Hỏi về phân phối "vật phẩm đã ghi hình" theo cam kết trong WTO

27/08/2021    1670

Câu hỏi:

Hiện tại, doanh nghiệp có thắc mắc như sau về việc áp dụng điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Kính mong Ban Thư ký có thể giải đáp để doanh nghiệp có cơ sở thực hiện:

Liên quan đến việc phân phối “vật phẩm đã ghi hình” theo Cam Kết Gia Nhập WTO

Sự việc:

Theo Cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại dịch vụ (sau đây gọi là “Cam Kết Gia Nhập WTO”), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được phân phối “vật phẩm đã ghi hình”.

Câu hỏi:

Hiện tại pháp luật Việt Nam quy định “vật phẩm đã ghi hình” gồm những loại nào? Các sản phẩm như: tủ lạnh và máy làm lạnh; máy giặt; lò vi sóng; máy hút bụi; thiết bị điều hòa không khí; máy hút ẩm có được xem là “vật phẩm đã ghi hình” hay không?

Liên quan đến câu hỏi nêu trên, doanh nghiệp đã tự thực hiện kiểm tra thì thấy Thông tư số 34/2013/TT-BCT ngày 24/12/2013 của Bộ Công Thương công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là “Thông Tư 34”) quy định như sau:

Vật phẩm đã ghi hình trên mọi chất liệu

Danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông trừ trường hợp được pháp luật cho phép

- Các sản phẩm an ninh văn hóa, xã hội, chính trị... theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

(Mục 9, Phụ Lục Số 03: Danh mục hàng hóa không được thực hiện quyền phân phối ban hành kèm Thông Tư 34)

Đối chiếu quy định nêu trên, hiện tại Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08/04/2013 ban hành Danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử (sau đây gọi là “Thông Tư 09”).

Tại Mục 2.3, Phụ Lục Số 02: Danh mục sản phẩm phần cứng, điện tử ban hành kèm Thông Tư 09 có liệt kê các sản phẩm như: tủ lạnh và máy làm lạnh; máy giặt; lò vi sóng; máy hút bụi; thiết bị điều hòa không khí; máy hút ẩm thuộc Nhóm sản phẩm thiết bị điện tử gia dụng.

Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn chưa rõ điều khoản nêu trên nên được hiểu như thế nào. Có phải các sản phẩm nêu trên đều là “vật phẩm đã ghi hình”? Nói cách khác tất cả các sản phẩm được nêu tại Phục Lục Số 01 và Phụ Lục Số 02 của Thông Tư 09 đều là “vật phẩm đã ghi hình”?; và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được phân phối tất cả các sản phẩm được nêu tại Phục Lục Số 01 và Phụ Lục Số 02 của Thông Tư 09?

Doanh nghiệp kính mong Ban Thư ký giải thích.

 

Trả lời:

Về câu hỏi của Anh, Trung tâm có hồi đáp như sau:

- Theo bản gốc (bản tiếng Anh) cam kết WTO của Việt Nam, vật phẩm ghi hình được định danh là: video records on whatever medium.

- Liên quan đến các Thông tư được liệt kê trong email, 

  1. Thông tư của Bộ Công Thương có liệt kê ra các danh mục, trong đó danh mục sản phẩm không được phân phối có dẫn chiếu đến Quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông; nhưng Thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông thì chỉ liệt kê các sản phẩm phần cứng, phần mềm, ko đề cập gì đến việc phân phối các sản phẩm này. Do đó, chưa thể kết luận là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ko được phân phối những sản phẩm này. Thực tế thì cách liệt kê Vật phẩm ghi hình như trong Thông tư của Bộ Công Thương như vậy là ko chính xác; xét về việc thực hiện trên thực tế trước nay thì dường như cũng ko áp dụng Thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông nói trên cho việc định nghĩa các vật phẩm ghi hình. Ví dụ như Samsung, LG và rất nhiều doanh nghiệp điện tử khác vẫn được phân phối trực tiếp các sản phẩm TV, tủ lạnh...
  2. Ngoài ra, ngày 15/1/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó, Nghị định có liệt kê các sản phẩm mà doanh nghiệp nước ngoài không được phép phân phối, bao gồm quy định đối với Vật phẩm ghi hình, không có định nghĩa cụ thể, cũng không dẫn chiếu đến quy định nào của Bộ Thông tin và Truyền thông (tham khảo: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-dinh-09-2018-ND-CP-quy-dinh-chi-tiet-Luat-thuong-mai-va-Luat-Quan-ly-ngoai-thuong-372647.aspx). 

Vì vậy đề nghị Doanh nghiệp tìm hiểu và áp dụng theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP mới này. Mặc dù Thông tư số 34/2013/TT-BCT ngày 24/12/2013 của Bộ Công Thương vẫn còn hiệu lực, nhưng do đã ban hành Nghị định mới này rồi, do đó ĐIỀU KHOẢN NÀO TRONG THÔNG TƯ 34/2013/TT-BCT TRÁI VỚI NGHỊ ĐỊNH MỚI THÌ SẼ TỰ ĐỘNG HẾT HIỆU LỰC.

Trân trọng,

Trung tâm WTO và Hội nhập