Theo chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Âu của Standard and Poor's, căng thẳng thương mại có thể vẫn tiếp diễn và châu Âu có thể trở thành trung tâm của cuộc “chạm trán” tiếp theo.

Chính phủ các nước trên thế giới đã “thở phào nhẹ nhõm” sau khi Mỹ ký kết thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một” với Trung Quốc, nhưng nhiều chuyên gia dự đoán sau thỏa thuận này, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tìm kiếm các mục tiêu mới, rất có thể là Liên minh châu Âu (EU) và các nền kinh tế mới nổi.

Ông Sylvain Broyer, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Âu của hãng xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor's, cho rằng thỏa thuận nói trên có thể tạo ra "sự yên tâm" trong ngắn hạn, nhưng căng thẳng thương mại có thể vẫn tiếp diễn và châu Âu có thể trở thành trung tâm của cuộc “chạm trán” tiếp theo.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mới đây đã cho phép Washington đánh thuế lên hàng hóa châu Âu để trả đũa các khoản trợ cấp trái quy định mà EU đã dành cho nhà sản xuất máy bay Airbus.

Bên cạnh đó, Đức ngày 16/1 đã xác nhận thông tin rằng Mỹ đe dọa sẽ đánh thuế 25% đối với ô tô xuất khẩu của EU nếu chính phủ các nước châu Âu tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran.

Giới chuyên gia cho rằng chuyến thăm Washington vừa qua của Ủy viên thương mại EU Phil Hogan ngay khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại có thể được xem là một nỗ lực sớm để tránh bất kỳ căng thẳng xuyên Đại Tây Dương nào sắp tới.                    

Yếu tố có thể khơi mào các động thái chống lại EU của Mỹ là thuế đánh vào doanh thu của các “ông lớn” công nghệ mà Pháp đã đưa ra hồi năm ngoái.

Chính quyền Trump gọi quyết định này là “phân biệt đối xử”. Theo một nguồn tin từ Bộ Tài chính Pháp, nếu Mỹ quyết định đưa ra các biện pháp thương mại chống lại Pháp, từ đó chống lại EU, thì việc này sẽ trở thành một vấn đề quốc tế.

Bên cạnh đó, cũng có khả năng các nền kinh tế mới nổi sẽ trở thành mục tiêu trong những căng thẳng thương mại mới.

Các nước mới nổi giờ đây cũng đang lo ngại về hậu quả của việc Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong hai năm tới, vì Bắc Kinh có thể sẽ hủy các hợp đồng mua nông sản với các nước như Brazilđể quay sang mua hàng hóa của Mỹ.

Ông Brian Coulton, chuyên gia kinh tế trưởng của hãng xếp hàng tín nhiệm Fitch Ratings, cảnh báo việc thực thi thỏa thuận Mỹ-Trung và tác động của nó đối với phần còn lại của thế giới vẫn còn chưa chắc chắn./.

Nguồn AFP/BNEWS