Bộ Công Thương: Tóm tắt cam kết về Trợ cấp Thủy sản và Bảo tồn trong TPP

16/11/2015    125

Theo một báo cáo của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), sản lượng đánh bắt hải sản tự nhiên của toàn bộ khu vực Thái Bình Dương chiếm khoảng trên 40% sản lượng đánh bắt tự nhiên toàn thế giới. Trong khi đó, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, với sự tham gia của 12 Thành viên của cả 3 châu lục (Châu Á, Châu Mỹ và Châu Đại dương), bao quát hầu hết khu vực vành đai Thái Bình Dương được cho là tập hợp gồm các quốc gia tiêu thụ, sản xuất chủ yếu và chiếm vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế đối với hải sản. Bởi thế, các nội dung về trợ cấp đánh bắt tự nhiên, chống thương mại trái phép hải sản đánh bắt từ tự nhiên là một trong những nội dung quan trọng của Chương Môi trường – Hiệp định TPP. Tuy nhiên, do cùng thống nhất một quan điểm chung là hướng tới xây dựng một Hiệp định Thương mại tự do có trách nhiệm với các mối quan tâm chung và đảm bảo sự phát triển bền vững, đồng thời dỡ bỏ các yếu tố phi công bằng, bóp méo thương mại hải sản trong khu vực và trên thế giới, các nước TPP đã đưa ra các cam kết quan trọng như sau: 

 1. Xóa bỏ trợ cấp cho hoạt động đánh bắt mà hoạt động đó được xác định là gây ra tác động xấu tới nguồn lợi hải sản đã trong tình trạng bị đánh bắt quá mức; Và xóa bỏ mọi hình thức trợ cấp cho các tàu đánh bắt bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo. 

 2. Cam kết minh bạch hóa mọi chính sách và dữ liệu có liên quan đến các chương trình trợ cấp đánh bắt. 

 3. Cam kết thực hiện các biện pháp quốc gia cảng biển và quốc gia tàu treo cờ cũng như các kế hoạch hành động chống đánh bắt bất hợp pháp của các tổ chức nghề cá khu vực và quốc tế nhằm ứng phó và giải quyết vấn nạn đánh bắt bất hợp pháp và hành vi thương mại các sản phẩm đó.   

Để thực thi các cam kết liên quan đến xóa bỏ trợ cấp như nêu ở mục 1, các nước có thời gian 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với từng Bên để hài hòa hóa mọi chính sách liên quan. Riêng Việt Nam sẽ được gia hạn thêm 2 năm nếu có cơ sở thể hiện sự cần thiết phải có thêm thời gian chuyển tiếp. 

*****

 Nối tiếp tinh thần chia sẻ trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững, các nước TPP cũng đạt được thảo thuận tiêu chuẩn cao về các vấn đến liên quan đến bảo tồn và thương mại động thực vật bị khai thác trái phép. Sự bao trùm về địa lý của chính Hiệp định này cùng với các đặc thù về vị trí địa lý của các Thành viên cũng khiến cho khả năng xử lý vấn đề bảo tồn động thực vật hoang dã có liên quan đến thương mại trở thành một trong những mối quan tâm của cộng đồng quốc tế. Quá trình đàm phán về nội dung này đã đạt được những kết quả mang tính tiêu chuẩn cao như sau: 

 1. Cam kết mạnh mẽ của các quốc gia thành viên thực thi đầy đủ các cam kết tại Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ (CITES).    2. Tăng cường hợp tác giữa các nước TPP với nhau và trong các khuôn khổ hợp tác khác để chống lại tình trạng buôn bán động thực vật hoang dã bị khai thác trái phép. 

 3. Cam kết triển khai các chương trình bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên 

 4. Các nước cũng tiến xa hơn nữa trong cam kết ngăn chặn hành vi khai thác trái phép hoặc thương mại động thực vật bị khai thác trái phép chứ không chỉ dừng trong phạm vi của các loài có nguy cơ. Mở rộng phạm vi trách nhiệm với cộng đồng quốc tế bằng việc cho phép sử dụng luật môi trường của các vùng lãnh thổ khác ngoài khu vực TPP, nơi diễn ra hoạt động khai thác làm cơ sở tham chiếu, xác định tính bất hợp pháp của hành vi buôn bán động thực vật hoang dã.   

5. Cam kết cũng công nhận các quốc gia Thành viên có toàn quyền trong việc xác định mức độ đáng tin cậy của các bằng chứng; toàn quyền trong việc xác định biện pháp phù hợp để ngăn chặn các các hành vi khai thác trái phép và hành vi buôn bán động thực vật hoang dã trái phép đó, trên cơ sở pháp luật trong nước. 

 Việt Nam tin tưởng rằng với môi trường pháp lý tiến bộ hiện nay, cùng với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết  là điều kiện, hoàn cảnh tốt để Việt Nam thực thi các cam kết tiêu chuẩn cao của Hiệp định TPP./.

Nguồn: Bộ Công Thương