Tổng kim ngạch xuất khẩu quí 1-2011 ước tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2010 (đạt hơn 19 tỉ đô la Mỹ). Nhưng cái lợi trước mắt sẽ không kéo dài nếu không nhận diện những nguy cơ đến cùng nó.

“Ăn” nhờ giá, tỷ giá và thị trường

Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu quí 1 tăng mạnh nhờ nhu cầu hàng hóa thế giới tăng, kéo theo việc tăng giá nhiều loại nhiên liệu và nông sản, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ví dụ giá nhân điều tăng 36,8%, giá hạt tiêu tăng 59,5%, giá cao su tăng 70%, than đá tăng 56,6%. Tính toán sơ bộ cho thấy, giá và lượng hàng hóa tăng đã góp phần tăng thêm 4,85 tỉ đô la vào tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 2,4 tỉ đô la là nhờ tăng giá.

Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp đã tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt là hàng công nghiệp chế biến. Kim ngạch của nhóm hàng này ước đạt 9,06 tỉ đô la, tăng 22,8%, chiếm 47% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ngoài những tác động thuận lợi từ thị trường bên ngoài, việc điều chỉnh tỷ giá đô la Mỹ và tiền đồng tăng thêm 9,3% hôm 11-2 đã ảnh hưởng có lợi cho các nhà xuất khẩu. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nói rằng, năm nay nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn tiếp tục được lợi nhờ thị trường. Như châu Âu, một trong ba thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam đã tăng 46,2% so với cùng kỳ (2,5 tỉ đô la Mỹ). Thị trường châu Á tăng 38,8%, châu Phi tăng gần 37%. Ngay cả thị trường Nhật Bản vừa xảy ra thảm họa cách đây một tháng vẫn tăng trưởng 17,5% do nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.

Lại là vấn đề cơ cấu xuất khẩu

Hàng xuất khẩu hiện nay đang gặp thuận lợi về giá và thị trường là những dấu hiệu rất tốt.Nhưng xét cho cùng, nó chỉ có ý nghĩa thời điểm và có thể bị tác động, thay đổi bất cứ lúc nào. Vẫn theo Bộ Công Thương, nhập khẩu hàng hóa quí 1 cũng tăng nhiều. Hầu hết các nhóm nguyên liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng đều tăng giá trên 20%. Như ngành may tăng kim ngạch xuất được gần 28% so với cùng kỳ thì giá thành sản xuất các loại dệt, sợi tăng trung bình 30-40% so với giữa năm 2010. Chưa kể đến lãi vay và giá nhân công cũng tăng khiến nhiều doanh nghiệp cho rằng nếu tình hình kéo dài thì càng xuất nhiều họ càng lỗ.

Mục tiêu xuất khẩu cả năm tăng hơn 10% so với năm 2010, tức là phải đạt 79,4 tỉ đô la Mỹ. Quí 1 năm nay đã đạt 19,2 tỉ đô la, tính ra bình quân mỗi tháng đạt 6,4 tỉ đô la. Chín tháng còn lại phải đạt hơn 60,2 tỉ đô la mới đạt yêu cầu. Tức là mỗi tháng phải đạt gần 6,7 tỉ đô la. Nhìn vào cơ cấu và lượng xuất khẩu những năm trước và hiện tại, với nhiều mặt hàng xuất khẩu mạnh như nông sản đã đến ngưỡng thì đây là những con số phải nỗ lực nhiều mới thực hiện được.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu trong nhóm công nghiệp chế biến đang được kỳ vọng là “đầu tàu” xuất khẩu thực chất ra sao?Các nhóm hàng hóa nhập nguyên liệu về sơ chế, gia công nên đầu vào sản xuất cũng chịu tác động lớn từ việc giá thế giới tăng. Chẳng hạn như tình hình về ngành dệt may đã nhắc đến ở trên, hoặc sản xuất phân bón và hóa chất tăng 46% về kim ngạch xuất khẩu thì nguyên liệu nhập về để sản xuất tăng lần lượt đến 30% và 100%. Sắt thép tăng 87,3% về kim ngạch xuất khẩu, nếu tính toán đầy đủ còn phải “ăn nhờ” vào giá điện thấp (mức hao tổn năng lượng do công nghệ lạc hậu gấp đôi so với các quốc gia trong khu vực).

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế, cho rằng vấn đề của xuất khẩu lâu nay vẫn là việc cơ cấu lại sản phẩm, chuyển sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao mới có nhiều lợi nhuận và hiệu quả. Vấn đề giá, tỷ giá chỉ có tính thời điểm.

Như mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam, dù đã đến ngưỡng về lượng nhưng lợi thế cạnh tranh có thể gia tăng ở phần chất. Vấn đề là doanh nghiệp không nên tận dụng các hợp đồng sơ chế thô, lấy lượng xuất khẩu làm mục tiêu chính vì các thị trường tiêu thụ nhiều như Nhật Bản và EU đều có hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, trong diễn đàn về xúc tiến xuất khẩu hôm 7-4 tại Hà Nội gợi ý rằng: có thể lập một hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu và hàng năm Chính phủ sẽ có những trợ cấp phù hợp với thông lệ quốc tế cho doanh nghiệp nào có sáng kiến xuất khẩu đem lại giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, trước mắt Bộ Công Thương có thể xem xét lại quyết định về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ mà Chính phủ mới phê duyệt (hôm 24-2-2011) để sửa đổi cho phù hợp với tình hình. Quyết định này ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ như cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, lắp ráp ô tô, dệt may, da giày... Một nửa danh mục ưu tiên hỗ trợ đã được Nhà nước bảo trợ nhiều năm nay mà không mang lại kết quả gì cho sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu (như công nghiệp ô tô, cơ khí chế tạo).Trong khi đó, nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu đem lại lợi nhuận cho nền kinh tế thì chưa được hưởng hỗ trợ phù hợp.

Bán hàng qua trung gian
Chấp nhận mất đi phần lợi nhuận 5% trên mỗi đơn hàng xuất khẩu là điều không dễ dàng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay. Nhưng giám đốc một doanh nghiệp trong ngành gỗ đã làm điều đó. Những lô hàng của công ty không bán sang Mỹ và EU, thay vào đó lại bán cho các thương nhân đến từ Malaysia và Trung Quốc. Đây là cách mà các doanh nghiệp đã “linh động” để vượt qua khó khăn cả trong lẫn ngoài như hiện tại.
“Họ đến Việt Nam mua hàng trả tiền ngay, chúng tôi có tiền để trang trải hoạt động kinh doanh. Công ty cũng không tốn phí lưu kho, vận tải biển và những phụ phí khác... đang tăng lên mỗi ngày như trong thời gian qua”, vị giám đốc trên nói. Dù mất đi 5% lợi nhuận so với xuất khẩu trực tiếp, nhưng khi hạch toán lại các khoản chi phí, công ty vẫn thấy có lợi. Không cách này thì cách khác, nhiều doanh nghiệp đang tự “chòi đạp” trong môi trường kinh doanh nhiều bất ổn để tồn tại. Ưu tiên của các doanh nghiệp vào lúc này vẫn là giải quyết những khó khăn hiện hữu và chấp nhận “phép thử sai” với những phương cách mới, ngõ hầu tự cứu mình trong khó khăn.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco), kiêm Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) Trần Quốc Mạnh, đã không bất ngờ khi biết hội viên của Hawa chọn cách xuất khẩu theo kiểu linh động như vậy để vượt qua khó khăn. Doanh nghiệp bán hàng tại chỗ thường bị những nhà nhập khẩu ép giá, hoặc sản phẩm của doanh nghiệp qua nhiều khâu trung gian cũng làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhiều năm qua, doanh nghiệp trong hội đã xúc tiến kêu gọi Nhà nước hỗ trợ thành lập kho hàng ở nước ngoài, nhưng dự án vẫn tiến triển ở mức... kế hoạch. Liên kết, liên doanh để lập kho hàng ở nước ngoài không những làm giảm chi phí cho doanh nghiệp mà còn giúp người tiêu dùng ở nước sở tại tiếp cận với sản phẩm Việt Nam dễ dàng hơn.
“Nhiều công ty xuất khẩu gỗ có quy mô lớn ở Việt Nam đã thực hiện việc này và họ đang hưởng lợi từ việc xây dựng kho hàng ở Mỹ và châu Âu”, ông Mạnh nói. Tuy nhiên, vị Phó chủ tịch của Hawa không tiết lộ danh tính của những công ty này, với lý do là “bí mật kinh doanh”. Có lẽ vì vậy, nên những lời kêu gọi hợp tác của các doanh nghiệp trong ngành gỗ chưa đạt được thành quả như mong đợi.

Chia sẻ thông tin tồn kho
Hiện nay, ngành may xuất khẩu đang bị thiếu nguyên liệu trầm trọng. Theo ông Tăng Văn Hấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nguyên liệu cho ngành dệt may thiếu là do giá tăng mạnh trong thời gian qua. Giá bông và xơ tăng đột biến, trên 5 đô la Mỹ/ki lô gam. Đây là mức tăng kỷ lục trong lịch sử của ngành may xuất khẩu.
Giải pháp mà các doanh nghiệp trong ngành đưa ra là liên kết để rà soát và thông tin về toàn bộ nguyên vật liệu tồn kho của các doanh nghiệp. Theo đó, tùy vào nhu cầu riêng của từng doanh nghiệp, dựa trên giá trị và mức lợi nhuận của đơn hàng, các doanh nghiệp sẽ san sẻ với nhau trong việc tận dụng nguyên vật liệu xuất khẩu để đạt được mức sử dụng tối ưu nhất. Với cách này, doanh nghiệp trong cùng ngành nghề sẽ dễ dàng kiểm soát được lượng hàng hóa, nguyên vật liệu tồn nhằm giảm giá thành trong sản xuất. Việc liên kết các doanh nghiệp ở những ngành nghề khác nhau cũng được các doanh nghiệp tính đến. Ví dụ, có những loại nguyên vật liệu là đầu vào của công ty này, và sản phẩm họ xuất ra lại là đầu ra của doanh nghiệp kia, thì việc ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau cũng là cách tiết kiệm chi phí hiệu quả nhằm nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn