Thương chiến kéo dài 2 năm giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động tiêu cực đến diện mạo kinh tế thế giới, mặt khác cũng mang lại lợi ích khiêm tốn cho một số ít ngành công nghiệp và các quốc gia. Tăng trưởng thương mại toàn cầu đã giảm xuống 1% vào năm ngoái, từ 4% vào năm 2018 và 6% vào năm 2017. Và, đâu là điểm đáy của suy thoái thì chưa có sự thống nhất cuối cùng.    

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế, đây là lần thứ tư tồi tệ nhất trong 40 năm qua và tồi tệ nhất ngoài thời kỳ suy thoái. Một số yếu tố góp phần làm chậm lại sự tăng trưởng này, nhưng các nhà phân tích cho rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là nguyên nhân lớn nhất.

Các nhà kinh tế tại Viện Tài chính quốc tế cho biết, tăng trưởng và đầu tư toàn cầu có thể sẽ cao hơn nếu không có sự bất ổn về thương mại. Nhìn chung, nhập khẩu của Trung Quốc giảm 59 tỷ USD trong năm 2019, trong khi nhập khẩu của Mỹ giảm 42 tỷ USD. Nhưng sự sụt giảm sẽ lớn hơn nhiều nếu thương mại không được chuyển hướng sang nhiều quốc gia khác. Trong số 15 quốc gia có sự thay đổi lớn nhất trong nhập khẩu của Mỹ năm ngoái, 11 quốc gia đã tăng trong khi chỉ có 4 quốc gia giảm. Đối với nhập khẩu của Trung Quốc, 7 quốc gia thay đổi tăng và 8 quốc gia thay đổi giảm.

Sau 2 năm thương chiến, có thể hình dung bức tranh thương mại toàn cầu như sau: Ở Đông Nam Á, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã đẩy nhanh xu hướng dài hạn về việc các nhà máy Trung Quốc chuyển đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, nơi có chi phí lao động thấp hơn. Ví dụ, thương mại hàng may mặc của Việt Nam với Mỹ đã phát triển trong nhiều năm và chiếm khoảng 1/3 trong số 66 tỷ USD nhập khẩu từ Việt Nam năm ngoái. Nhưng các danh mục mua hàng khác từ Việt Nam đang tăng nhanh, nhập khẩu điện thoại di động tăng khoảng 6 tỷ USD, trong khi đồ nội thất, thiết bị viễn thông và chip máy tính mỗi loại tăng lên 2 tỷ USD xuất khẩu sang Mỹ. Các chuyên gia thương mại cảnh báo, mức tăng như vậy có thể lớn hơn so với thực tế, bởi các số liệu có thể chưa phản ánh sự chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ. Các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á khác ghi nhận mức tăng nhỏ hơn trong xuất khẩu sang Mỹ, bao gồm Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Philippines.

Ở Mỹ La-tinh, hai nền kinh tế lớn nhất là Brazil và Mexico tìm thấy lợi ích hạn chế từ tranh chấp Mỹ - Trung. Nông dân Brazil được hưởng lợi từ nhu cầu cao hơn về đậu nành, đặc biệt vào năm 2018 sau khi Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu từ Mỹ. Trong khi ngành nông nghiệp Mỹ bị sa lầy, xuất khẩu hạt có dầu của Brazil sang Trung Quốc đã tăng 8 tỷ USD trong năm 2018. Tuy nhiên, hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Brazil đã tăng 2 tỷ USD vào năm ngoái và tăng 20 tỷ USD kể từ năm 2017. Mặc dù nhà nhập khẩu Trung Quốc đã trả giá cao cho đậu nành Brazil, nhưng điều đó không hoàn toàn bù đắp cho sự sụt giảm giá cả toàn cầu. Trong khi đó, hàng nhập khẩu của Mỹ từ Mexico chứng kiến mức tăng lớn thứ hai của bất kỳ đối tác thương mại nào của Mỹ sau Việt Nam.

Ở châu Âu, nhà xuất khẩu quan trọng là Đức bị ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu hơn ở Trung Quốc khi nền kinh tế nước này chậm lại. Đức cũng đã trả giá từ thuế quan của Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, vì các hãng Bayerische Motoren Werke AG và Daimler AGTHER Mercedes-Benz chế tạo ôtô SUV cho thị trường Trung Quốc tại Mỹ. Trong khi đó, Đức luôn lo ngại về mối đe dọa việc Mỹ áp thuế đối với hàng nhập khẩu ôtô toàn cầu. Thương mại đã tăng từ mức tăng 1 điểm phần trăm đối với nền kinh tế Đức năm 2017 lên 1,3 điểm phần trăm trong năm 2018.

Ở châu Âu, Italia chỉ bị ảnh hưởng nhẹ và phần còn lại của châu Âu đã nhận được sự hỗ trợ khiêm tốn từ thương mại, theo tính toán của các nhà kinh tế tại JPMorgan. Trong khi chính quyền Trump đe dọa sẽ áp đặt thuế quan rộng rãi đối với châu Âu vì nhiều lý do, nhưng lý do thực sự là thuế thép và nhôm toàn cầu vào đầu năm 2018 và mức thuế tương đối khiêm tốn ảnh hưởng đến khoảng 7,5 tỷ USD hàng hóa được WTO cho phép trong phán quyết về trợ cấp máy bay của Liên minh châu Âu.

Bất chấp sự sụt giảm mạnh ở Đức, tổng xuất khẩu của EU sang Mỹ đã tăng 10,3% trong năm 2019. Hà Lan và Pháp tăng xuất khẩu sang Mỹ hơn 5 tỷ USD mỗi nước, Ireland 4 tỷ USD, Bỉ 3 tỷ USD và Italia 2 tỷ USD.

Ở Nhật Bản, năm 2019, xuất khẩu đã giảm 5,6%, đánh dấu mức giảm hàng năm đầu tiên trong ba năm vừa qua. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 7,6%, trong khi các đơn hàng xuất khẩu đến Mỹ giảm 1,4%. Tuy nhiên, những dấu hiệu gần đây cho thấy điều tồi tệ nhất đã qua.

Một số nhà kinh tế cho rằng, các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản được hưởng lợi từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung khi Trung Quốc giảm thuế đối với ôtô nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài Mỹ. Điều đó giúp các công ty như Toyota Motor Corp, công ty xuất khẩu dòng xe hạng sang Lexus từ Nhật Bản sang Trung Quốc. Doanh số bán hàng của Lexus năm ngoái tại Trung Quốc bao gồm cả Hồng Kông tăng 25% lên 202.000 chiếc. Doanh số tổng thể của Toyota tại Trung Quốc tăng 9% lên 1,62 triệu xe mặc dù thị trường có suy yếu.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tạm thời chững lại, Quỹ Tiền tệ quốc tế dự đoán tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ cải thiện lên khoảng 3% vào năm 2020. Dữ liệu sản xuất toàn cầu cũng có dấu hiệu ổn định vào đầu năm nay. Nhưng chưa ai có thể chắc chắn điều gì, khi dịch Covid - 19 ở Trung Quốc bùng phát đã mang đến một loại bất ổn hoàn toàn mới đối với thương mại toàn cầu vào năm 2020.

Nguồn: Báo Công Thương