Năm tháng đầu năm 2011, nếu không loại trừ 3 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu dầu thô, thì doanh nghiệp FDI xuất siêu 1,4 tỉ đô la Mỹ, ngược lại thì khu vực này nhập siêu đến 1,6 tỉ đô la Mỹ.

Trong cuộc họp giao ban xuất nhập khẩu diễn ra vào cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đã cảnh báo về hiện tượng nhập siêu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với mức nhập siêu trong năm tháng đầu năm đến 1,6 tỉ đô la Mỹ. Ông Biên cho rằng, cần phải làm rõ xem việc nhập khẩu này có nhằm phục vụ sản xuất và tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế hay không?

Trên thực tế, vấn đề nhập siêu của doanh nghiệp FDI không có gì mới. Thành tích xuất siêu của khối này, được ghi nhận trong nhiều năm qua, thực chất là nhờ việc cộng toàn bộ giá trị dầu thô xuất khẩu vào thành tích chung. Kết quả năm tháng đầu năm 2011 cũng vậy, nếu không loại trừ 3 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất của dầu thô, doanh nghiệp FDI vẫn xuất siêu 1,4 tỉ đô la Mỹ.

Nhìn vào số liệu thống kê trong 10 năm gần đây, nếu không tính giá trị dầu thô xuất khẩu, thì chưa bao giờ khối doanh nghiệp FDI có thặng dư trong cán cân xuất nhập khẩu. Kết quả này không có gì là khó hiểu, vì mục tiêu đầu tư của hầu hết các doanh nghiệp FDI trước hết là thị trường nội địa của Việt Nam. Cho đến nay, những ngành công nghiệp có giá trị sản xuất lớn, như điện tử và hàng điện gia dụng, công nghiệp ô tô và xe gắn máy, hóa mỹ phẩm tiêu dùng… phần lớn thị phần đều do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chi phối.

Đóng góp của doanh nghiệp FDI vào lĩnh vực xuất khẩu là điều không thể phủ nhận. Với khả năng chi phối đến hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, khối này hiện đang đóng vai trò đầu tàu để vươn ra thị trường thế giới của Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị mang lại cho nền kinh tế từ hoạt động này lại không lớn, trừ khía cạnh giải quyết công ăn việc làm. Cho đến nay, hoạt động xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công và dựa trên chi phí nhân công rẻ. Do vậy, giá trị gia tăng tạo ra cho nền kinh tế không nhiều.

Gần đây, một số tập đoàn nước ngoài đã đầu tư xây dựng ở Việt Nam những trung tâm sản xuất lớn để xuất khẩu ra thị trường thế giới, điển hình nhất là ngành công nghiệp điện tử. Nhưng theo tính toán của một số chuyên gia trong ngành, phần giá trị tăng thêm tại Việt Nam của các mặt hàng điện tử xuất khẩu chỉ vào khoảng 5%. Tất nhiên, đây không phải lỗi của các nhà đầu tư nước ngoài, mà do ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam quá yếu. Đó là kết quả của chính sách khuyến khích phát triển nội địa hóa không phù hợp trong thời gian dài vừa qua.

Trở lại với cảnh báo của ông Nguyễn Thành Biên. Nhìn vào thống kê, nếu loại trừ dầu thô, chúng ta có thể thấy mức nhập siêu của doanh nghiệp FDI giai đoạn trước 2009 khá ổn định. Bình quân chỉ dao động quanh mức 2 tỉ đô la Mỹ/năm (ngoại trừ năm 2008 tăng bất thường với 4 tỉ đô la Mỹ). Nhưng từ năm ngoái đến nay, nhập siêu của khối doanh nghiệp này đang có chiều hướng gia tăng, với 2,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2010 và năm tháng đầu năm nay đã là 1,6 tỉ đô la Mỹ. Có lẽ đây là điều khiến Bộ Công Thương lo lắng. Chiều hướng này có thể là do kết quả của việc mở cửa thị trường dịch vụ, cho doanh nghiệp nước ngoài được nhập khẩu và bán hàng trực tiếp, theo cam kết khi gia nhập WTO. Ngoài ra, cũng có thể đây là kết quả của thành tích thu hút vốn đầu tư FDI tăng vọt trong những năm trước, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu để tạo lập tài sản cố định. Nếu là như vậy, thì nhập siêu tăng của khối doanh nghiệp FDI lại là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Nhưng cũng có nguyên nhân bất thường khác mà các cơ quan quản lý nhà nước không thể không quan tâm. Đó là tình trạng chuyển giá, cố ý khai lỗ để trốn thuế.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng tỷ lệ 60-70% doanh nghiệp FDI đang hoạt động khai báo lỗ là điều không bình thường. Tất nhiên, trong số đó có những doanh nghiệp bị lỗ thật, nhưng rất nhiều doanh nghiệp khai báo lỗ liên tục trong nhiều năm liền là rất khó hiểu. Thậm chí trong một số ngành, chẳng hạn như sản xuất thép xây dựng, khi mà hầu như tất cả doanh nghiệp trong nước đều có lãi và có những năm lãi rất lớn, thì một số doanh nghiệp FDI lại báo lỗ.

Vấn đề đặt ra trước hiện tượng nhập siêu ngày càng tăng của doanh nghiệp FDI là tìm ra những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng này và có biện pháp giải quyết. Đó phải chăng là sự yếu kém của lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; sản xuất và xuất khẩu chủ yếu là gia công, dựa vào lợi thế nhân công rẻ; công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất lao động thấp; tình trạng sử dụng lãng phí năng lượng… Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần sớm tìm ra giải pháp để xử lý dứt điểm hiện tượng báo lỗ giả, chuyển giá ra nước ngoài để trốn thuế. Tình trạng này không chỉ gây méo mó số liệu thống kê, ảnh hưởng đến chính sách vĩ mô của Chính phủ, gây thất thu ngân sách cho Nhà nước, mà còn tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online