Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về TPP

09/10/2015    53

(DĐDN) – Để có thể cạnh tranh được với hàng hóa các nước sau TPP, trước tiên và trên hết doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về TPP để xem lợi ích mà mình tìm kiếm nằm ở đâu, thách thức ở đâu, điều kiện của TPP là gì, từ đó xác định xem mình phải chuẩn bị gì để đáp ứng điều kiện hay hóa giải những thách thức.

Khẳng định trên được bà Phùng Thị Lan Phương – Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI đưa ra khi trả lời Diễn đàn Doanh nghiệp về việc doanh nghiệp nên làm gì để có thể cạnh tranh được với hàng hóa các nước sau khi ký kết TPP.

– Ngày 5/10/2015, Bộ trưởng Thương mại của 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tuyên bố kết thúc đàm phán. Bà có bình luận gì về vấn đề này?

Có thể nói đây là một kết thúc mà tất cả chúng ta đều mong đợi hơn 5 năm nay.

TPP đã rất nhiều lần bị lỡ hẹn, từ những kỳ vọng kết thúc vào cuối năm 2012, 2013, 2014 bị bỏ lỡ, rồi đến 6 tháng đầu năm 2015 cũng không đạt được. Vì vậy, khi các Bộ trưởng TPP tuyên bố kết thúc đàm phán ngày 5/10/2015 sau cuộc họp căng thẳng kéo dài 5 ngày tại Atlanta, Hoa Kỳ đã khiến cho tất cả những ai đang mong chờ TPP đều cảm thấy rất vui mừng.

Vui mừng bởi TPP là một cơ hội lớn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp của Việt Nam. TPP kết thúc sớm ngày nào thì cơ hội sớm đến với chúng ta ngày đó. Hơn nữa, TPP là một Hiệp định đa phương gồm 12 nước, trong đó có những đối tác thương mại lớn của thế giới như Hoa Kỳ, Canada hay Mexico mà chúng ta chưa từng có ở FTA. Điều này khiến cho cơ hội cũng được nhân lên rất nhiều lần.

Vui mừng nữa bởi TPP là đàm phán lâu nhất, nhiều khó khăn nhất đối với Việt Nam. Bởi vì trong khi TPP được đánh giá là một Hiệp định có tiêu chuẩn cao nhất, cam kết sâu và toàn diện nhất trên thế giới từ trước tới nay, thì Việt Nam lại là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong 12 nước tham gia Hiệp định. Chúng ta đã không những dám tham gia vào cuộc chơi này mà còn chơi rất chủ động – Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên đàm phán tích cực của TPP. Điều này cho thấy quyết tâm hội nhập, quyết tâm đổi mới rất mạnh mẽ của Việt Nam.

Cuối cùng, cùng với TPP, Việt Nam cũng vừa kết thúc cơ bản đàm phán FTA với EU, ký kết 03 FTA với Lào, Liên minh Kinh tế Á Âu và Hàn Quốc và Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được hình thành cuối năm 2015. Đây có thể coi là một bước ngoặt, đánh dấu một giai đoạn hội nhập mới của Việt Nam. Nếu tận dụng được tốt các FTA mới này, cùng với các FTA đã ký của Việt Nam, sẽ tạo ra một tác động cộng hưởng, đem lại những lợi ích vô cùng to lớn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp của chúng ta.

– Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, thì TPP cũng sẽ mang lại không ít thách thức cho doanh nghiệp, thưa bà?

Từ góc độ kinh tế, với việc các đối tác trong TPP cam kết mở cửa thương mại cho Việt Nam, TPP được kỳ vọng sẽ mang tới cho chúng ta những lợi ích to lớn. Đó là cơ hội xuất khẩu với thuế quan ưu đãi, là cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cơ hội tăng nguồn cung giá hợp lý cho sản xuất, chất lượng dịch vụ tốt hơn và giá rẻ hơn… So với các FTA khác mà Việt Nam đã có, TPP có các đối tác lớn hơn nhiều, mức độ tự do hóa cao hơn nhiều, và vì vậy những cơ hội về kinh tế cũng gia tăng thêm nhiều lần. Tuy nhiên, xin nhấn mạnh, cơ hội này chỉ trở thành hiện thực nếu chúng ta có hành động thích hợp cũng như đáp ứng được các điều kiện liên quan. Thách thức xuất hiện từ đây, không phải là ở chỗ chúng ta sẽ bị mất những gì, mà là chúng ta có thể sẽ bỏ lỡ những lợi ích gì mà lẽ ra có thể thu được từ TPP.

