Cập nhật tình hình đàm phán TPP về Thương mại hàng hóa đến tháng 5/2015

13/06/2015    54

Liên quan tới thương mại hàng hóa (bao gồm các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa và các cam kết quy tắc gắn với dòng lưu chuyển hàng hóa qua biên giới), mối quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam tập trung ở 02 khía cạnh là mở cửa thị trường các nước TPP và thị trường Việt Nam. Cụ thể:

1.     Về việc tiếp cận thị trường các nước TPP cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

(i)                Về các cam kết thuế quan và quy tắc xuất xứ

Là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, việc Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn như Hoa Kỳ và các nước TPP khác (đặc biệt là các đối tác chưa có FTA với Việt Nam) với mức thuế suất bằng 0 hoặc thấp sẽ mang lại một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng thế mạnh mà Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế MFN tương đối cao khi nhập khẩu vào các thị trường này như dệt may, giầy dép.

Cụ thể, liên quan tới mở cửa thị trường các nước TPP, mối quan tâm lớn nhất tập trung vào 02 nhóm sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn là dệt may và giầy dép.

-         Về dệt may

Theo đề nghị của Hoa Kỳ (xuất phát từ yêu cầu của một nhóm các nghị sỹ Hoa Kỳ), đàm phán về dệt may được thực hiện riêng, độc lập với đàm phán về mở cửa tất cả các loại hàng hóa còn lại. Trong đàm phán này, hai đối tác chủ yếu là Hoa Kỳ (phía mở cửa thị trường) và Việt Nam (phía tiếp cận thị trường), ngoài ra còn có một số đối tác khác có quan tâm như Mexico, Australia.

Tính tới thời điểm 1/5/2015 thì dường như đàm phán dệt may đã chốt ở nguyên tắc quy tắc xuất xứ chung (là “từ sợi trở đi” – yarnforward – theo đó sản phẩm dệt may muốn được hưởng ưu đãi thuế quan TPP phải được sản xuất từ sợ trở đi tại các nước TPP), với các hoạt động kỹ thuật đang được triển khai nhằm cụ thể hóa nguyên tắc yarnforward chung này đến từng dòng thuế chi tiết. Tuy nhiên, đàm phán vẫn đang còn vướng mắc ở những nội dung cơ bản như:

+ Danh mục “nguồn cung thiếu hụt”[1]

Mặc dù các nước đã thống nhất sẽ có Danh mục này (chia thành 02 danh mục nhỏ hơn: “danh mục nguồn cung thiếu hụt thường xuyên” và “danh mục nguồn cung thiếu hụt tạm thời” nhưng lại chưa thống nhất về nội dung Danh mục này (gồm các dòng thuế nào) và tính chất của Danh mục (Danh mục cố định hay Danh mục linh hoạt, có thể bổ sung sau này).

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh hiện tại và tương lai gần, khả năng nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may từ các nước ngoài TPP vẫn chiếm tỷ trọng lớn ở hầu hết các dòng sản phẩm, trong khi nguyên tắc yarnforward lại là nguyên tắc chung, về mặt lý thuyết, càng nhiều nguyên liệu, đặc biệt là các nguyên liệu sử dụng nhiều trong các sản phẩm may mặc xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được đưa vào Danh mục “nguồn cung thiếu hụt” để không phải áp dụng quy tắc xuất xứ yarnforward càng có lợi.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là Danh mục này được xem là ngoại lệ, do đó, số lượng các sản phẩm nguyên liệu được đưa vào Danh mục này là có hạn, và để thuyết phục các nước đối tác chấp nhận thì cần có các giải trình cụ thể về “tính chất thiếu hụt” của nguyên liệu liên quan trong nội khối TPP. Hơn nữa, chúng ta cũng cần tính đến khả năng trong tương lai khi các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự sản xuất các sản phẩm dệt may để xuất khẩu chứ không chỉ đơn thuần là gia công cho nước ngoài. Do đó hiệp hội và các doanh nghiệp dệt may cần xây dựng phương án lựa chọn các nguyên liệu đưa vào Danh mục Nguồn cung thiếu hụt một cách cẩn trọng để Danh mục này thực sự có ý nghĩa đối với việc tận dụng các ưu đãi thuế quan từ TPP trong tương lai.

