Tại cuộc họp giao ban diễn ra mới đây, Bộ Công Thương khẳng định, kim ngạch xuất khẩu (XK) cả năm 2019 có thể tăng trưởng trên 8%, đạt chỉ tiêu đã đăng ký với Quốc hội. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ đạt được.

Cơ hội kèm thách thức

Nhận định về những tín hiệu tích cực trong lĩnh vực XK, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, XK năm 2019 tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội, đẩy mạnh XK.

Đặc biệt, thị trường trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được doanh nghiệp tận dụng tương đối hiệu quả. Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - ghi nhận, sau khi CPTPP đi vào thực thi, các mặt hàng XK của Việt Nam sang khối CPTPP đều chuyển biến tích cực, tăng mạnh ở những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ… Bên cạnh đó, giá trị XK tại nhiều thị trường cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, đơn cử, XK sang Canada tăng khoảng 33%, sang Mexico tăng khoảng gần 24%...

Song song với những thuận lợi, thách thức cũng không ít với hoạt động XK những tháng cuối năm. Trong đó, những biến động khó lường từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng đến các quốc gia XK lớn như Việt Nam. Nhiều mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế cao, nay không XK được sang Mỹ và ứ lại, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải tìm mọi cách để XK sang các thị trường khác ngoài Mỹ, trong đó có Việt Nam. Đáng ngại hơn cả, không loại trừ các sản phẩm này mượn xuất xứ sản xuất Việt Nam để XK đi thị trường khác, gây ảnh hưởng lớn đến hàng hóa Việt Nam.

Tạo đà cho xuất khẩu

Để tạo đà cho XK, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp khơi thông thị trường, tạo nguồn hàng. Cùng với đó, thay đổi căn bản công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ hàng hóa XK của Việt Nam.

Riêng thị trường Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất, đồng thời là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ), mới đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) cùng các hiệp hội, ngành hàng tổ chức Hội nghị Phát triển XK nông - thủy sản sang thị trường Trung Quốc để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông sản XK sang thị trường này.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng vừa có buổi hội đàm, tiếp xúc với các tỉnh lân cận của nước bạn để xem xét bổ sung một số cửa khẩu cho phép nhập khẩu nông sản, trái cây của Việt Nam. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị phía bạn hỗ trợ thông quan nhanh chóng tại các cửa khẩu biên giới đất liền vào dịp cao điểm; mở cửa thị trường đối với một số loại trái cây mà Việt Nam có thế mạnh. Đây là một trong những giải pháp giúp XK nông sản của Việt Nam đạt hiệu quả cao và bền vững hơn trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An lưu ý, kim ngạch XK chung năm nay có thể đạt nhưng riêng mặt hàng nông - lâm - thủy sản sẽ không đạt khi giá XK giảm sâu. Một trong những lý do là thị trường Trung Quốc siết nhập khẩu, thay đổi quy trình kiểm tra khiến hàng loạt mặt hàng như gạo, sắn, cao su… có kim ngạch XK suy giảm. "Là Bộ quản lý về hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị liên quan cũng vào cuộc trong việc phổ biến thay đổi phía bạn cho các địa phương, cùng Bộ NN&PTNN tìm giải pháp xây dựng chuỗi cung ứng ổn định, nâng cao chất lượng và giá trị XK cho hàng nông sản" - Thứ trưởng Đặng Hoàng An yêu cầu.

Hết quý III, kim ngạch XK đã đạt con số 194,3 tỷ USD, bằng 73,9% kế hoạch năm; cả nước có 28 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm gần 90% tổng kim ngạch XK, trong đó các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Báo Công Thương