Một năm thực hiện FTA Việt Nam-EAEU: Động lực mạnh mẽ cho phát triển quan hệ kinh tế thương mại

06/10/2017    144

Nhân dịp kỷ niệm 1 năm Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) chính thức có hiệu lực, ngày 5/10, Đại sứ các nước thành viên EAEU tại Việt Nam (gồm Nga, Armenia, Belarus và Kazakhstan) đã tổ chức họp thông báo về kết quả hợp tác giữa 2 bên trong năm vừa qua và triển vọng hợp tác trong thời gian tới. 

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Mukai Kadirkulov, Bộ trưởng về Hợp tác hải quan, Ủy ban Kinh tế Á - Âu cho biết, trong thời hạn hiệu lực của hiệp định, EAEU đã hủy bỏ thuế quan nhập khẩu cho 43% tổng số hàng hóa của Việt Nam thuộc dòng thuế quan của Biểu thuế thống nhất của Liên minh kinh tế Á-Âu (UCT EAEU). Trong 10 năm tiếp theo, số lượng hàng hóa nhập khẩu miễn thuế của Việt Nam sang thị trường EAEU sẽ không ngừng được tăng lên và sẽ chiếm 90% các danh mục Biểu thuế thống nhất của Liên minh kinh tế Á-Âu (UCT EAEU).

Theo số liệu thống kê, xuất khẩu hàng hóa từ các nước EAEU sang Việt Nam trong 10 tháng, kể từ tháng 10/2016 đến hết tháng 7/2017 đã tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2015-2016. Còn xuất khẩu của việt Nam sang các nước EAEU tăng 28%.

Tại các quốc gia của Liên minh EAEU, các thiết bị dẫn đường vô tuyến điện Việt Nam đang được người tiêu dùng hết sức ưa chuộng - số lượng nhập khẩu của Liên minh đối với thiết bị đó đã tăng hơn 900 lần. Tương tự, giấy và bìa cacton nhập khẩu về Việt Nam tăng hơn 2.700 lần.

Sự tăng trưởng khá cân bằng trong xuất và nhập khẩu cho thấy, hiệp định được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng và minh bạch.

Đại sứ Nga tại Việt Nam, ông K.V.Vnukov nhận định, “Việc đưa về 0” và việc giảm thuế nhập khẩu đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường xuất khẩu lúa mỳ, ngô, phân bón, các loại kim loại khác nhau từ các nước trong Liên minh kinh tế đến Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Liên minh EAEU đã ghi nhận sự gia tăng cơ bản việc xuất khẩu từ Việt Nam các mặt hàng điện thoại di động và các phụ kiện đi kèm, giày dép, các sản phẩm dệt kim, cao su, cá và hải sản vào một thị trường rộng lớn và đầy triển vọng của “Nhóm G5” Á-Âu. "Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn đầu. Phía trước còn nhiều nấc thang trong sự tự do hóa tương hỗ” - Đại sứ nhấn mạnh.

Trong quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam - Nga, Trưởng đại diện thương mại Nga tại Việt Nam V.N. Kharinov cho biết, hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 28 của Liên bang Nga trên thế giới và là thứ 2 trong số các nước thành viên ASEAN. Theo số liệu thống kê của Nga, trong 7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng gần 20% và đạt gần 2,5 tỷ USD. Trong tương lai trung hạn, việc xóa bỏ thuế hải quan sẽ giúp Nga tăng trưởng xuất khẩu sang Việt Nam các loại hàng hóa như: thép cán, đường ống, các sản phẩm cơ khí, thiết bị và vật liệu xây dựng, thiết bị y tế, các sản phẩm hóa dầu, xe ô tô, phụ tùng, lốp ô tô. Đó là các sản phẩm có mức độ hoàn thiện và giá trị gia tăng cao. Ông bày tỏ tin trưởng rằng, khi các doanh nghiệp Nga và Việt Nam nắm bắt rõ hơn về nội dung hiệp định và tận dụng được tối đa những ưu đãi thì kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ tăng trưởng vượt bậc.

Trong số các nước thuộc Liên minh EAEU, cộng hoà Kazakhstan là nước có sự tăng trưởng thương mại lớn nhất với Việt Nam kể từ khi FTA có hiệu lực. Theo đó, kim ngạch thương mại giữa Kazakhstan và Việt Nam tính từ tháng 10/2016 tới tháng 7/2017 đã tăng hơn hai lần.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Kazakhstan, ông Beketzhan Zhumakhanov cho biết, kim ngạch thương mại song phương giữa Kazakhstan và Việt Nam tính đến hết tháng 8/2017 là 364,7 triệu USD. Trong đó, Kazakhstan xuất khẩu 192,9 triệu USD, nhập khẩu đạt 171,8 triệu USD, gần bằng kim ngạch hàng hoá của cả năm 2016 (366,2 triệu USD) .

Sự gia tăng xuất khẩu hàng hoá của Kazakhstan vào Việt Nam đã góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch hàng hoá và đạt con số kỷ lục 192,9 triệu USD mà trong suốt lịch sử quan hệ thương mại song phương chưa bao giờ vượt quá 7-10 triệu USD/năm. Kazakhstan chủ yếu xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng chì thô, kẽm thô và sắt tấm hoặc thép tấm không hợp kim. Còn những mặt hàng chủ yếu được nhập khẩu từ Việt Nam vào Kazakhstan là thiết bị điện thoại, thiết bị gia dụng và văn phòng, sản phẩm dệt may và giày dép, thực phẩm và hải sản.

Đối với thị trường Belarus, Đại sứ CH Belarus tại Việt Nam - Goshin V.A - cho hay, số liệu kim ngạch thương mại giữa Belarus và Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay đã chỉ ra rằng, khối lượng hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu khá cân bằng và đều đạt khoảng 37 triệu USD cho cả hai bên. Sự cân bằng này lần đầu tiên xảy ra trong nhiều năm quan hệ thương mại giữa hai nước. Trước đây, Belarus luôn xuất siêu sang thị trường Việt Nam, còn bây giờ cán cân thương mại đã trở nên cân bằng. Như vậy, bức tranh thương mại của hai bên đã nói lên khuynh hướng khá rõ ràng. Các doanh nghiệp Việt Nam tích cực hơn trong việc tận dụng các cơ hội thương mại ưu đãi, mà hiệp định mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đại sứ cũng lưu ý rằng, để hiệp định mang lại hiệu quả nhất, các bên cần tăng cường đối thoại và hợp tác với giới doanh nghiệp, trong đó có việc tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau cho các đoàn đại biểu doanh nghiệp, tham gia vào hoạt động hội chợ - triển lãm. Đồng thời đẩy nhanh quá trình tự do hóa, nghĩa là cần giảm thiểu thời gian chuyển tiếp trong việc giảm thuế nhập khẩu cho một số mặt hàng trong 7-10 năm xuống thời hạn sớm hơn (ví dụ như đối với các mặt hàng lốp ô tô, các chất có cồn vv…).

Nguồn: Báo Công thương