+ Biện pháp tự vệ về dệt may:

Bên cạnh các quy định về biện pháp tự vệ thông thường (tương tự như trong WTO), đàm phán dệt may TPP còn có đề xuất về biện pháp tự vệ đặc biệt chỉ áp dụng cho hàng dệt may, với các cơ chế riêng, cho phép áp dụng biện pháp tự vệ theo các điều kiện dễ dàng hơn so với điều kiện chung trong WTO. Đây là cơ chế nhằm bảo vệ cho nước nhập khẩu (ở đây chủ yếu là Hoa Kỳ) trước nguy cơ hàng dệt may ồ ạt nhập khẩu vào thị trường sau khi áp dụng thuế ưu đãi gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Hiện chưa có thông tin đầy đủ về dự kiến cơ chế này trong đàm phán, tuy nhiên có thể là một trong hai mô hình tự vệ đặc biệt tại FTA Hoa Kỳ - Singapore (mô hình chặt) hoặc FTA Hoa Kỳ - Hàn Quốc (mô hình lỏng hơn).

Đối với Việt Nam, nước xuất khẩu dệt may lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ trong TPP, về lý thuyết đây là điều khoản bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Mặc dù vậy, trên thực tế, khả năng áp dụng điều khoản này không cao bởi xét năng lực hiện tại và triển vọng đầu tư phát triển dệt may trong thời gian tới ở Việt Nam thì ít có khả năng lượng hàng dệt may từ Việt Nam sang các nước TPP sẽ tăng đột biến sau TPP. Hơn nữa, Hoa Kỳ hầu như không có ngành may nội địa sản xuất hàng tương tự với hàng dệt may Việt Nam, do đó yếu tố thiệt hại nghiêm trọng gây ra cho ngành sản xuất nội địa (điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ) hầu như không tồn tại. Trên thực tế, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, với tính chất là nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, Trung Quốc cũng phải chấp nhận cam kết về biện pháp tự vệ đặc biệt về dệt may, mặc dù vậy chưa có vụ tự vệ dệt may nào được tiến hành theo cơ chế này ở các nước TPP, trong đó có Hoa Kỳ.

+ Lộ trình mở cửa thị trường dệt may

Thông tin cho biết hiện đàm phán về lộ trình mở cửa thị trường (xóa bỏ thuế) đối với hàng dệt may đang được thiết kế theo 03 nhóm (gọi là 03 rổ): Nhóm loại bỏ thuế ngay sau khi TPP có hiệu lực; nhóm loại bỏ thuế theo lộ trình 5 năm (giảm dần đều trong 5 năm kể từ khi TPP có hiệu lực) và nhóm nhạy cảm (chỉ giảm thuế vào thời điểm TPP có hiệu lực, sau đó giữ nguyên mức thuế và sẽ được loại bỏ sau 10 hoặc 15 năm).

Đối với Việt Nam, nhóm thứ nhất (loại bỏ thuế ngay) càng nhiều, nhóm chỉ giảm thuế càng ít thì càng có lợi cho xuất khẩu của doanh nghiệp.  

-         Về giầy dép

Đàm phán liên quan tới các sản phẩm giầy dép trong TPP nằm trong khuôn khổ đàm phán mở cửa hàng hóa nói chung (không phải đàm phán riêng như dệt may). Mặc dù vậy, đây là nhóm sản phẩm mà Hoa Kỳ và Việt Nam có mối quan tâm đặc biệt (Việt Nam là nước xuất khẩu sản phẩm giầy dép lớn nhất trong TPP vào Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu giầy dép lớn, với mức thuế quan hiện đang duy trì khá cao – từ 10-66%[2]). Do đó, đàm phán song phương Hoa Kỳ trong tiếp cận thị trường giầy dép nước này là một trong những ưu tiên cơ bản trong đàm phán thương mại hàng hóa của Việt Nam.

Khác với nhiều vấn đề đàm phán khác, trong đàm phán về mở cửa thị trường giầy dép, quan điểm của hai Bên đã được thể hiện khá rõ, công khai ngay từ giai đoạn đầu của đàm phán. Trong một số phát ngôn chính thức từ các quan chức đàm phán, Việt Nam khẳng định dệt may và giầy dép là hai ưu tiên quan trọng trong đàm phán TPP (với một hàm ý Việt Nam có thể nhượng bộ nhất định trong những lĩnh vực khác để giành được nhượng bộ tương ứng từ đối tác trong hai lĩnh vực này). Về phía Hoa Kỳ, trong nhiều cuộc gặp gỡ giữa đại diện Nhóm đàm phán về mở cửa thị trường của Hoa Kỳ với các bên liên quan ở Việt Nam, trong đó có VCCI, Hoa Kỳ cũng nêu rõ quan điểm muốn hạn chế việc mở cửa thị trường của mình cho giầy dép Việt Nam nhằm bảo vệ ngành sản xuất nội địa của mình (thậm chí đề xuất mở cửa rộng hơn cho một số sản phẩm khác cho Việt Nam để đánh đổi cho việc hạn chế mở cửa đối với sản phẩm này).

Tính tới thời điểm 1/5/2015, liên quan tới đàm phán mở cửa thị trường về giầy dép của Hoa Kỳ với Việt Nam, có ít 02 vấn đề đang được bàn thảo:

+ Lộ trình mở cửa cho sản phẩm giầy dép

Trong so sánh với phần lớn các sản phẩm khác thì giầy dép được phía Hoa Kỳ tiếp cận như là nhóm nhạy cảm, cần bảo hộ bằng thuế quan.

Trên thực tế Hoa Kỳ có ngành sản xuất trong nội địa về giầy dép (khác với dệt may) nhưng cũng khá nhỏ (phần lớn sản phẩm giầy dép của Hoa Kỳ được các công ty Hoa Kỳ đưa ra sản xuất ở nước ngoài). Tuy nhiên, cùng với dệt may, thép, đường… đây là ngành được sự hậu thuẫn chính trị khá mạnh ở Hoa Kỳ (thông qua các nhóm Nghị sỹ và đơn vị bầu cử ở Hoa Kỳ). Gần đây nhất, tháng 3/2015, một nhóm 06 Nghị sỹ tiếp tục gửi Thư tới Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR – Cơ quan chịu trách nhiệm đàm phán TPP của Hoa Kỳ) nhấn mạnh yêu cầu cam kết nhượng bộ trong TPP không được “làm hại tới các nhà sản xuất giầy dép” với các đề xuất khá chặt liên quan tới mở cửa thị trường sản phẩm này (thậm chí là không loại bỏ thuế/giữ thuế đối với các dòng sản phẩm nhạy cảm trong nhóm giầy dép và với nhiều dòng thuế là lộ trình cắt giảm thuế dài – khoảng 12 năm theo cách mà Hiệp định thương mại tự do Hoa Kỳ - Hàn Quốc KORUS áp dụng). Các nhà sản xuất giầy dép Hoa Kỳ thì đương nhiên có quan điểm bảo hộ đối với giầy dép và họ cũng có nhiều hoạt động đấu tranh cho việc này. Ví dụ Hiệp hội các nhà sản xuất giầy dép cao su, nhựa (RPFMA) đề xuất danh mục 24 dòng thuế (theo mã HS 8 số) giữ nguyên (không loại bỏ, cắt giảm thuế), trong đó có giầy thể thao, giầy bốt lao động và leo núi… với lập luận đây là những dòng thuế nhạy cảm mà Hoa Kỳ cần giữ để các nhà sản xuất nội địa có thể cạnh tranh được với những nước TPP như Việt Nam. Vì vậy, việc Hoa Kỳ tỏ ra cứng rắn trong bảo hộ ngành này là có thể lý giải được.

Do đó, dường như đàm phán về vấn đề này đang xoay quanh việc Hoa Kỳ giảm thuế hay loại bỏ thuế với sản phẩm giầy dép của Việt Nam? Và lộ trình giảm/loại bỏ thuế dài tới đâu?

Đối với Việt Nam, mở cửa thị trường giầy dép Hoa Kỳ (vốn đang áp mức thuế trung bình khoảng 7%) là ưu tiên hàng đầu cho một trong những ngành xuất khẩu quan trọng nhất của chúng ta. Mục tiêu cao nhất là Hoa Kỳ loại bỏ toàn bộ thuế với sản phẩm giầy dép Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.

+ Quy tắc xuất xứ

Trong khi đàm phán về dệt may chủ yếu tập trung vào quy tắc xuất xứ thì đàm phán về giầy dép lại chú trọng vào vấn đề về mở cửa thị trường, ít có thông tin về những tranh cãi xung quanh quy tắc xuất xứ. Mặc dù vậy, cũng tương tự như dệt may, quy tắc xuất xứ có thể là một trong những yếu tố quyết định đối với khả năng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ với thuế quan ưu đãi của giầy dép Việt Nam – nhóm sản phẩm hiện vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước bên ngoài TPP.

Theo một số nguồn tin đáng tin cậy thì dường như trong đàm phán liên quan tới quy tắc xuất xứ giầy dép, Hoa Kỳ cũng có yêu cầu khá cao về tỷ lệ nội khối (từ các nước TP). Theo nhóm Nghị sỹ Hoa Kỳ trong Thư gửi USTR nói trên thì thậm chí họ đề xuất áp dụng quy tắc xuất xứ tương tự KORUS, theo đó 55% trị giá sản phẩm phải có xuất xứ nội khối nhưng với phần mũ giầy (tức là tất cả các bộ phận của giầy trừ đế giầy) phải có xuất xứ hoàn toàn nội khối. Tất nhiên đây là đề xuất quá cao và không thể chấp nhận được, ngay cả với USTR (dựa trên phản ứng khá trầm lắng của USTR trước đề nghị này).

Mặc dù vậy, điều này một lần nữa cho thấy đàm phán quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm giầy dép là vấn đề quan trọng không thể bỏ qua. Trên thực tế thì  dù cũng có thể với một vài công ty giầy dép từ các nước TPP có sản xuất tại Việt Nam vấn đề quy tắc xuất xứ không lớn, bởi họ có nguồn cung ổn định trong nước (và do đó trong các hoạt động vận động của họ cho đàm phán TPP, câu chuyện xuất xứ ít được đề cập), đối với phần lớn các doanh nghiệp giầy dép Việt Nam (những người đang nhập khẩu nguyên liệu, đặc biệt là da, chủ yếu từ các nước ngoài TPP), yêu cầu xuất xứ nội khối quá cao sẽ là một thách thức lớn, thậm chí có thể khiến các nhượng bộ của Hoa Kỳ về thuế quan mà Việt Nam đạt được không còn ý nghĩa thực tế.

-         Về nông sản

Cũng giống như trong hầu hết các đàm phán thương mại tự do khác, trong TPP, mở cửa thị trường nông sản là vấn đề đàm phán khó khăn. Với đa số các nước, kể cả các nước có nền nông nghiệp phát triển, sản xuất nông sản vẫn được xem là lĩnh vực dễ bị tổn thương, gắn với thu nhập của nhóm dân cư tương đối đặc biệt (khu vực nông thôn) và do đó cần được hỗ trợ nhiều hơn các ngành phi nông sản khác. Một trong những biện pháp hỗ trợ điển hình là bằng thuế quan.

Trong TPP, vấn đề mở cửa (loại bỏ thuế quan) đối với nông sản thậm chí còn khó khăn hơn với việc một số nước TPP nêu quan điểm cứng rắn về việc không mở cửa thị trường đối với một số nhóm nông sản quan trọng. Ví dụ Nhật Bản đã tuyên bố rõ ràng về việc bảo vệ một số sản phẩm nông sản mà nước này coi là “thiêng liêng” và không thể nhượng bộ (thịt, sữa, đường, gạo và lúa mỳ). Hoa Kỳ thì khăng khăng giữ thị trường đường mặc dù Úc đã có nhiều chiến lược gây sức ép rất mạnh để nước này mở cửa…

Trong khi đó, là nước sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông sản nhiệt đới có sức cạnh tranh khá cao, Việt Nam có nhu cầu rất lớn trong việc tiếp cận thị trường các nước TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước châu Mỹ. So với tình hình chung về đàm phán mở cửa thị trường nông sản trong TPP như nói trên thì Việt Nam có một số lợi thế nhất định:

+ Nông sản Việt Nam là nông sản nhiệt đới, bổ sung chứ không cạnh tranh trực tiếp với nông sản sản xuất tại các thị trường mục tiêu;

+ Đối với một số thị trường khó khăn, đặc biệt là Nhật Bản, Việt Nam lại đã có cam kết song phương ở mức độ tự do tương đối (ví dụ với Nhật Bản là Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện Việt Nam-Nhật Bản - VJEPA) nên việc đàm phán trong TPP hầu như có thể thừa hưởng cam kết đã có, việc mở cửa thêm cũng đơn giản hơn;

+ Trong một chừng mực nhất định, đối với các nước nhập khẩu, mở cửa thị trường thông qua loại bỏ thuế quan cho nông sản Việt Nam không đồng nghĩa với việc nông sản Việt Nam có thể bước vào thị trường đó. Ví dụ Hoa Kỳ duy trì một hàng rào kỹ thuật rất cao đối với nông sản nhập khẩu, bao gồm hàng rào ban đầu cho loại nông sản được phép vào thị trường này (cho tới nay mới chỉ có 03 loại quả của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ, bao gồm thanh long, chôm chôm và gần đây nhất là vải, nhãn) và hàng rào cho mỗi lô hàng nông sản nhập khẩu (khu vực trồng phải được gắn mã và quản lý, quy trình kỹ thuật chăm sóc trước thu hoạch đảm bảo tiêu chuẩn, thủ tục chiếu xạ trước khi xuất khẩu…). Do đó, đối với một số nước nhập khẩu, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với nông sản Việt Nam không phải quá khó khăn.

+ Đàm phán nông nghiệp giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ nếu đạt được kết quả tốt thì cũng như các nước TPP khác, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi (theo suy đoán là nếu hai nước này mở cửa thị trường cho nhau thì cũng có thể/buộc phải mở cửa thị trường ở mức tương đương cho các đối tác khác trong TPP). 

(ii)             Về các cam kết khác liên quan tới thương mại hàng hóa

Trong đàm phán TPP, bên cạnh đàm phán mở cửa thị trường (thuế quan và quy tắc xuất xứ) có những nội dung khác liên quan chặt chẽ tới thương mại hàng hóa, đặc biệt là các Chương về:

-         Rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT)

-         Tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS)

-         Các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ - TR)

Đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thời gian qua, bên cạnh hàng rào thuế quan, các biện pháp TBT, SPS hay TR ở các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Hoa Kỳ đang là những rào cản đáng kể. Ví dụ, chỉ tính riêng Hoa Kỳ, cho đến nay trong tổng số 60 vụ điều tra chống bán phá giá mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở tất cả các thị trường, Hoa Kỳ đã chiếm tới 11 vụ và hầu hết là các vụ lớn, liên quan tới những sản phẩm xuất khẩu trọng điểm hoặc có triển vọng của Việt Nam (tôm, cá, các sản phẩm thép…). Trong điều tra chống trợ cấp, Hoa Kỳ khởi xướng 5 trong số 7 vụ điều tra mà hàng hóa Việt Nam từng bị kiện. Với việc bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ (thường là một mức thuế bổ sung rất cao và không ổn định bên cạnh thuế quan), các ưu đãi về thuế quan theo TPP cho hàng hóa xuất khẩu có thể sẽ không còn ý nghĩa.

Tương tự, những yêu cầu TBT, SPS của Hoa Kỳ được đánh giá là rất cao, tạo ra hàng rào rất khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ. Mặc dù về nguyên tắc các yêu cầu về TBT, SPS là áp dụng chung cho hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước chứ không riêng gì Việt Nam, trên thực tế công cụ này có thể bị lạm dụng hướng vào các nước mục tiêu nhất định (ví dụ quy định điều chỉnh về thủ tục kiểm soát TBT đối với cá tra-cá basa nhằm hướng dẫn Farm Bill mới đây của Hoa Kỳ với quy trình rất phức tạp và tốn kém được cho là gây thiệt hại lớn nhất cho Việt Nam bởi Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra – cá basa lớn nhất vào Hoa Kỳ). Trong khi mục tiêu chính thống của các biện pháp TBT, SPS là không thể bàn cãi (với tính chất là các biện pháp nhằm thực hiện các mục tiêu công cộng như bảo vệ môi trường, tính mạng sức khỏe con người, động thực vật, người tiêu dùng hoặc những mục tiêu chính sách chính đáng khác), nếu bị lạm dụng, các biện pháp này có thể trở thành những rào cản đôi khi là không thể vượt qua (bởi thuế quan cao thì còn có thể cố gắng, còn nếu không đạt các điều kiện về TBT, SPS thì hàng hóa không có cách nào vào được thị trường nhập khẩu).

