Xuất khẩu năm 2010 của Việt Nam đã tăng trưởng ngoạn mục khi đã gấp 4,2 lần so với chỉ tiêu dự kiến ban đầu. Nhưng sự bứt phá ấy có thực sự là bước tiến thần kỳ của xuất khẩu?

Theo con số ước tính mới nhất của cơ quan chức năng, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 71,6 tỷ USD, tăng tới 25,5% so với năm 2009.

So với mức 6% chỉ tiêu đề ra ban đầu, xuất khẩu cả năm nay đã gấp 4,2 lần và nếu so với mức tăng GDP, gấp 3,8 lần. Cùng đó, xuất khẩu bình quân đầu người tăng, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu so với GDP cũng đạt cao, tương đương như hồi năm 2008 và đó cũng là tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay.

Xuất khẩu năm 2010 đã như lội ngược dòng, khi mà chỉ mới năm trước, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là âm tới 9,7%. Nhờ đó, nhập siêu cả năm nay đã được kéo thấp xuống.

Xuất khẩu tăng mạnh vì… dự báo trật

Thoạt nhìn bề ngoài, tỷ lệ % tăng trưởng xuất khẩu năm nay khiến người ta tưởng đó là một bước tiến thần kỳ. Nhưng nhìn sâu vào bản chất, tỷ lệ quá bất ngờ đó của xuất khẩu lại phản ảnh một điều yếu kém khác: đó là xây dựng kế hoạch xuất khẩu rất chật chưỡng.
Đây không phải là chuyện mới của năm 2010.

Cuối năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế hiện nguyên hình, tung hoành ngang dọc thì chúng ta vẫn đặt chỉ tiêu xuất khẩu năm 2009 tăng 13%. Qua nửa năm, các bộ vội rút xuống, chỉ còn đặt mục tiêu tăng 3%, và rút cuộc, xuất khẩu 2009 đã âm 9,7%.

Có lẽ do hụt hẫng quá lớn, “từ tả sang hữu” giữa dự báo và thực tế đó nên sang năm 2010, các cơ quan quản lý chỉ dám đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 6%. Chính nhờ dự  báo quá thấp như vậy nên giờ đây, tăng trưởng thực tế của xuất khẩu thành ra ngoạn mục!

Trong giới hạn một năm, có thể thấy rằng, với phán đoán về xuất khẩu phập phù như vậy, các cơ quan quản lý vẫn vạch được chiến lược, vẽ tầm nhìn! Và trong đó, có không ít những nhận định tuỳ tiện, chung chung như diễn biến khó lường, nhiều tình huống phức tạp… Điều đó đã lý giải phần nào cho những quyết định lựa chọn chỉ tiêu mù mờ như vậy: đúng cùng đúng, sai cùng sai và cuối cùng, hoà cả làng.

Chân dung nhóm hàng chủ lực: thô và phụ thuộc

Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, những gương mặt lớn của chúng ta như may mặc, giầy da, máy tính và sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm gỗ... vẫn phụ thuộc thái quá phần nguyên liệu vào nhập khẩu. Nhiều thời điểm, mức  tăng giá của nguyên liệu đầu vào cao hơn cả mức tăng giá của sản phẩm đầu ra. Điều tất yếu xảy là hiệu quả không cao.Hãy nhìn kỹ hơn các “anh cả đỏ” trong nhóm xuất khẩu  chủ lực của Việt Nam được xem là thế mạnh!

Đầu tiên phải là gạo! Năm nay, gạo đã phá kỷ lục năm 2009, đạt 6,828 triệu tấn, thu được 3,2 tỷ USD.  Nhưng đó là niềm vui không trọn vẹn. Vì năm 2008, ta chỉ bán 4,7 triệu tấn gạo nhưng thu được 2,9 tỷ USD. Năm nay, lượng gạo xuất khẩu tăng gần gấp rưỡi nhưng tiền chỉ thu thêm có 10%.

Thuỷ sản Việt Nam có mặt trên 160 quốc gia và xếp thứ 10 trong TOP những nước xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu thế giới.
Nhưng năm nay, ngành này vẫn khốn đốn vì vừa thiếu nguyên liệu, giá lại tăng. Nhiều nhà máy chế biến chỉ chạy tối đa 40-50% công suất. Và không ít trường hợp, doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước, nay đến kỳ giao hàng, lỗ là cầm chắc!

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam được khuyếch trương trong TOP 3 thế giới, nhưng chúng ta mới chỉ đáp ứng 14% nhu cầu cà phê toàn cầu. Vì lẽ đó, Việt Nam chưa thể khuynh đảo được giá cà phê quốc tế. Chưa kể, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hiện nay còn phải đối mặt với sự cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài.

Cao su nguyên liệu xuất khẩu năm nay được giá, nhưng vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhất là qua biên mậu vì loại hàng này chỉ được thông quan tại cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh, nên dễ bị đầu nậu “làm xiếc”.

Chung số phận như vậy, còn có dưa hấu, chuối, thanh long do tiêu thụ chủ yếu dựa vào láng giềng.

Dù là nước có sản lượng chè đứng thứ 5 trên thê gới, song giá trị xuất khẩu chè. Đơn giá bình quân chè xuất khẩu năm nay tăng so với đơn giá bìnhquân của năm ngoái, đạt mức cao nhất từ 2005 đến nay, song vẫn thua xa mặt bằng giá chè thế giới. Và nhóm này vẫn chìm đắm trong xuất khẩu dạng thô, giá rẻ, phụ thuộc ngay tắp lự vào giá thị trường thế giới.

Suốt 4 năm qua kể từ gia nhập WTO, con thuyền xuất khẩu giương buồm ra khơi nhưng luôn thấp thỏm.

Hàng loạt rào cản kỹ thuật liên tục xuất hiện, làm khó cho xuất khẩu. Ví như Nhật Bản cảnh báo sẽ kiểm tra 100% tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng này. Gỗ  của ta thì phải đối phó với đạo luật của Hoa Kỳ, EU về kiểm soát nguồn gốc hợp pháp của gỗ, kiểm tra mức độ an toàn  sử dụng hoá chất đối với sức khoẻ con người.

Các cơ quan quản lý từng khẳng định tăng trưởng xuất khẩu quyết định đến tăng trưởng GDP, nên xuất khẩu luôn được cưng chiều. Điều đó từ năm 2008 về trước là đúng, theo tỷ lệ 1/2,5, nghĩa là muốn tăng 1 % GDP thì xuất khẩu phải tăng 2,5%.

Năm 2009, xuất khẩu sụt giảm đến 9,7 % mà GDP vẫn tăng 5,32%. Còn năm nay xuất khẩu tăng vọt tới 25,5% nhưng GDP chỉ tăng 6,7%.

Hy vọng bước vào năm mới, bước tiến của xuất khẩu sẽ thực sự là ngoạn mục.

Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Việt Nam