Ngược lại, khi nhìn nhận TPP từ góc độ là cam kết của Việt Nam trong mở cửa thị trường nội địa cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước TPP, thách thức sẽ rất thực tế. Đối thủ cạnh tranh đến từ các nước TPP đa phần là những đối thủ mạnh cả về năng lực cạnh tranh, quy mô vốn lẫn kinh nghiệm kinh doanh. Nếu không cạnh tranh được, doanh nghiệp sẽ mất thị trường, mất lợi nhuận, mất doanh thu, thậm chí có thể buộc phải đóng cửa. Những sản phẩm nào sức cạnh tranh yếu, tiêu thụ phần lớn ở trong nước, lâu nay vẫn được “bao bọc kỹ càng” trong khi doanh nghiệp các nước TPP lại có thể mạnh chắn chắn sẽ là những sản phẩm đầu tiên bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề kinh tế, cũng liên quan tới được mất, tôi muốn nhấn mạnh hai khía cạnh khác của TPP mà dường như Việt Nam sẽ được nhiều hơn mất.

Thứ nhất, đó là cơ hội về cải cách thể chế khi TPP bao gồm các cam kết cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư, về doanh nghiệp Nhà nước, về mua sắm Chính phủ… Đây là những việc mà chúng ta đã và đang làm, các cam kết TPP sẽ cung cấp thêm một động lực to lớn để chúng ta thực hiện công việc này hiệu quả hơn.

Thứ hai là cơ hội về xã hội và phát triển bền vững khi TPP chứa đựng các cam kết tham vọng về tiêu chuẩn lao động, môi trường… Việt Nam không phải không biết về các vấn đề này, cũng không phải không muốn hiện thực hóa chúng, chỉ là các điều kiện hiện tại chưa thể thực hiện được như mong muốn. TPP với các cam kết hỗ trợ kỹ thuật có thể giúp chúng ta thực hiện được các muc tiêu này thuận lợi hơn, nhanh hơn. Tất nhiên mức yêu cầu là cao, nhưng xét cho cùng đó chẳng phải là mục tiêu tốt đẹp về phát triển mà chúng ta hướng tới hay sao.

– Vậy, theo bà, doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì để có thể cạnh tranh được với hàng hóa các nước sau TPP?

WTO hay các FTA là những con đường để chúng ta hội nhập, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ hội phát triển, tham gia và nền kinh tế toàn cầu thông qua việc xóa bỏ dần các rào cản thương mại. Nhưng đó không phải là liều thuốc thần diệu hay phép màu để xóa bỏ toàn bộ khó khăn cho doanh nghiệp. Cũng như TPP, WTO hay các FTA chỉ mang đến cơ hội, hiện thực hóa nó tới đâu là phụ thuộc vào Chính phủ và doanh nghiệp ta. Thực tế đã cho thấy những lần hội nhập trước, chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội. Và vấn đề của chung ta là làm thế nào để biến cơ hội thành hiện thực.

Với TPP, sân chơi thì mới hơn, luật chơi khó khăn hơn, nhưng giải pháp để tìm kiếm thành công có lẽ vẫn vậy.

Để có thể cạnh tranh được với hàng hóa các nước sau TPP, trước tiên và trên hết doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về TPP để xem lợi ích mà mình tìm kiếm nằm ở đâu, thách thức ở đâu, điều kiện của chúng là gì, để từ đó xác định xem mình phải chuẩn bị gì để đáp ứng điều kiện hay hóa giải những thách thức. Ví dụ với doanh nghiệp xuất khẩu, sẽ phải xem dòng thuế nào được loại bỏ vào thị trường nào, quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế là gì.

Với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nội địa, sẽ phải tìm kiếm xem sản phẩm tương tự của mình từ các nước TPP khi nào thì được vào Việt Nam miễn thuế, lộ trình là thế nào để điều chỉnh sản xuất cho hợp lý….

– Xin cảm ơn bà!

Phòng FTA là đơn vị trực thuộc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI là đầu mối cung cấp thông tin liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do theo nhu cầu của doanh nghiệp; thực hiện tư vấn, hướng dẫn hiệp hội, doanh nghiệp xử lý các vụ việc trong hội nhập và tổ chức các hoạt động để tham vấn với Chính phủ trong đàm phán, thực thi các cam kết thương mại quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp