Mới đây, Trung Quốc ra tín hiệu sẽ có biện pháp mạnh mẽ để trả đũa việc chiều 7/10 Bộ Thương mại Mỹ đưa 28 thực thể Trung Quốc trong đó có 8 tập đoàn công nghệ lớn vào danh sách đen về thương mại với cáo buộc liên quan tới vi phạm nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương.

Trong một buổi họp báo chiều 8/10, khi được hỏi liệu Trung Quốc có trả đũa quyết định về danh sách đen của Mỹ hay không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết "hãy đợi xem".

"Chúng tôi đề nghị phía Mỹ ngay lập tức sửa chữa sai lầm của mình, rút lại các quyết định liên quan và ngừng can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc", ông Cảnh Sảng nói chiều 8/10.

"Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ nhằm tuyệt đối bảo vệ an ninh, sự phát triển và chủ quyền quốc gia", ông nói thêm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phủ nhận cáo buộc mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra về tình trạng vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và một số nhóm dân tộc thiểu số ở khu tự trị Tân Cương.

Theo Bloomberg, đây là lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Trump viện lí do nhân quyền để ra chính sách về thương mại. Hành động này của Mỹ đã đưa cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc phát triển theo một hướng mới.

Trước đây, Mỹ "cấm cửa" đại gia công nghệ Huawei vì lo ngại gián điệp, an ninh quốc gia. Các đợt áp thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc là để giải quyết vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ và kiểm soát bí mật công nghệ cũng như các chính sách công nghiệp nói chung của Trung Quốc.

Các công ty bị đưa vào danh sách đen về thương mại của Mỹ (có tên gọi Danh sách Thực thể) sẽ không được phép giao dịch với doanh nghiệp Mỹ, trừ khi được chính phủ Mỹ cấp cho một loại giấy phép đặc biệt.

Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen này hồi tháng 5 năm nay. Sau đó Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố doanh nghiệp Mỹ có thể bán sản phẩm cho Huawei nếu chứng minh được các giao dịch này không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Các doanh nghiệp Mỹ đã nộp ít nhất 130 đơn xin cấp phép nhưng chính quyền của Tổng thống Trump dường như ngó lơ tất cả, chưa phê duyệt bất kì trường hợp nào. Tháng 9 vừa qua, Huawei đã buộc phải ra mắt dòng điện thoại mới Mate 30 mà không có hệ điều hành và ứng dụng của Google vì lệnh cấm của chính phủ Mỹ.

Trong số 8 doanh nghiệp mới bị Mỹ đưa vào danh sách đen về thương mại ngày 7/8 có hai hãng sản xuất thiết bị giám sát là Hikvision và Dahua Technology, cùng với 6 công ty về trí tuệ nhân tạo là iFlytek, Megvii Technology, Sense Time, Yitu Technologies, Xiamen Meiya Pico Information và Yixin Science and Technology.

Quyết định đưa loạt doanh nghiệp Trung Quốc vào Danh sách Thực thể được công bố sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đã đóng cửa phiên giao dịch chính thức. Dù vậy, trong phiên giao dịch ngoài giờ, giá cổ phiếu Ambarella – một doanh nghiệp Mỹ có doanh thu phụ thuộc vào công ty Hikvision mới bị cấm vận – có lúc giảm tới 12%.

Hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones thì cho thấy nhiều khả năng chỉ số này sẽ giảm hơn 200 điểm khi thị trường mở cửa vào ngày 8/10 (giờ Mỹ).

Người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ khẳng định việc đưa 28 thực thể Trung Quốc trên vào danh sách đen "không liên quan tới các cuộc đàm phán thương mại" giữa hai nước. Dự kiến, phái đoàn của Trung Quốc sẽ tới thủ đô Washington để đàm phán các trong hai ngày 10 và 11/10.

Phía Trung Quốc cũng vừa xác nhận Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu đoàn Trung Quốc như kế hoạch ban đầu.

Nguồn: Kinh tế & Tiêu dùng