Cập nhật tình hình đàm phán TPP về thương mại dịch vụ và đầu tư đến tháng 5/2015

13/06/2015    55

Khác với các FTA mà Việt Nam từng ký kết trước đây (chỉ về thương mại hàng hóa là chủ yếu), TPP đặt mục tiêu mở cửa rất lớn về thương mại dịch vụ. Đối với Việt Nam, một mặt Việt Nam hầu như chưa xuất khẩu dịch vụ sang các nước TPP, mặt khác nhiều nước TPP lại là những nước có thương mại dịch vụ đặc biệt phát triển và là những nhà xuất khẩu dịch vụ hàng đầu thế giới, do đó quan tâm lớn nhất trong lĩnh vực này đối với Việt Nam là mức độ mở cửa thị trường dịch vụ Việt Nam như thế nào cho các nhà cung cấp dịch vụ đến từ các nước TPP.

Theo các nguồn tin đáng tin cậy, trong đàm phán TPP, mở cửa thị trường dịch vụ được đàm phán đồng thời với mở cửa đầu tư (được hiểu là cả đầu tư trong sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ), bao gồm:

-         Đàm phán về nguyên tắc

-         Danh mục các biện pháp không tương thích (NCM)

1.     Đàm phán về nguyên tắc

Đàm phán về nguyên tắc trong mở cửa thị trường dịch vụ vào đầu tư trong TPP được cho là bao gồm các nội dung sau:

-         Các nguyên tắc chung về đầu tư (bao gồm NT – đối xử quốc gia, MFN – đối xử tối huệ quốc, Performance Requirements – các yêu cầu trong quá trình đầu tư và Senior Management and Board of Directors – các yêu cầu về các vị trí quản lý trong doanh nghiệp)

-         Các nguyên tắc chung về cung cấp dịch vụ qua biên giới (bao gồm NT – đối xử quốc gia, MFN – đối xử tối huệ quốc, Market Access – Tiếp cận thị trường và Local Presence – Hiện diện thương mại)

Tới thời điểm này, dường như các nước TPP đã thống nhất với nhau về nội dung cốt lõi của các nguyên tắc này (hoặc ít nhất là các nguyên tắc về cung cấp dịch vụ qua biên giới[1]).

Từ góc độ của doanh nghiệp thì các cam kết này, nếu có, về nguyên tắc sẽ hạn chế khả năng Chính phủ áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử nhằm ưu tiên hơn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước. Mặc dù vậy, trên thực tế, trên bình diện chung về đầu tư (cả sản xuất và dịch vụ), một khi nhà đầu tư nước ngoài đã được phép vào Việt Nam thì hầu như không có bất kỳ phân biệt đối xử nào khác (ngoài các điều kiện gia nhập thị trường). Thậm chí thực tế còn có những trường hợp “phân biệt đối xử ngược”, ưu tiên nhà đầu tư nước ngoài hơn nhà đầu tư trong nước (ví dụ các biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài mà một số địa phương áp dụng). Vì vậy những cam kết này được cho là không tạo ra bất lợi quá lớn cho doanh nghiệp trong nước.

2.     Danh mục các biện pháp không tương thích (NCM)

Về bản chất, đây là Danh mục các trường hợp (lĩnh vực) dịch vụ, đầu tư mà mỗi nước TPP bảo lưu quyền quy định (các điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường, đầu tư…), không phải tuân thủ các/một số nguyên tắc chung về đầu tư và dịch vụ nói trên.

Với việc đàm phán các Danh mục NCM này, đàm phán TPP về dịch vụ và đầu tư đi theo phương pháp “chọn – bỏ”. Nói cách khác, theo phương pháp đàm phán này, các nước TPP sẽ mở cửa toàn bộ thị trường dịch vụ của mình ở tất cả các ngành trừ những trường hợp hạn chế, được liệt kê trong Danh mục NCM. Đây là phương pháp đàm phán khó và thách thức hơn nhiều so với phương pháp “chọn – cho” trong mở cửa thị trường theo cam kết WTO (chỉ mở cửa những dịch vụ và theo các điều kiện được liệt kê, số còn lại Việt Nam muốn mở mức nào, theo điều kiện nào tùy ý).

Tuy nhiên, hiện tại không có thông tin cụ thể nào về nội dung đàm phán các Danh mục này của các nước.

3.     Một số lĩnh vực dịch vụ cụ thể

(i)                Đối với ngành dịch vụ phân phối (bán buôn, bán lẻ)

Dịch vụ phân phối (bán buôn và bán lẻ) là ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng rất cao, đóng góp tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế[2] trong nhiều năm trở lại đây. Cũng vì lý do này mà đây là lĩnh vực dịch vụ nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đối tác nước ngoài.

Theo cam kết WTO thì Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn lĩnh vực này cho nhà đầu tư nước ngoài từ năm 2009 và hiện chỉ còn giữ hạn chế về loại hàng hóa được phân phối và số lượng cơ sở phân phối sau cơ sở đầu tiên (dựa trên đánh giá Nhu cầu Kinh tế - ENT).

Thông tin từ các nguồn cho thấy trong đàm phán TPP, các bên tiếp tục yêu cầu Việt Nam dỡ bỏ các rào cản cuối cùng này.

Mặc dù thực tế trong thời gian qua, việc sử dụng các các hạn chế được phép còn lại (hạn chế về loại hàng hóa được phân phối và hạn chế ENT) đối với các nhà phân phối nước ngoài để bảo vệ các nhà phân phối trong nước vẫn chưa thực sự hiệu quả, nhưng xét trong lâu dài, việc giữ các hạn chế này có thể vẫn là rất cần thiết ngay cả khi hiện tại những công cụ này chưa phát huy được hiệu quả thực tế bởi:

-         Ở bất kỳ nền kinh tế hiện đại nào, phân phối (bán buôn và bán lẻ) đều giữ một vị trí then chốt. Đó không chỉ đơn thuần là một ngành dịch vụ mà là một khâu quan trọng nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Sự phát triển của ngành phân phối sẽ ảnh hưởng trực tiếp và tức thời tới hầu như tất cả các ngành sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, và do đó việc mở cửa ngành này cho các nhà cung cấp nước ngoài cần tính đầy đủ đến vấn đề này; 

-         Trong thương mại quốc tế, hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào một thị trường luôn phải tìm cách xâm nhập được vào các chuỗi phân phối của thị trường đó. Đầu tư vào dịch vụ phân phối tại các thị trường nước ngoài được xem như một chiến lược quan trọng để đưa hàng hóa xuất khẩu vào thị trường mục tiêu. Vì vậy, việc mở cửa dịch vụ phân phối cho nước ngoài không chỉ cần tính tới cạnh tranh trong lĩnh vực phân phối giữa nhà phân phối nước ngoài và nội địa mà còn phải tính đến những tác động lớn hơn nhiều từ hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu đi theo nhà phân phối nước ngoài đó; 

-         Với Việt Nam, ngành phân phối không chỉ bao gồm các siêu thị ở các quy mô khác nhau mà còn có một hệ thống hàng trăm ngàn chợ lớn nhỏ và hàng triệu tiểu thương, người buôn bán nhỏ dưới các hình thức đa dạng, đăng ký hoặc không đăng ký. Vì vậy, cạnh tranh của các chuối phân phối từ nước ngoài ở Việt Nam có thể ảnh hưởng mạnh tới hoạt động kinh doanh và đời sống của triệu hộ gia đình. Bảo vệ các tiểu thương và người kinh doanh nhỏ trước các nhà phân phối lớn, đặc biệt từ nước ngoài, là điều mà hầu hết tất cả các nước đều thực hiện, dưới các hình thức và phương pháp khác nhau tùy lựa chọn vào bối cảnh của mỗi nước. 

Vì các lý do nêu trên, ngay cả khi các hạn chế hiện tại chưa phát huy tác dụng, Việt Nam vẫn cần phải giữ cho được không gian chính sách ít ỏi còn lại trong lĩnh vực này, ít nhất để bảo vệ một cách hợp lý hàng triệu tiểu thương, người buôn bán nhỏ, hệ thống phân phối trong nước và xa hơn là tương lai của hàng trăm ngành sản xuất hàng hóa tiêu dùng.

Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng các công cụ hạn chế (đặc biệt là ENT) chưa được sử dụng một cách hiệu quả. Trong đó, không thể không nhắc tới năng lực của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là ở địa phương trong việc hiểu và sử dụng ENT; và việc thiếu các chiến lược, quy hoạch tổng thể và khoa học phát triển ngành phân phối). Tuy vậy, đây là những lý do chủ quan, có thể khắc phục trong tương lai. Còn bản chất các công cụ này vẫn là cần thiết, nếu nhượng bộ yêu cầu cầu của các đối tác và bỏ công cụ này thì trong tương lai, khi muốn hoặc khi có đủ năng lực quản lý, Việt Nam sẽ không còn công cụ nào để thực hiện các chính sách cần thiết của mình liên quan tới ngành dịch vụ đặc biệt quan trọng này. 

(ii)             Đối với ngành dịch vụ viễn thông

Trong TPP, dịch vụ viễn thông là nhóm dịch vụ được đàm phán riêng (bên cạnh các đàm phán nguyên tắc mở cửa dịch vụ trong đàm phán dịch vụ nói chung). Theo thông tin từ quan chức Canada hồi giữa tháng 3/2015 thì đây là lĩnh vực đã hoàn tất đàm phán.

Theo một số nguồn tin thì đàm phán về mở cửa dịch vụ viễn thông trong TPP chỉ bao gồm đàm phán về mức độ mở cửa và điều kiện mở cửa các ngành dịch vụ viễn thông (đàm phán mở cửa thuần túy) cho nhà cung cấp đến từ các nước TPP khác. Đàm phán này không bao gồm việc hạn chế quyền của nước sở tại trong việc kiểm soát nội dung (loại thông tin nào thì được phép, thông tin nào thì không; điều kiện đối với các loại trò chơi điện tử được phép cung cấp…).

 


[1] Như trên đã nêu, trong tuyên bố chính thức của một quan chức đàm phán Australia thì Chương cung cấp dịch vụ qua biên giới (được hiểu là bao gồm ít nhất là phần đàm phán về nguyên tắc) đã hoàn tất đàm phán.

[2] Theo Báo cáo Tình hình KT-XH năm 2014 của Chính phủ thì trong khu vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt mức tăng 6,62% so với năm 2013, đóng góp 0,91 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng 2,62 điểm phần trăm của khu vực dịch vụ và 5,98 điểm phần trăm của cả nền kinh tế.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI