Tổng hợp thông tin từ Hội nghị Bộ trưởng TPP tháng 7/2015

02/08/2015    54

Hội nghị Bộ trưởng thương mại các nước TPP đã diễn ra từ ngày 28-31 tháng 7/2015 tại hòn đảo Hawai của Hoa Kỳ. Ngay trước thềm Hội nghị, các trưởng đoàn đàm phán TPP và một số nhóm đàm phán đã có các cuộc họp từ ngày 24/7/2015 để chuẩn bị cho Hội nghị của các Bộ trưởng.

Hội nghị lần này được kỳ vọng rất cao là sẽ có thể kết thúc được đàm phán TPP sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa được Quốc hội nước này trao Quyền đàm phán nhanh (TPA) ngày 24/6/2015. Tuy nhiên, sau 4 ngày đàm phán căng thẳng, Hội nghị đã kết thúc mà không đạt được một tuyên bố chính thức nào về việc kết thúc đàm phán TPP.

Tuyên bố chung gây thất vọng

Hội nghị Bộ trưởng TPP kết thúc với một Tuyên bố chung ngắn ngủi gây nhiều thất vọng - không có một tuyên bố kết thúc nào được đưa ra (kể cả tuyên bố kết thúc “về cơ bản”), không có một thông tin cụ thể nào cho biết đàm phán đã đạt được đến đâu, cũng không có một lịch trình tiếp theo nào cho đàm phán trong thời gian tới.

Các bộ trưởng chỉ tuyên bố chung chung rằng “Sau hơn một tuần làm việc hiệu quả, chúng tôi đã đạt được tiến triển đáng kể và sẽ tiếp tục làm việc để giải quyết một số ít các vấn đề còn tồn đọng, tạo điều kiện để kết thúc các cuộc đàm phán TPP”

Nhiều vấn đề đã được giải quyết

Mặc dù không được tuyên bố chính thức nhưng những thông tin bên lề cho thấy cuộc đàm phán lần này đã đạt được tiến triển lớn ở nhiều vấn đề khó khăn.

Trong một cuộc phỏng vấn sau Hội nghị bộ trưởng, Bộ trưởng Thương mại Australia, Andrew Robb đã nói rằng “98% các vấn đề đã được giải quyết”.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Michael Froman, trong một cuộc họp báo cũng phát biểu rằng Hội nghị đã đạt được nhiều tiến triển, và dẫn chứng vấn đề Chỉ dẫn địa lý như một bước tiến đã đạt được tại Hội nghị lần này.

Nhiều nguồn tin khác cũng cho hay các vấn đề Đầu tưMua sắm côngThương mại điện tử và Môi trường vốn là các vấn đề khó khăn cũng đạt được tiến triển lớn tại Hội nghị lần này.

Kết thúc đàm phán song phương Việt Nam – Hoa Kỳ

Tại Hội nghị lần này, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán song phương với tất cả 11 đối tác trong TPP, đặc biệt là với Hoa Kỳ - đối tác đàm phán khó khăn nhất của Việt Nam.

Trong một cuộc phỏng vấn sau Hội nghị về đàm phán song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Vũ Huy Hoàng, đã phát biểu rằng “Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất được tất cả các nội dung liên quan về TPP”-  mặc dù trước khi Hội nghị diễn ra, nhiều nguồn tin cho thấy Việt Nam vẫn còn vướng mắc với Hoa Kỳ về một số vấn đề như Lao động (Công đoàn), Mở cửa thị trường hàng hóa (dệt may), Mở cửa thị trường đối với một số lĩnh vực dịch vụ (phân phối, viễn thông..)

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Michael Froman đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam: “Tôi rất ấn tượng với các nhà đàm phán của Việt Nam về những đề xuất sáng tạo trên bàn đàm phán cũng như những thiện chí của họ mặc dù là đại diện của một nền kinh tế có trình độ phát triển thấp hơn so với các đối tác còn lại nhưng vẫn sẵn sàng tham gia vào TPP”

Các vấn đề lớn còn tồn đọng

Tổng hợp thông tin từ các Bộ trưởng TPP trong các cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng lần này có thể thấy 3 vấn đề lớn nhất còn tồn đọng trong TPP là: Tiếp cận thị trường Ô tô, Sữa và Thời hạn độc quyền dữ liệu đối với dược phẩm sinh học.

Về tiếp cận thị trường ô tô, câu chuyện xoay quanh 4 nước sản xuất ô tô lớn nhất trong TPP là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada và Mexico. Mâu thuẫn lớn nhất hiện nay, ngoài vấn đề thuế quan, là quy tắc xứ đối với ô tô. Trong khi Nhật Bản mong muốn hàm lượng nội khối của ô tô chỉ là 40% hoặc thấp hơn, Hoa kỳ lại yêu cầu phải là 55%, còn Mexico và Canada thậm chí còn đề xuất hàm lượng nội khối cao hơn cả mức 62.5% như quy định trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Đối với sản phẩm sữa, vấn đề trở nên phức tạp khi bản chào mở cửa thị trường đối với sản phẩm này của Canada không thoả mãn yêu cầu của Hoa Kỳ, Australia và New Zealand, dẫn tới việc Hoa Kỳ rút lại bản chào trước đó về sữa cho Australia, còn New Zealand vẫn liên tục phàn nàn về việc cả 3 nước trên không nhân nhượng cho sản phẩm sữa của họ.

Australia thì vẫn kiên quyết yêu cầu Hoa Kỳ phải tăng thêm hạn ngạch cho các sản phẩm đường của nước này, coi đây là vấn đề “sống còn” của họ, nếu Hoa Kỳ muốn họ chấp thuận các vấn đề khác như Cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – nhà đầu tư (ISDS) hay thời hạn bảo hộ độc quyền dữ dược phẩm sinh học. 

Còn về vấn đề độc quyền dữ liệu đối với các dược phẩm sinh học, Hoa Kỳ vẫn kiên quyết với yêu cầu của họ về thời hạn bảo hộ độc quyền dữ liệu 12 năm trong khi các nước khác phản đối vì cho rằng thời hạn này là quá dài, chẳng hạn như theo luật hiện hành của Australia thì thời hạn này chỉ là 5 năm.

Lịch trình tiếp theo của TPP?

Mặc dù không có thông tin chính thức, nhưng theo thông tin từ Bộ trưởng thương mại Nhật Bản, Akira Amari, các Bộ trưởng thương mại TPP có thể sẽ nhóm họp lần nữa vào tháng 8 tới, nhưng chưa có lịch trình cụ thể. 

Giới chuyên gia nhận định, nếu các nước TPP muốn ký kết được Hiệp định tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra từ ngày 16-17/11/2015 tới thì đàm phán TPP phải kết thúc vào giữa tháng 8 /2015 bởi vì theo quy định của Hoa Kỳ về Quyền đàm phán nhanh (TPA), Tổng thống Obama phải thông báo với quốc hội 90 ngày trước khi ký kết TPP.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI