Hôm 16/4, Bộ trưởng Tài chính các nước đã nhóm họp để tìm cách ngăn chặn khủng hoảng nợ chính phủ khi Hy Lạp kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục bàn luận cách giải cứu khoản nợ khổng lồ cho nước này.

Hôm 15/4, chính phủ Hy Lạp cho biết, “các cuộc đàm phán hệ thống” giữa các thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu về các gói vay dự phòng dành cho Hy Lạp sẽ diễn ra trong 2 ngày tại Mandrid.

Chính phủ Hy Lạp nói rằng, yêu cầu của Hy Lạp về thông tin chi tiết các khoản vay cứu trợ  không phải là tín hiệu chỉ ra rằng, Hy Lạp sẽ tìm kiếm viện trợ. Các quan chức của Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và IMF sẽ tới Athens vào thứ Hai tới để làm rõ các khoản vay dự phòng nhằm mục đích tái cam đoan với thị trường rằng, Hy Lạp sẽ không bị vỡ nợ trước khoản nợ đang tăng lên.

Trước chuyến đi tới Madrid, Bộ trưởng kinh tế Tây Ban Nha Elena Salgado cho biết, cuộc họp này sẽ không quyết định vấn đề Hy Lạp, quyết định dành cho Hy Lạp đã được thực hiện một vài ngày trước.

Các nhà đầu tư đang yêu cầu mức lãi suất cao đối với trái phiếu Hy Lạp vì họ tin rằng, Hy Lạp sẽ không có khả năng trả nợ, bất chấp nỗ lực nhằm lấp đầy lỗ hổng lớn của ngân sách.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính 16 nước khu vực đồng tiền chung châu Âu đã đồng ý cho Hy Lạp vay 30 tỷ euro nếu Hy Lạp không thể vay được từ thị trường.

Ban đầu tuyên bố đã trấn an thị trường, lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm của Hy Lạp và điểm chuẩn tương đương của Đức đã giảm.

IMF chưa công bố mức cứu trợ dành cho Hy Lạp và liệu IMF có thể cứu trợ Hy Lạp nhanh hơn khu vực đồng tiền chung châu Âu hay không. Các quan chức châu Âu mong đợi, IMF sẽ hỗ trợ Hy Lạp khoảng 15 tỷ euro.

Hy Lạp cần vay một khoản 11 tỷ euro vào tháng tới và đề xuất vay gần một nửa khoản vay trị giá 54 tỷ euro cho năm nay.

Hy Lạp cũng đang phải chịu một áp lực giảm thâm hụt từ 13% thu nhập quốc dân năm ngoái xuống còn 3% vào năm 2012.

Việc Hy Lạp coi thường giới hạn nợ và thâm hụt của EU đã khiến giá trị  đồng Euro giảm mạnh so với đồng USD. Điều này tạo ra các lỗ hổng trong việc tìm ra các cách thức điều phối nền kinh tế của chính phủ các nước khu vực dùng đồng euro.

Hầu hết các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu đang có thâm hụt trên mức 3% (mức tối đa trong khu vực) và hứa hẹn sẽ giảm thâm hụt trong một vài năm tới.

Các quan chức EU đang kêu gọi Ủy ban châu Âu kiểm tra việc chi tiêu ngân sách trước khi nghị viện tiến hành kiểm tra và nên theo dõi tình trạng kinh tế của các nước thành viên. Họ cho rằng, những động thái này có thể ngăn chặn bội chi và thất bại trong cải cách kinh tế như Hy Lạp.

Họ cũng cảnh báo rằng, các quốc gia giàu hơn trong khu vực như Đức và Hà Lan cần phải tích cực giảm thặng dư tài khoản vãng lai và cho rằng, các nước này có thể giúp cân bằng sự chênh lệch lớn trong khu vực sử dụng đồng euro bằng việc thúc đẩy nhu cầu nội địa và đầu tư.

Hôm 15/4, Ủy viên châu Âu phụ trách những vấn  đề về kinh tế Olli Rehn cảnh báo, khủng hoảng nợ châu Âu có thể gây ra lạm phát tại 16 nước khu vực sử dụng đồng euro nếu Hy Lạp và các nước khác không thực hiện những cải cách cứng rắn như mở cửa thị trường lao động, cho phép cạnh tranh giữa các công ty và đào tạo kỹ năng làm việc cho người lao động.

Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland đang phải chịu áp lực tăng cao tính cạnh tranh kinh tế trong dài hạn. Các nước thường làm được điều đó bằng việc giảm giá tiền tệ - lựa chọn mà Hy Lạp không thể có được bởi Hy Lạp là một phần của liên minh tiền tệ châu Âu. Điều này buộc Hy Lạp phải thực hiện những nỗ lực khác như hạn chế mức lương, nếu không nó sẽ trở thành nguy cơ ảnh hưởng tới các quốc gia khác đang sử dụng đồng euro.

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt nam