Đứng trước nhiều thách thức mới, các doanh nghiệp ngành gỗ xuất khẩu đang phấn đấu để kinh doanh hiệu quả. Phát triển lâu dài đang là mục tiêu được nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn là vấn đề tăng trưởng.

Khó về đích 4,5 tỷ USD?

Ông Nguyễn Tôn Quyền- Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest)- cho biết, qua 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ mới chỉ đạt 1,5 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả này vẫn thấp hơn so với kế hoạch đề ra là tăng 28%, nếu từ nay đến cuối năm vẫn giữ đà này có khả năng ngành gỗ sẽ không về đích như kế hoạch. Nguyên nhân là do lạm phát trong nước kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành gỗ giảm sức cạnh tranh. Đơn hàng nhiều nhưng giá bán không tăng, trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp sợ lỗ mà hạn chế sản xuất.

Theo ông Quyền, mặc dù các thị trường chính như EU, Mỹ, Úc… đều đang hồi phục nhưng giá trị xuất khẩu lại không cao. Riêng thị trường Nhật Bản, có thể trong thời gian tới sẽ có nhu cầu lớn về hàng gia dụng cho việc tái thiết đất nước, xây dựng nhà cửa bằng vật liệu gỗ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật. Quan trọng nhất là doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí chất lượng của họ- chất lượng phải đúng như cam kết. Ngoài ra, nhân thời điểm này doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tận dụng các ưu đãi mang lại từ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam- Nhật Bản để đẩy mạnh bán hàng sang Nhật.  

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific- cho biết, hiện nay các chi phí đầu vào đã tăng mạnh (khoảng 20%), trong khi giá xuất khẩu gỗ tại các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật tăng không đáng kể. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng để giữ chân khách hàng chứ không muốn đầu tư vốn phát triển sản xuất mới.

Ông Thắng cho rằng, với tình hình lãi suất căng thẳng như hiện nay không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn mà ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng khó xoay sở. Nếu thời gian tới giá xăng, giá điện tiếp tục tăng thì việc đầu tư mở rộng sản xuất của doanh nghiệp gỗ sẽ phải đợi đến năm sau.

Đại diện Công ty TNHH Long Tuấn Kiệt cho biết, vì thiếu vốn nên công ty đã phải cắt giảm nhân lực, chi phí tiếp thị cho sản phẩm sang các thị trường mới và một số đơn hàng chuẩn bị ký cho tháng 12 tới của công ty cũng đành lỡ hẹn. Từ nay đến cuối năm, công ty chỉ tập trung giải quyết những đơn hàng đã ký bằng việc thương lượng với đối tác để nâng giá trị đơn hàng cho khỏi bù lỗ.

Đầu tư dài hạn cho thị trường nội địa!

Ông Nguyễn An Điềm- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Fisico (Bình Định)- cho biết, vấn đề thiếu vốn cho sản xuất thường tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì họ không có khả năng quản trị doanh nghiệp tốt dẫn đến việc đưa ra chiến lược kinh doanh sai lầm.

“Trong thời buổi khó khăn, mỗi doanh nghiệp đều có một cách làm khác nhau để duy trì và phát triển, riêng với Fisico, nắm bắt tình hình kinh tế trong nước nên từ tháng 3 vừa qua chúng tôi đã xác định “chú trọng hiệu quả, không đặt nặng tăng trưởng”- ông Điềm chia sẻ-  Fisico đã tích cực thu hồi vốn từ các công nợ, giảm sản phẩm tồn kho, huy động vốn của các thành viên, sử dụng nguồn vốn tự có, hạn chế vay ngân hàng… Dù tăng trưởng không nhiều nhưng chúng tôi xem đó là một cách làm hiệu quả về lâu về dài”. Để làm tốt việc này, công ty một mặt vẫn xuất khẩu để duy trì khách hàng và các hợp đồng đã ký, mặt khác đẩy mạnh phân phối sản phẩm tại thị trường trong nước".

Đại diện Công ty Long Tuấn Kiệt cho biết, hiện công ty đang chú trọng phân phối các sản phẩm nội thất bằng việc đưa ra nhiều mẫu mã, chủng loại mới, đồng thời đẩy mạnh bán hàng ngay tại thị trường nội địa để mở rộng đầu ra cho các sản phẩm. Nhờ tập trung phát triển sản phẩm nội thất và đẩy mạnh kênh phân phối, sản phẩm của công ty bán ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Bà Ngô Thị Hồng Thu- Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn gỗ Trường Thành (TTF)- cho biết, do có nhiều chiến lược kinh doanh hợp lý nên qua 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu của TTF đạt khoảng 32 triệu USD, tương đương gần 700 tỷ đồng. Ngoài việc xuất khẩu, TTF là một trong những doanh nghiệp thực hiện chiến lược đầu tư dài hạn cho thị trường nội địa. Cụ thể, TTF thiết kế ít nhất khoảng 50 mẫu mã mới/năm cho thị trường trong nước và sản xuất số lượng lớn để giảm giá thành; các hệ thống kênh phân phối, đại lý trong nước được mở rộng trên nhiều tỉnh thành để tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng. Với chiến lược này, thị trường nội địa đã chiếm khoảng 30% trong tổng doanh thu của TTF.

Về phía Viforest, ông Quyền cho biết, hiệp hội đã gửi nhiều văn bản kiến nghị giảm thuế nhập khẩu gỗ nguyên liệu và lãi suất ngân hàng tới các cơ quan chức năng nhằm đưa ra những giải pháp tốt giúp doanh nghiệp vượt qua cơn bĩ cực, sớm ổn định sản xuất. Ngoài ra, Viforest cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên tìm mọi cách cắt giảm chi phí tối đa, nâng cao giá trị đơn hàng xuất khẩu và thận trọng hơn trong việc mở rộng thị trường

Nguồn: Báo điện tử Công thương