Tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu trong tháng 5 đang có dấu hiệu chững lại khi dự kiến đạt mức 7,5 tỉ đô la Mỹ, tăng không đáng kể so với tháng 4 và cũng khác hẳn với quy luật thường thấy của các năm trước. Đây chính là phản ứng phụ của chính sách tiền tệ thắt chặt mà Chính phủ đang thực thi cho mục tiêu kiềm chế lạm phát khiến lãi suất vượt quá mức chịu đựng của doanh nghiệp.

Nhận định trên được đưa ra trong buổi giao ban định kỳ tháng 5 của Bộ Công Thương được tổ chức tại Hà Nội ngày 6-6. Không chỉ vậy, lãi suất ngân hàng quá cao cũng đã khiến nhiều ngành thiếu vốn, ảnh hưởng đến sản xuất, đầu tư.

Lãi suất ghì xuất khẩu

Theo số liệu tổng hợp được công bố tại buổi giao ban, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 7,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 0,8% so với tháng 4. Con số này, theo nhận định của ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương là không hề đáng mừng bởi tốc độ tăng không mạnh như các tháng trước đó, mức tăng không đáng kể so với tháng 4 (mức kim ngach 7,44 tỉ đô la Mỹ) cũng như không tuân theo quy luật thường thấy vào các năm trước. Bình thường, các tháng 5, 6, 7, kim ngạch xuất khẩu thường tăng cao hơn hẳn các tháng còn lại trong năm.

Ông Chinh cho rằng, thực tế này chính là phản ứng phụ của chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất ngân hàng lên quá cao gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất. “Qúi 1, doanh nghiệp còn tiền dự trữ dùng cho quí 2. Nguyên phụ liệu cũng còn gối đầu. Nhưng bước vào tháng 6, tháng 7, doanh nghiệp bắt đầu 'ngấm' vì tiền đã hết và lãi suất ngân hàng thì lên quá cao”, ông Chinh nói.

Từ phía doanh nghiệp, bà Cao Thị Ngọc Hoa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (VN Food 2) thừa nhận, lãi suất đang là bài toán khó đối với nhiều ngành, trong đó có lương thực. Theo bà Hoa, lượng hàng tồn kho của VN Food 2 hiện là 450.000 tấn, trong khi lãi suất tiền đồng ở mức cao khiến doanh nghiệp phải tính toán. Cách của VN Food 2 đang thực hiện là chuyển đổi hàng tồn kho từ tiền đồng sang đô la Mỹ. Tức là sau khi xuất khẩu, có ngoại tệ để cân đối với ngân hàng thì vay tiếp đô la Mỹ với lãi suất 4 - 5% để dự trữ tồn kho.

Cũng theo bà Hoa, vấn đề lãi suất cũng đang tác động đến việc thu mua lúa vụ hè thu đang bắt đầu vào kỳ thu hoạch ở các tỉnh miền Tây. Bà Hoa thông tin, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không dám mua lúa vào vì không chịu nổi lãi suất. “Đến tháng 7, tháng 8, lúa sẽ thu hoạch rộ. Việc không dám thu mua như đã nói ở trên rất có thể gây bất ổn cho thị trường gạo. Tình trạng doanh nghiệp đợi có hợp đồng xuất khẩu gạo mới thu mua sẽ đưa đến hai khả năng: một là giá lúa xuống rất thấp khi không ai mua hoặc sẽ tăng đột biến khi các đơn vị tranh mua lúc có hợp đồng”, bà Hoa nêu vấn đề.

Ngành ngành kêu thiếu vốn

Ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, vốn cho các công trình điện đang thiếu nghiêm trọng. Theo ông Thành, trong 5 tháng đầu năm, EVN chỉ mới thực hiện đầu tư xây dựng đạt 24% kế hoạch cả năm do thiếu vốn và vướng thủ tục.

Trong đó, 4 công trình có dự định khởi công trong năm 2011 như Mông Dương 1, Duyên Hải 3… đều chưa triển khai được. Ví dụ, dự án Duyên Hải 3 vay vốn từ ngân hàng Trung Quốc đang gặp khó khăn. Nguyên nhân là lãi suất của các ngân hàng này cũng tăng so với trước đây. Hay như một dự án khác đang cần triển khai ngay như dự án thủy điện Lai Châu, cần vay 5.000 tỉ đồng của Bảo hiểm xã hội nhưng vẫn chưa được. Ông Thành nói: “Hiện tại, một số công trình như thủy điện Đồng Nai 4, Lai Châu từ đầu năm đến nay chưa thanh toán cho nhà thầu nên họ ngừng thi công”.

Ông Thành cũng cho biết, hiện nay việc vay vốn chạy dầu, mua điện hiện không vay được nên việc vận hành các nhà máy khó khăn. Ông Thành kiến nghị Bộ Công Thương tác động với Bộ Tài chính và các ngân hàng về việc cho vay đối với các công trình điện.

Câu chuyện thiếu vốn cũng được ông Nguyễn Gia Tường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn hóa chất Việt Nam nêu lên. Ông Tường cho biết, chỉ cách đây 1 tuần, dự án đạm than Ninh Bình tưởng như có nguy cơ không thể thực hiện đúng kế hoạch do tốc độ giải ngân của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (với số tiền 1.300 tỉ đồng) không đúng kế hoạch. “Thời điểm đó, nhà thầu chính, nhà thầu phụ đều không có tiền, phải đề xuất Tập đoàn hóa chất ứng một khoản tiền để lo ăn cho công nhân”, ông Tường nói.

Theo ông Lê Phú Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty thép VN (VNSteel), việc VNSteel thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong thời điểm thị trường chứng khoán đang rất ảm đạm này cũng nhằm mục tiêu thu hút vốn, giải quyết một phần bài toán thiếu vốn đầu tư cho các dự án, vốn lưu động cho sản xuất hiện nay của đơn vị này.

Ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM dẫn con số về tình hình sản xuất công nghiệp tháng 5 trên địa bàn dưới tác động của lãi suất. Theo đó, sản xuất công nghiệp tại TPHCM trong tháng 5 có điểm đáng lưu ý là tăng 12,5% so với tháng 4. Mức tăng này đang có xu hướng chậm lại khi giảm hơn so với mức tăng của tháng 4 (với 12,9% và tháng 3 với 13,6%).

Theo ông Hiệp, nguyên nhân của tình hình trên là do lãi suất ngân hàng duy trì ở mức cao, các chi phí sản xuất, nguyên phụ liệu đầu vào tăng mạnh dẫn đến việc các doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, không tăng trưởng.

Tiếp tục kiềm chế nhập siêu

Ông Chinh của Vụ xuất nhập khẩu cho hay, tình hình nhập khẩu 5 tháng đầu năm đang có tín hiệu tương đối đáng mừng khi tăng trưởng nhập khẩu bình quân 5 tháng là 29,1% nhưng về mặt dài hạn thì chưa hết lo. Thực tế tháng 5 cho thấy, nhóm cần nhập khẩu tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân là do giá thế giới tăng cao. Ví dụ, giá dầu trong các tháng vừa qua duy trì trên 100 đô la Mỹ/thùng. Khả năng giá cả thế giới tiếp tục tăng là vẫn còn. Do đó, theo ông Chinh, mỗi tháng duy trì được mức nhập khẩu dưới 9 tỉ đô la Mỹ là rất khó khăn và việc kiểm soát nhập siêu dưới 16% như chỉ tiêu của Chính phủ là không hề dễ dàng.

Về các biện pháp kiềm chế nhập siêu mà Bộ Công Thương mới ban hành như thông báo 197 đối với 3 mặt hàng là rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động (nhập khẩu qua ba cảng biển, có giấy ủy quyền của nhà sản xuất chính hãng…) và thông tư 20 đối với mặt hàng ô tô (có giấy ủy quyền của nhà sản xuất), ông Chinh cho hay Bộ Công Thương đang tiếp tục cập nhật ý kiến của các doanh nghiệp.

Ông Chinh nói rằng, những thông tin phản ứng của một số cơ quan báo chí trong thời gian vừa qua về thông tư 20 liên quan đến xe ô tô nhập khẩu chưa chính xác. Ông Chinh dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan để phản biện. Theo đó, tính đến giữa tháng 5, lượng xe nhập khẩu là 18.000 xe do 200 doanh nghiệp thực hiện chứ không phải 2.000 doanh nghiệp như báo chí nêu. Trong số này chỉ có 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhập khẩu, 198 là doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng xe doanh nghiệp nhập khẩu về là dưới 100 chiếc trong 5 tháng, tức là dưới 20 xe/tháng.

Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, các văn bản quy định mới đây của Bộ Công Thương về siết hàng nhập khẩu không cần thiết bằng các biện pháp kỹ thuật không phải là sản phẩm riêng của bộ này. Trước đó, đơn vị này đã bàn bạc và được các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Tư pháp….ủng hộ. Theo ông Hoàng, đây là các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng cũng như cân đối cán cân xuất - nhập khẩu, hạn chế nhập siêu, kiểm soát các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu.

"Tiến tới, những quy định với nội dung tương tự sẽ tiếp tục được các bộ ngành khác nhau như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải ban hành. Mục tiêu là thực hiện cho bằng được Nghị quyết 02 của Chính phủ”, ông Hoàng khẳng định.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online