn của các nhà phản biện TPP ở Úc bởi họ cho rằng những quy định này “rất phức tạp và kỹ lưỡng”, liên quan đến nhiều loại tài sản trí tuệ có từ cả chục năm, thậm chí là hàng trăm năm trước. Không khéo thì Úc có thể bị kiện đến hàng tỉ đô la, ví dụ, chỉ vì có thay đổi trong luật về khai thác mỏ hay những vấn đề rất khó lường, nếu chiếu theo các điều khoản này.

Các nhà phân tích Canada thì lo ngại TPP có thể khiến dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người Canada, như thông tin y tế, có thể bị chuyển ra nước ngoài. Văn bản dự thảo TPP cho thấy các nước thành viên phải cho phép lưu chuyển nội khối thông tin liên quan đến kinh doanh - bao gồm dữ liệu cá nhân - có nghĩa là thông tin cá nhân có thể được lưu giữ ở nước ngoài và cơ quan an ninh nước ngoài có thể tiếp cận được.

Văn bản này buộc Canada phải viết lại các quy tắc bản quyền hiện nay của mình cho phù hợp với các “quy tắc kiểu Mỹ” trong thỏa thuận, bao gồm luật gia hạn 20 năm (nhà cung cấp dịch vụ Internet có quyền khóa các trang web sau 20 năm) thay vì thời hạn 50 năm của Canada, và các điều khoản liên quan khác. Trong khi các nước khác thỏa thuận được thời hạn cho giai đoạn chuyển tiếp, Canada không có thời hạn nào. Phía chống đối TPP cho rằng các nhà thương thuyết TPP đã “đánh đổi tương lai kỹ thuật số của Canada, quyền lợi người dùng Internet, các nghệ sĩ và người sáng tạo cho những điều luật chỉ cho lợi nhuận của các đế chế truyền thông”.

Chủ quyền các quốc gia

Có thể nói, các chỉ trích lớn nhất, đe dọa việc hiện thực hóa TPP từ các quốc gia tập trung vào các quy định mới của ISDS (Investor-State Dispute Settlement - khi có tranh chấp, nhà đầu tư có quyền kiện/nhờ giải quyết thông qua tòa án quốc tế hay hội đồng trọng tài quốc tế, chứ không qua tòa án địa phương), với lo ngại rằng TPP sẽ giúp các tập đoàn lớn có ảnh hưởng đến luật, chính sách công của Mỹ và các nước khác. Như vậy với quyền lực của ISDS, chính quyền các nước thành viên có thể sẽ bị phạt vì quyền lợi của các công ty này, và điều này có thể điều chỉnh lại luật pháp của các nước đó trong tương lai. Nghĩa là TPP có thể tác động đến quyền tự chủ của quốc gia. Chưa kể, các nhóm phản đối còn cho rằng các công ty có thể tận dụng ISDS để chiếm đoạt tài sản và vi phạm các hợp đồng trong trường hợp các thỏa thuận đầu tư có sơ hở.

Trang The Huffington Post, trong khi cho rằng ISDS là “chuyện người lớn” (hàm ý việc bảo vệ các nhà đầu tư, doanh nghiệp là hết sức nghiêm túc), thì các điều khoản về quyền lao động, bảo vệ môi trường và chống thao túng tiền tệ trong văn bản dự thảo TPP là “chuyện trẻ con”. Bảo vệ môi trường chỉ được nhắc đến qua loa, quyền của người lao động có điều khoản, nhưng không có chế tài nào nếu đất nước thành viên vi phạm.

Tương tự, các nhóm phản đối cũng chỉ trích TPP không có điều khoản nào ràng buộc các nước như Nhật, Singapore, Malaysia và các thành viên khác không được thao túng tiền tệ của họ (như phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu).

Cuối cùng, dù Trung Quốc không phải là thành viên TPP, nhưng vẫn thấp thoáng bóng dáng nền kinh tế này trong các tranh cãi, do Trung Quốc có FTA với tám thành viên trong TPP. Ví dụ, với điều kiện ưu đãi thuế về tỷ lệ phụ kiện xe hơi có xuất xứ nội khối chỉ còn 45% như dự thảo nêu ra, như vậy nếu 55% của chiếc xe sản xuất ở Trung Quốc thì nó vẫn được xem là sản xuất ở một nước thành viên TPP và hưởng thuế suất 0% khi bán sang Mỹ!

Và, trước những tranh cãi và cả đe dọa sẽ “không có TPP”, Tổng thống Mỹ Obama đã nhấn mạnh rằng “TPP có nghĩa là nước Mỹ sẽ viết nên những quy tắc cho thế kỷ 21, đặc biệt ở châu Á, nơi đang có khoảng trống cho những quy tắc hành xử như vậy. Nếu không thông qua thỏa thuận này, có nghĩa là nếu nước Mỹ không viết lên những quy tắc này tại đây, thì những nước như Trung Quốc sẽ viết”. “Và điều đó mới đe dọa công ăn việc làm của người Mỹ và hạ thấp vai trò đi đầu của nước Mỹ”, ông Obama tuyên bố.

Nguồn: TBKTSG