Vì vậy, kết quả đàm phán tốt nhất liên quan tới những biện pháp này đối với Việt Nam là đạt được những cam kết có nội dung hạn chế việc ban hành các quy định TBT, SPS hay thắt chặt các điều kiện áp dụng biện pháp TR.

Mặc dù vậy, mục tiêu lý tưởng này dường như là không khả thi trong bối cảnh hiện tại:

-         Về mặt nguyên tắc, các quy định về SPS, TBT hay TR của mỗi nước phải được áp dụng chung cho hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nguồn (khác với cam kết ưu đãi thuế quan có thể khác biệt giữa nước xuất khẩu này và nước xuất khẩu khác). Do đó, nếu chấp nhận các nguyên tắc thực chất trong quy trình SPS, TBT hay TR ở một FTA bất kỳ, nước cam kết sẽ phải điều chỉnh hệ thống SPS, TBT, TR của mình tương ứng và sẽ phải áp dụng cho tất cả các đối tác còn lại. Vì vậy, chỉ khi FTA đó thực sự lớn, với sự tham gia của nhiều đối tác thì may ra mới có khả năng một nước đưa ra các cam kết lớn về SPS, TBT, TR.

-         Trong quá khứ, chưa có FTA nào, đặc biệt là của Hoa Kỳ, có các điều khoản hạn chế quyền ban hành TBT, SPS hay thắt chặt TR. Có lẽ Hoa Kỳ, một trong những nước sử dụng TBT, SPS, TR triệt để nhất thế giới, hiểu hơn ai hết về “hiệu quả bảo hộ” của các công cụ này cho các ngành sản xuất trong nước. Đây có thể là lý do giải thích tại sao các Chương về TBT, SPS hay TR trong các FTA trước nay đều chỉ thuần túy nhắc lại các nguyên tắc trong WTO (vốn dành không gian rất rộng cho các nước) và phần bổ sung mới chỉ tập trung vào các vấn đề về hợp tác giải quyết khiếu nại hoặc thúc đẩy thời gian giải quyết khiếu nại nhanh hơn mà thôi;

Trong TPP, thông tin từ các nguồn cho thấy đề xuất của phía Hoa Kỳ cũng không vượt quá các quy định trong các FTA trước đó của nước này về nội dung này.

Liên quan tới vấn đề TR, mặc dù một số ý kiến kỳ vọng về việc Việt Nam có thể đạt được thỏa thuận theo đó các nước TPP, mà đặc biệt là Hoa Kỳ, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp tại các nước này trước thời điểm mà quy chế thị trường tự động được thừa nhận tự động trong các vụ điều tra chống bán phá giá theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam (31/12/2018), thông tin từ các nguồn cho thấy đàm phán TPP dường như không có nội dung này.

2.     Về việc mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa xuất khẩu của các nước TPP

Song song với việc yêu cầu các đối tác mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam thông qua việc cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan, Việt Nam cũng đồng thời phải mở cửa thị trường của mình cho hàng hóa xuất khẩu từ các nước TPP. Loại hàng hóa cũng như mức độ mở cửa phụ thuộc vào yêu cầu/mối quan tâm của các đối tác và khả năng đàm phán cũng như các chiến lược đánh đổi của Việt Nam.

Về cơ bản, với nguyên tắc được tuyên bố ngay từ đầu và được thống nhất bởi tất cả các nước TPP về một TPP “tiêu chuẩn cao” (mức tự do hóa sâu), việc Việt Nam phải mở cửa thuế quan thông qua loại bỏ thuế với phần lớn các loại hàng hóa là chuyện không thể thay đổi. Vấn đề còn lại nằm ở nhóm các sản phẩm được giữ/không loại bỏ thuế quan là những sản phẩm nào và lộ trình loại bỏ thuế với các sản phẩm phải loại bỏ thuế là như thế nào.

