Cập nhật tình hình đàm phán TPP về Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư nước ngoài (ISDS) đến tháng 5/2015

12/06/2015    107

Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư nước ngoài (còn được biết tới dưới tên viết tắt tiếng Anh là ISDS) là một trong hai nội dung của Chương Đầu tư trong đàm phán TPP.

Tuy nhiên, phần về cơ chế ISDS được xem xét riêng ở đây bởi:

-         Phần nội dung về nguyên tắc bảo hộ và quản lý đầu tư đã được xem xét chung với phần về nguyên tắc trong Chương Dịch vụ qua biên giới (xem ở trên);

-         Về mặt nội dung, trong khi phần về nguyên tắc bảo hộ và quản lý đầu tư nhận được sự đồng thuận khá cao từ các nước đàm phán TPP, cơ chế ISDS lại gây ra tranh cãi lớn (xuất phát từ cả những lý do kỹ thuật cũng như chiến lược đàm phán).

Trong đàm phán TPP, nội dung đàm phán về ISDS mà Việt Nam quan tâm tập trung vào các nhóm vấn đề sau:

-         Chủ thể được quyền sử dụng ISDS: Vấn đề gây tranh cãi ở đây chủ yếu là định nghĩa thế nào là Nhà đầu tư nước ngoài (trước khi có Dự án đầu tư hay sau khi có Dự án đầu tư) và Quyền đi kiện của Nhà đầu tư nước ngoài (chỉ có thể tự mình đi kiện cho tranh chấp của mình hay có thể đại diện cho các bên trong một tranh chấp khác đi kiện?)

-         Chủ thể có thể bị kiện theo ISDS: Khái niệm “cơ quan Nhà nước” được hiểu theo nghĩa trực tiếp (các cơ quan có thẩm quyền trong bộ máy Nhà nước từ trung ương tới địa phương) hay theo nghĩa rộng (bao hàm cả những chủ thê được Nhà nước ủy quyền thực hiện một/một số chức năng nhất định, doanh nghiệp Nhà nước…)?

-         Chuẩn đối xử tối thiểu đối với Nhà đầu tư nước ngoài: Chuẩn “FET” (fair and equitable treatment) có thể được giải thích theo nghĩa rộng (ví dụ “theo pháp luật thông lệ quốc tế” - customary international law) hay theo nghĩa hẹp (ví dụ “theo các nguyên tắc pháp luật cơ bản của nước nhận đầu tư”);

-         Điều kiện khởi kiện: Chấp thuận của phía Cơ quan Nhà nước đối với thủ tục trọng tài có được coi là tồn tại đương nhiên (với cam kết trong TPP) hay cần chấp thuận cụ thể trong từng vụ việc?

-         Thủ tục tố tụng: Thủ tục tố tụng trọng tài theo thủ tục chuẩn mực của UNCITRAL hay bổ sung thêm các quy định khác (ví dụ Nhà đầu tư có thể bỏ qua bước tham vấn để đi kiện ngay? Đồng thuận trước về cơ chế trọng tài ngay trong Văn bản TPP hay đồng thuận theo từng vụ việc? Tố tụng trọng tài là công khai hay bí mật? Cho phép các bên liên quan trình “amicus curiae” tự do hay không? Luật áp dụng là TPP và pháp luật nội địa hay bao gồm cả pháp luật quốc tế nói chung?...

Cơ chế ISDS không phải cơ chế lần đầu tiên Việt Nam đàm phán trong các thỏa thuận thương mại (nhiều Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương trước đây đã có cơ chế này, kể cả Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ - BTA). Trên thực tế, Việt Nam cũng đã từng bị kiện ISDS theo các cam kết này. Vì vậy ISDS không phải điều gì mới mẻ hay không thể chấp nhận được (mặc dù ISDS là thách thức không chỉ với những nước như Việt Nam, ngay cả trong đàm phán TTIP giữa Hoa Kỳ với EU chẳng hạn, EU cũng rất lo ngại, thậm chí là không chấp nhận ISDS).

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong tất cả các cơ chế ISDS mà Việt Nam từng cam kết với các đối tác, những yếu tố cơ bản như đề cập ở trên đều được xác định theo lựa chọn hẹp hơn, chặt chẽ hơn (ví dụ chủ thể có quyền đi kiện chỉ bao gồm nhà đầu tư đã có dự án đầu tư tại Việt Nam, cơ quan bị kiện chỉ bao gồm các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thủ tục trọng tài là kín, chuẩn áp dụng là pháp luật Việt Nam và BIT liên quan…). Do đó, với Việt Nam, mặc dù cơ chế này không mới nhưng lại đặt ra những thách thức mà Việt Nam chưa từng biết đến, bao gồm cả:

-         Nguy cơ bị kiện nhiều hơn (do cơ chế đi kiện thông thoáng, dễ dàng hơn, không đòi hỏi các bước tham vấn bắt buộc trước đó, không yêu cầu phải có chấp thuận bằng văn bản về việc kiện từ phía cơ quan Nhà nước bị kiện; những Đơn vị, vấn đề có thể bị kiện rộng hơn…);

-         Nguy cơ thua kiện lớn hơn (do chuẩn áp dụng để xử lý vụ việc có lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài; thủ tục tố tụng thuận lợi hơn cho việc đi kiện của nhà đầu tư nước ngoài…).

Ngoài ra, cơ chế này cũng gây ra những quan ngại khác như: Cơ chế này có thể bị nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng (dùng ISDS để gây sức ép buộc các cơ quan quản lý Nhà nước nơi nhận đầu tư phải chấp thuận những đòi hỏi của mình) và

-         Cơ chế này gây ra bất bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài (do chỉ nhà đầu tư nước ngoài được quyền kiện Nhà nước như thế này).

Theo thông tin từ nhiều nguồn thì đàm phán ISDS đã đạt được nhiều tiến triển và dường như không còn nằm trọng diện các vấn đề hóc búa phải được giải quyết ở cấp chính trị giữa các nước đàm phán TPP. Hy vọng rằng giải pháp đạt được, nếu có, trong đàm phán ISDS, đi theo hướng phù hợp với lợi ích của Việt Nam và không đặt Việt Nam trước những nguy cơ quá lớn về khả năng bị kiện (chủ thể có quyền đi kiện, chủ thể bị kiện, điều kiện khởi kiện) và khả năng thua kiện (cơ sở pháp lý xử lý tranh chấp, thủ tục tố tụng).

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI