Kim ngạch xuất khẩu trong năm 2009 sụt giảm khá mạnh so với các năm trước nhưng trong năm 2010 lại tăng trưởng khá ấn tượng với 25,5% tỷ lệ tăng so với năm 2009 và tổng kim ngạch đạt khoảng 71,6 tỷ USD. Đánh giá về hoạt động xuất khẩu năm 2010, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng: xuất khẩu là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2010.
Phân tích nhân tố thành công
Theo báo cáo tại cuộc họp giao ban công tác xuất nhập khẩu năm 2010 diễn ra chiều nay (30/12/2010) tại trụ sở Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay ước đạt khoảng 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009 và vượt 18% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Về giá trị, kim ngạch xuất khẩu năm nay tăng 14,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,8 tỷ USD, tăng 27,8% và chiếm 54,2% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Còn nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đạt 32,8 tỷ USD, tăng 22,7%.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, phân tích kết hoạt động xuất khẩu trong năm 2010 cho thấy, có nhiều nhân tố cơ bản góp phần làm nên thành tích xuất khẩu năm nay, trước hết là năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu đã được nâng lên một bước, thể hiện ở các mặt sau: Thứ nhất, quy mô xuất khẩu được mở rộng. Mặc dù trong năm, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn về thị trường sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và các rào cản thương mại, song nhờ thích ứng tốt, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã đạt kim ngạch xuất khẩu cao.
Điển hình như hàng dệt may tiếp tục đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu (đạt 11,2 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước, vượt trên 8% so với mục tiêu xuất khẩu đặt ra từ đầu năm. Hay như mặt hàng da giagy và thuỷ sản, tuy bị áp thuế bán phá giá ở một số thị trường và đặc biệt là thuỷ sản còn chịu sự kiểm tra khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, song do có sự đầu tư chiều sâu, tạo mặt hàng mới và mở rộng thị trường nên kim ngạch xuất khẩu của hai mặt hàng trên vẫn đạt trên khoảng 5 tỷ USD, lần lượt vượt 14% và 9% so với mục tiêu xuất khẩu đặt ra từ đầu năm. Còn mặt hàng gạo cũng đạt kim ngạch 3,2 tỷ USD và vượt trên 8,6%, cao su đạt 2,38 tỷ USD và vượt trên 73% so với mục tiêu đầu năm...
So với năm 2009, chúng ta có thêm 5 mặt hàng mới có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là mặt hàng: hạt điều, xăng dầu các loại, sản phẩm chất dẻo, dây điện cáp điện và phương tiện vận tải, đưa tổng số mặt hàng có kim ngạch 1 tỷ USD trở lên là 18 mặt hàng.
Thứ hai là khối lượng hàng xuất khẩu gia tăng, dồi dào hơn những năm trước. Bên cạnh các mặt hàng truyền thống có khối lượng xuất khẩu tăng khá như thủy sản, nhân điều, gạo, cao su, hàng dệt và may mặc, da giày, điện tử và linh kiện, sản phẩm gỗ... thì kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng xuất khẩu mới, như: máy móc thiết bị, phụ tùng, phương tiện vận tải, hóa chất, sản phẩm hóa chất, sản phẩm cao su, sản phẩm thủy tinh... đã tăng mạnh. Điều này cho thấy, chủ trương phát triển mặt hàng xuất khẩu mới từng bước phát huy hiệu quả trong năm qua, đồng thời phản ánh năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nền kinh tế nước ta ngày càng được mở rộng.
Thứ ba là giá xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều tăng. Ngoài các mặt hàng có hàm lượng chế biến thấp, như: gạo, cà phê, cao su, dầu thô, than… được hưởng lợi nhờ giá thị trường thế giới tăng mạnh, thì nhiều mặt hàng xuất khẩu khác có giá xuất khẩu tăng khá, phản ánh hàm lượng chế biến trong sản phẩm xuất khẩu được nâng lên một bước trong năm 2010. Trong đó phải kể đến các mặt hàng, như: thủy sản, hàng dệt may, sản phẩm gỗ, chất dẻo, dây và cáp điện...
Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, có một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tiếp tục xếp thứ hạng cao so với các nước xuất khẩu trên thế giới, có khả năng ảnh hưởng đến thị trường thế giới, như: gạo và cà phê (đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu), cao su, hạt tiêu, hạt điều...
Nhân tố tiếp theo, quyết định kết quả xuất khẩu trong năm 2010, theo đánh giá của Bộ Công Thương, là chất lượng tăng trưởng xuất khẩu được cải thiện, thể hiện ở các mặt như, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu đã có những chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần xuất khẩu hàng thô. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến so với 2009 tăng mạnh từ 63,4% lên 67,9%; nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm từ 15,2% xuống 11,1%; nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm từ 21,5% xuống 21%.
Cũng theo Bộ Công Thương, đóng góp vào thành tích xuất khẩu năm 2010 còn có yếu tố tăng trưởng mạnh của khối lượng xuất khẩu. Đây là dấu hiệu tích cực đối với xuất khẩu, do lượng hàng hóa xuất khẩu tăng thể hiện quy mô sản xuất được mở rộng, là yếu tố giúp duy trì tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững. Bên cạnh đó, lượng hàng công nghiệp tăng lên đã bù đắp cho lượng hàng khoáng sản giảm mạnh (dầu thô và than đá giảm 3,8 tỷ USD).
Một nhân tố hết sức quan trọng quyết định đến hiệu quả hoạt động xuất khẩu năm 2010 chính là sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, nhạy bén và hiệu quả của Chính phủ, các Bộ, ngành và đặc biệt là nỗ lực của các hiệp hội ngành hàng, của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong năm 2010, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị (Nghị quyết 03, Nghị quyết 18…) và các Bộ, ngành theo chức năng của mình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu.
Đặc biệt, các Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Tài Chính, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Khoa học Công nghệ đã phối hợp kịp thời, hiệu quả trong việc rà soát các thủ tục, văn bản, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các Tập đoàn, Tổng Công ty, Hiệp hội ngành hàng đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành giải quyết nhanh chóng những vướng mắc trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Nhận định xu hướng xuất khẩu năm 2011
Từ diễn biến xuất khẩu năm 2010, mặc dù đạt được những kết quả cao, song Bộ Công Thương nhận định, năm 2011 hoạt động xuất khẩu có những thuận lợi nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Với sự phục hồi của kinh tế thế giới, đặc biệt là của các thị trường xuất khẩu truyền thống đang tạo điều kiện tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Việc triển khai tích cực của các Bộ, ngành và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu đã từng bước phát huy tác dụng. Ngoài ra, nhiều sản phẩm công nghiệp và nhóm hàng hóa mới sẽ có nhiều khả năng tăng trưởng nhanh trong giai đoạn tới do kết quả của quá trình thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm gần đây tăng mạnh (lĩnh vực điện tử, linh kiện điện tử, máy tính, sản phẩm cơ khí…).
Tuy nhiên, trong năm 2011, hoạt động xuất khẩu cũng sẽ gặp phải một số khó khăn, thách thức, như: cuộc khủng hoảng nợ công tại một số nước châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp và có ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới. Hơn nữa, xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng leo thang. Các nước phát triển như Mỹ, EU sẽ đưa ra những chính sách ưu ái các công ty trong nước và hạn chế nhập khẩu các sản phẩm của nước ngoài. Việc các nước nhập khẩu bắt đầu áp dụng các rào cản thương mại và các quy định mới sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao như: lúa gạo, cà phê, cao su, thủy sản, dầu thô, than đá.
Và cuối cùng, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vẫn đang gặp một số khó khăn liên quan đến giá cả nguyên liệu đầu vào gia tăng do giá điện, than dự kiến tăng trong năm 2011 và giá hàng hóa thế giới tăng; tình trạng thiếu lao động phổ thông cho một số lĩnh vực sản xuất như thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ vẫn tiếp diễn; tình trạng thiếu điện...
Những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý nhập siêu năm 2011
Năm 2011, Quốc hội đã thông qua và Chính phủ giao cho ngành Công Thương phải đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 10% so với thực hiện năm 2010, tương đương với kim ngạch 78,8 tỷ USD; nhập siêu hàng hóa năm 2011 không vượt quá 18% so với tổng kim ngạch xuất khẩu, tương đương 14,18 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, đối với xuất khẩu, Bộ Công Thương đã đề ra 5 giải pháp trọng điểm trong ngắn hạn. Trong đó, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành địa phương triển khai các biện pháp về đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Đồng thời, tiếp tục phổ biến lợi thế từ các hiệp định khu vực mậu dịch tư do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu ở các thị trường có mức nhập siêu cao.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương nhằm mở rộng thị trường thúc đẩy xuất khẩu, rà soát và đàm phán sâu hơn đối với các thỏa thuận ưu đãi thuế quan song phương giữa Việt Nam với các nước.
Triển khai quy chế mới về việc xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiền thương mại Quốc gia nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu, thị trường trong nước, thương mại miền núi, biên giới và hải đảo; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, gắn kết các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch.
Giải pháp cuối cùng Bộ Công Thương đề ra là, tập trung nâng cao công tác dự báo về sản xuất, thị trường và các điều kiện thương mại làm cơ sở cho việc chỉ đạo phát triển sản xuất, xuất khẩu, nghiên cứu đánh giá khó khăn cho từng mặt hàng, từng thị trường để có biện pháp hợp lý, tháo gỡ kho khăn cho từng đối tượng tham gia hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Ngoài những giải pháp do Bộ Công Thương đề ra, trong cuộc họp giao ban, đại diện các Bộ, ngành cho rằng, để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu được giao trong năm 2011, ngoài Bộ Công Thương, thì Ngân hàng Nhà nước cũng cần có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước cần triển khai đồng bộ các giải pháp tài chính, tiền tệ để giảm lãi suất trong quý I năm 2011 xuống mức hợp lý, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, cần bố trí đủ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để các doanh nghiệp thu mua tồn trữ một số mặt hàng nông sản xuất khẩu (café, hạt điều, hạt tiêu…) nhằm tránh thiệt hại cho người nông dân và tránh bị khách hàng nước ngoài ép giá.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ thanh khoản và vốn cho tổ chức tín dụng phù hợp với mục diễn biến thị trường nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu. tăng tỷ lệ áp dụng các hình thức cho vay tín chấp dựa trên các phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, cung ứng vốn cho nền kinh tế một cách hợp lý nhằm đảm bảo ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, góp phần kiềm chế lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
Cùng với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cần bổ sung thêm nguồn vốn cho ngân hàng phát triển Việt Nam để các doanh nghiệp được vay tín dụng xuất khẩu với lãi suất ưu đãi, đồng thời giữ nguyên mức lãi suất tín dụng xuất khẩu hiện đang áp dụng tại ngân hàng này trong năm 2011.
Đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các DN xuất khẩu nhỏ và vừa. song song với cải cách thủ tục xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế, quyết toán thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản cuất, gia công hàng xuất khẩu.
Trong cuộc họp giao ban công tác xuất nhập khẩu cuối cùng của năm 2010, bên cạnh những giải pháp ngắn hạn để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu xuất, nhập khẩu năm 2011, các thành viên tham dự cũng đã đề xuất các pháp trung và dài hạn. Trong đó, có sự tham gia của các Bọ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Lao Động Thương binh và Xã hội, Giao thông Vận tải…
Các thành viên tham dự họp cũng đã đề xuất với Chính phủ 5 nội dung quan trọng để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu xuất, nhập khẩu trong năm 2011. Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài Chính phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp tài chính, tiền tệ để giảm lãi xuất cho vay ngay trong quý I năm 2011; Cung cấp vốn với lãi suất ưu đãi để thu mua tồn trữ một số mặt hàng nông sản xuất khẩu; Bổ sung thêm nguồn vốn cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam để các doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi; đề nghị Chính phủ tăng lệ phí trước bạ lên 15-20% đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở lên. Và cuối cùng, đề nghị Chính phủ không cho mua sắm từ nguồn vốn ngân sách các loại trang thiết bị, đồ dùng văn phòng, hàng tiêu dùng nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được.

Nguồn: Báo Công thương điện tử