FTA Việt Nam và Liên minh hải quan: Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu

12/12/2012    545

Hiện nay, Việt Nam được chọn là đối tác đầu tiên Liên minh hải quan Nga- Belarus- Kazakhstan đàm phán FTA. Cùng với việc Nga trở thành thành viên WTO và xúc tiến ký kết FTA giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan là những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, đồng thời mở ra thêm thị trường tiêu dùng hàng hóa rộng lớn.

Nhiều cơ hội mới

Tại hội thảo “Thị trường Nga & các nước SNG- cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” ngày 16/11, bà Lê Hoàng Oanh- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ khi Liên bang Xô viết tan rã cho đến nay, quan hệ hợp tác kinh tế- thương mại giữa Việt Nam với Liên minh hải quan còn khá khiêm tốn và không thực sự tương xứng với tiềm năng.

Cụ thể, năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và Nga tăng 8,3% so với năm 2010 và đạt gần 2 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2012, đạt gần 3,7 tỷ USD. Đối với nước Belarus, năm 2011 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 210,5 triệu USD, tăng 111% trong đó xuất khẩu của Việt Nam giảm 21,68%. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam- Kazakhstan đạt 48,7 triệu USD và tăng 10,7%.

Sở dĩ, quan hệ thương mại vẫn còn khiêm tốn là do các hợp định hợp tác song phương tuy đã được ký kết trên nhiều lĩnh vực nhưng vẫn còn mang tính hình thức, không phát huy được hiệu lực. Doanh nghiệp hai bên chưa có cơ sở pháp lý chắc chắn để thiết lập quan hệ lâu dài với nhau.

Vì thế, theo ông Đặng Hoàng Hải- Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu, việc sớm thành lập FTA với Liên minh hải quan sẽ giúp Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường Liên minh hải quan sớm hơn, với các điều kiện ưu đãi hơn các đối tác khác đặc biệt là Trung Quốc, giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn chưa ổn định như hiện nay.

Đặc biệt, trong chuyến thăm của Tổng thống Medvedep sang Việt Nam đầu tháng 11 vừa qua, hai bên đã khẳng định sẽ bắt đầu đàm phán vào quý I/2013 và cố gắng kết thúc đàm phán FTA này trong vòng 2 năm.

Như vậy, hiệp định FTA toàn diện song phương sẽ là điều kiện cần và đủ để tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, khơi thông dòng chảy thương mại. Khi đó, xuất khẩu của Nga sang Việt Nam có thể tăng 75%, Belarus tăng 83%, Kazakhstan tăng 83%; xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga tăng 63%, Belarus tăng 41% và Kazakhstan tăng 8%.

Cần chủ động nghiên cứu thị trường

Bên cạnh những cơ hội mà FTA Việt Nam và Liên minh hải quan mang lại là có thể đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp rất nhiều thách thức. Đó là việc đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của Liên minh hải quan chưa cao, xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Liên minh hải quan. Bên cạnh đó là sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp thuộc các nước có trình độ phát triển hơn việt Nam. Những yêu cầu kiểm dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe.

Ngoài ra, việc thanh toán giữa doanh nghiệp Việt Nam với các khối này đang khó khăn. Hiện nay, phương thức thanh toán tiên tiến chưa đc áp dụng,cách thanh toán bằng tiền mặt sẽ gặp nhiều rủi ro, như hàng hóa xuất rồi mà không đòi được tiền.

Vì thế, “nếu có kế hoạch thâm nhập thị trường Nga và bắt đầu hợp tác với các đối tác Nga, các doanh nghiệp Việt Nam phải nghiên cứu kỹ lưỡng luật pháp hiện hành của Nga về quy trình đăng ký văn phòng đại diện và chi nhánh, đăng ký thuế và đăng ký tạm trú”- ông Maxin Golikov- Tham tán Thương mại Nga tại Việt Nam khuyến cáo.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu thị trường cũng như lựa chọn đối tác “vừa miếng”, tìm hợp đồng phù hợp với doanh nghiệp để kịp thời đóng góp ý kiến cho đàm phán, cũng như có thể kịp thời tận dụng được lợi ích của FTA ngay khi mới thành lập- ông Dũng cũng cho biết thêm.

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn