Bộ Công Thương: Tóm tắt cam kết về Môi trường trong TPP

16/11/2015    77

1. Giới thiệu chung

 Chương Môi trường là Chương thứ 20 của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP). Mục tiêu của Chương Môi trường là thúc đẩy sự tương hỗ lẫn nhau giữa các chính sách về thương mại và môi trường; tăng cường bảo vệ môi trường ở mức độ cao và thực thi hiệu quả luật pháp về môi trường; tăng cường năng lực của các Bên để giải quyết các vấn đề về môi trường liên quan đến thương mại, bao gồm cả việc thông qua hợp tác. 

 Chương Môi trường bao gồm khoảng 25 trang tiếng Việt với 23 Điều khoản và 02 Phụ lục. 

 2. Những điểm mới của chương môi trường

 Được biết đến như một dạng hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, khác với những hiệp định thương mại tự do truyền thống trước đây, Hiệp định TPP đã đưa vào nhiều nội dung và lĩnh vực mới với những tiêu chuẩn và nghĩa vụ ở mức khá cao.  

 Đối với Chương Môi trường của Hiệp định, nhiều lĩnh vực và vấn đề môi trường có liên quan đến thương mại đã được đưa vào thành những nghĩa vụ cam kết mang tính chất ràng buộc và bắt buộc các nước thành viên phải thực thi thông qua việc sử dụng công cụ về kinh tế, cụ thể là việc áp dụng cơ chế tham vấn và cơ chế giải quyết tranh chấp (có áp dụng chế tài thương mại) đối với những vấn đề phát sinh hoặc các tranh chấp về môi trường có liên quan đến thương mại và đầu tư giữa hai hay nhiều Bên. 

 Bên cạnh những điểm mới nêu trên, Chương Môi trường cũng có những điều khoản nhằm tăng tính minh bạch và tính nghiêm túc trong việc thực thi các nghĩa vụ của Chương, cụ thể là nghĩa vụ phải tạo điều kiện cho công chúng được tham gia trong quá trình thực hiện; nghĩa vụ về chia sẻ và công khai thông tin liên quan đến việc thực hiện và nghĩa vụ khuyến khích, cho phép công chúng được tham gia giám sát quá trình thực thi các cam kết về môi trường.    

 3. Các cam kết và nghĩa vụ chính 

 a. Về chính sách và pháp luật trong nước về môi trường 

 - Xây dựng chính sách, pháp luật: Mỗi Bên phải cố gắng đảm bảo đầy đủ

luật pháp và chính sách môi trường, khuyến khích việc bảo vệ môi trường ở mức cao và tiếp tục nâng cao các mức độ bảo vệ môi trường.    - Thực thi chính sách và pháp luật: Mỗi Bên phải thực thi hiệu quả và nghiêm túc pháp luật về môi trường của mình mà không gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa các Bên. Đồng thời không được phép bỏ qua, hay bằng cách nào đó giảm nhẹ hiệu lực pháp lý của các đạo luật và quy định mội trường của mình nhằm khuyến khích thương mại hay đầu tư giữa các Bên. 

 b. Về các cam kết quốc tế về môi trường 

 - Khẳng định thực thi hiệu quả các cam kết trong các hiệp định đa phương về môi trường mà mình tham gia. 

 - Nhấn mạnh nghĩa vụ thực thi 03 điều ước quốc tế về môi trường là: Nghị định thư MONTREAL về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển (Công ước MARPOL) và Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã đang bị đe dọa (Công ước CITES). 

 c. Về tăng cường tính minh bạch và hiệu quả thực hiện

- Công khai hóa thông tin, tăng cường sự tham gia và giám sát của công chúng trong quá trình thực thi.

- Khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân (doanh nghiệp) trong việc bảo vệ môi trường ví dụ như khuyến khích việc áp dụng các cơ chế tự nguyện nhằm nâng cao việc bảo vệ môi trường.

d. Về một số lĩnh vực cụ thể liên quan đến môi trường 

 Chương Môi trường cũng đưa ra những nghĩa vụ cụ thể đối với một số lĩnh vực liên quan đến tài nguyên và môi trường bao gồm đa dạng sinh học, sinh vật ngoại lai xâm lấn, biến đổi khí hậu, đánh bắt hải sản, bảo tồn và hàng hóa và dịch vụ môi trường.    Bên cạnh những nghĩa vụ mang tính ràng buộc ở mức cao, Chương Môi trường cũng khuyến khích và tạo ra các khuôn khổ hợp tác giữa các Bên trong các lĩnh vực này, cụ thể là trong lĩnh vực đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, thực thi 3 điều ước quốc tế đã trình bày trên v..v  

 

4. Ý nghĩa của chương môi trường đối với Việt Nam

- Phát huy tính tương hỗ giữa các chính sách về thương mại và chính sách về môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.  

 - Các cam kết ở mức cao và mang tính ràng buộc của Chương Môi trường sẽ là cơ sở cho Việt Nam trong việc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến môi trường, góp phần vào nỗ lực chung trong các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.  

 - Những nghĩa vụ và cam kết ở mức cao, mang tính ràng buộc sẽ tạo ra sức ép tích cực góp phần vào việc thực thi nghiêm túc và hiệu quả các chính sách và pháp luật trong nước cũng như các cam kết quốc tế về môi trường của mọi thành phần và đối tượng trong xã hội (nhà nước và người dân). 

 - Doanh nghiệp và người dân nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng, lợi ích và cả những hậu quả/rủi ro trong việc thực thi nghĩa vụ bảo vệ môi trường có liên quan đến các hoạt động thương mại của mình. Doanh nghiệp và người dân do vậy sẽ tự giác thay đổi quan điểm và hành vi, nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong các hoạt động thương mại của mình.  

 - Việc thực thi tốt các nghĩa vụ của Chương Môi trường nâng cao uy tín và hình ảnh của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việc Nam nói riêng về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là việc đảm bảo các yêu cầu và tiêu chuẩn về môi trường đối với các các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam qua đó sẽ góp phần thúc đẩy mở rộng thị trường và tăng cường các hoạt động thương mại quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia trong và ngoài TPP./. 

Nguồn: Bộ Công Thương