Trung Quốc giảm kỳ vọng về kết quả có thể đạt được trong vòng đàm phán thương mại mới với Mỹ tại Washington bắt đầu từ ngày 10-10. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận nhỏ, giúp tạm dừng cuộc chiến thuế.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc bao gồm Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương cùng các quan chức quản lý ngành công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp khác đến Washinton để dự vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần thứ 13 trong hai ngày 10 và 11-10.

Thành phần đông đảo của phái đoàn dường như cho thấy Bắc Kinh muốn thảo luận một thỏa thuận thương mại toàn diện với Mỹ.

Song một nguồn tin Trung Quốc nắm rõ tiến trình chuẩn bị cho vòng đàm phán này nói rằng, Trung Quốc đang hạ thấp kỳ vọng về kết quả các cuộc thảo luận sắp tới khi cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn chia rẽ sâu sắc về các vấn đề cơ bản.

Nguồn tin này nói rằng ông Lưu Hạc không sang Mỹ với tư cách “đặc sứ” của Chủ tịch Trung Quốc Tận Cận Bình như những lần trước đây. Đó là một dấu hiệu chứng tỏ rằng ông Lưu Hạc không nhận bất kỳ chỉ đạo cụ thể nào từ ông Tập.

Nguồn tin cũng nói rằng phái đoàn Trung Quốc có thể rút ngắn thời gian lưu trú ở Washington và ra sân bay về nước vào ngày 11-10, thay vì ngày 12-10. Điều này có nghĩa họ đã tính toán đến khả năng các cuộc thảo luận sẽ không kéo sang tối 11-10.

“Theo kế hoạch ban đầu, phái đoàn Trung Quốc sẽ rời Washington vào ngày 12-10 nhưng giờ đây ngày khởi hành trở về nước có thể vào ngày 11-10 vì Trung Quốc không lạc quan lắm về đàm phán”, nguồn tin nói.

Hai nước vẫn còn bất đồng lớn về những điểm mấu chốt liên quan đến cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc, khiến đàm phán giữa hai bên sụp đổ vào đầu tháng 5. Mỹ chỉ trích Trung Quốc rút lại những cam kết quan trọng vào phút chót, trong khi đó Bắc Kinh cáo buộc Washington tìm cách can thiệp vào chủ quyền kinh tế của Trung Quốc.

Bầu không khí trước thềm vòng đàm phán trong tuần này cũng đặc biệt căng thẳng sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 7-10 cảnh báo, bất cứ diễn biến “xấu” nào xảy ra trong việc giải quyết tình hình bất ổn ở Hồng Kông có thể ảnh hưởng đến kết quả đàm phán. Trung Quốc đã ra tuyên bố mạnh mẽ, yêu cầu Mỹ không can thiệp vào chuyện nội bộ của đất nước này.

Ngoài ra, hôm 7-10, Bộ Thương mại Mỹ bất ngờ đưa 28 cơ quan an ninh và công ty thương mại Trung Quốc vào danh sách đen với cáo buộc họ “vi phạm nhân quyền” với các nhóm người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương, Trung Quốc.

Tình hình đàm phán càng phức tạp hơn khi ông Trump công khai yêu cầu Bắc Kinh điều tra các công việc kinh doanh ở Trung Quốc của cựu Phó Tổng thống Mỹ, Joe Biden (hiện là ứng cử viên tổng thống Mỹ) và con trai của ông, Hunter Biden. Yêu cầu này đã bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc cự tuyệt.

Cho đến trước  tuần này, tài khoản Taoran Notes trên mạng xã hội WeChat của tờ Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc), thường được Bắc Kinh sử dụng để phát đi những thông điệp không chính thức, vẫn bày tỏ lạc quan về kết quả của vòng đàm phán Mỹ-Trung tiếp theo. Song hôm 8-10, tài khoản này bình luận rằng kết quả đàm phán có thể là tiếp tục “vừa đánh vừa đàm”.

“Một số người có thể đặt câu hỏi: Nếu Mỹ tăng thuế cao hơn với hàng hóa Trung Quốc, liệu có cần thiết phải đàm phán? Câu trả lời là Trung Quốc cần phải đáp trả cũng như cần tiếp tục đàm phán”, tài khoản Taoran Notes viết khi ám chỉ đến kế hoạch của Mỹ nâng thuế từ 25 lên 30% đối với 250 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15-10 tới.
Mỹ cũng đang đe dọa áp thuế 15% với thêm 160 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15-12.

Louis Kuijs, Giám đốc phụ trách kinh tế châu Á ở Công ty tư vấn Oxford Economics, nhận định Mỹ có thể thực hiện kế hoạch áp thuế này và Trung Quốc sẽ trả đũa. Tuy nhiên, ông vẫn kỳ vọng hai nước có thể đạt được một thỏa thuận nhỏ để hoãn áp vòng áp thuế mới của Mỹ vào tháng 12.

Trong khi đó, Bắc Kinh gần đây đã nối lại các đơn hàng đặt mua nông sản Mỹ như đậu nành và thịt heo, dọn đường cho một thỏa thuận nhỏ về việc nước này cam kết tăng mua hàng hóa nông nghiệp và năng lượng.

Đổi lại, Mỹ có thể đồng ý hoãn hoặc rút lại một số đòn thuế và “mềm hóa” các vấn đề gai góc chẳng hạn các yêu cầu thay đổi về mặt cấu trúc đối với các biện pháp bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ và các chương trình trợ cấp công nghiệp của chính phủ Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn.

Dù vậy, phát biểu với báo chí hôm 7-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông thích một thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc hơn là một thỏa thuận nhỏ chỉ tập trung vào các vấn đề dễ giải quyết.

Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng ở Công ty JD Digit, nhận định hai nước vẫn có cơ hội đạt được một thỏa thuận đình chiến thương mại trong cuộc đàm phán ở Washington.

“Trong các vòng đàm phán trước đây, khi mà hai bên đều bày tỏ các kỳ vọng lớn nhưng rốt cục không đạt được thỏa thuận. Các kỳ vọng vào vòng đàm phán lần này thấp hơn nhưng không có nghĩa là hai bên sẽ không đạt được điều gì cả. Hai bên có thể không đạt được thỏa thuận toàn diện nhưng một thỏa thuận đình chiến thương mại chính thức là điều có thể, khi cả hai nền kinh tế đang dần cảm nhận các tổn thương từ chiến tranh thương mại”, ông cho biết.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online