Cho đến nay không có thông tin cụ thể nào về các yêu cầu của đối tác đối với Việt Nam trong việc mở cửa thị trường hàng hóa Việt Nam trừ một số ít các trường hợp suy đoán là có yêu cầu (ví dụ mở cửa thị trường sữa, thịt bò cho Úc, đường, thịt lợn, ô tô cho Hoa Kỳ…).

Từ góc độ lợi ích tổng thể của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, trong khi có thể là công cụ hữu ích trong ngắn hạn để giúp doanh nghiệp/ngành kinh tế vượt qua giai đoạn hình thành ban đầu hoặc bảo vệ những nhóm đối tượng đặc biệt nhạy cảm và dễ bị tổn thương trong sản xuất hàng hóa, bảo hộ bằng thuế quan không phải là biện pháp có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trong dài hạn. Hơn nữa, với xu hướng ký kết các FTA như hiện nay, Việt Nam sẽ phải dần loại bỏ thuế quan cho phần lớn hàng hóa từ các nước FTA. Trong khi đó, TPP hiện nay được coi là FTA có mức độ tự do hóa cao nhất trong các FTA mà Việt Nam đang tham gia đàm phán, việc phải mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam, do đó, là điều tất yếu.

Tuy nhiên, với tư cách là thành viên kém phát triển nhất trong TPP, Việt Nam cũng có quyền đòi hỏi phải có những ngoại lệ hoặc lộ trình dài hơn cho việc mở cửa thị trường hàng hóa của mình, đặc biệt đối một số nhóm sản phẩm nhạy cảm cần được bảo hộ. Các phương án bảo hộ có thể là không loại bỏ thuế hoặc loại bỏ thuế với lộ trình dài (lộ trình ở mức nào tùy thuộc mức độ nhạy cảm của sản phẩm).

Liên quan tới vấn đề này, việc đưa ra các tiêu chí để xác định các sản phẩm nhạy cảm cũng như mức độ nhạy cảm của từng nhóm sản phẩm (qua đó xác định phương án bảo hộ thuế quan tương ứng) là rất quan trọng. Hơn nữa, các tiêu chí này cũng là yếu tố cốt lõi để đảm bảo biện pháp bảo hộ bằng thuế quan cho các sản phẩm nhạy cảm không bị lạm dụng/ảnh hưởng bởi vận động chính sách để trở thành công cụ bảo hộ bất hợp lý cho một số ngành, gây ra bất bình đẳng giữa các ngành hay nuôi dưỡng thói quen ỷ lại của một số ngành. Cụ thể, chỉ nên bảo hộ bằng thuế quan các ngành mà (i) sản phẩm được sản xuất bởi nhóm dân cư nhạy cảm, thu nhập thấp, dễ bị tổn thương nhất; không sử dụng thuế quan để bảo vệ các đối tượng khác; (ii) sản phẩm cần hạn chế bằng hàng rào thuế quan để bảo vệ các lợi ích công cộng ở trong nước (môi trường, sức khỏe tính mạng con người, văn hóa đạo đức…)

 


[1] Danh mục các sản phẩm mà nguồn cung từ các nước TPP không đủ và do đó có thể được cung cấp bởi các nguồn khác ngoài TPP mà vẫn được hưởng ưu đãi thuế - thực chất là danh mục các ngoại lệ không phải áp dụng nguyên tắc yarnforward.

[2] Hoa Kỳ hiện chỉ sản xuất khoảng 1% lượng giầy dép tại thị trường nước này. Ngành sản xuất giầy dép của Hoa Kỳ tập trung nhiều hơn vào khâu có giá trị gia tăng cao như thiết kế, phân phối. Xét trong tổng nhập khẩu giầy dép vào Hoa Kỳ thì nhập khẩu từ Việt Nam chỉ khoảng 7-8%, đứng thứ hai sau Trung Quốc (85% tổng lượng nhập khẩu). Tuy nhiên, Việt Nam lại là nước xuất khẩu giầy dép lớn nhất vào Hoa Kỳ trong số các nước TPP hiện tại.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI