Vào thứ Tư tuần trước, sau phán quyết của WTO rằng các nước châu Âu đã trợ cấp trái phép cho Airbus, chính quyền Trump cho biết sẽ đánh thuế 7,5 tỷ USD hàng xuất khẩu châu Âu mỗi năm. Một động thái được cho là sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Cuộc tranh chấp thương mại kéo dài giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu có nguồn gốc từ cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Boeing và Airbus. Vụ kiện kéo dài nhiều năm về các khoản trợ cấp của châu Âu cho hãng chế tạo máy bay Airbus.

Vào thứ Tư tuần trước, sau phán quyết của WTO rằng các nước châu Âu đã trợ cấp trái phép cho Airbus, chính quyền Trump cho biết sẽ đánh thuế 7,5 tỷ USD hàng xuất khẩu châu Âu mỗi năm. Một động thái được cho là sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Đây là lần trả đũa có giá trị thiệt hại lớn nhất mà WTO từng thông qua, làm tăng thêm sự phức tạp cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang xáo trộn bởi các cuộc chiến thương mại và làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Mỹ và EU. Và đó là bước đi táo bạo nhất của chính phủ Mỹ để bảo vệ Boeing, nhà xuất khẩu sản xuất lớn nhất của nước này.

Ông Trump đã phát biểu: "Đây là một chiến thắng trị giá 7 tỷ USD. Không tệ!"

Đó cũng là một chiến thắng cho Boeing sau hơn một thập kỷ. Boeing đã theo đuổi vụ kiện chống lại Airbus kể từ cuối thời chính quyền Bill Clinton, tổng hợp bằng chứng và cuối cùng thuyết phục Mỹ nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2004.

Tuy nhiên, đây không phải là một chiến thắng hoàn toàn nghiêng về Boeing. Công ty đang ở giữa cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử 103 năm của mình sau 2 vụ tai nạn thảm khốc xảy ra với máy bay 737 Max khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Nhiều hãng hàng không đã ngưng sử dụng máy bay Boeing 737 Max, tự nguyện hoặc theo lệnh của cơ quan quản lý hàng không địa phương. Nhiều khách hàng của Boeing bị ảnh hưởng bởi Max chuyển sang mua máy bay Airbus và hiện phải đối mặt với khả năng chi phí tăng cao do thuế quan, góp phần vào sự thất vọng dành cho Boeing.

Tuy nhiên, vụ kiện của Mỹ nhằm vào EU chỉ là một phần trong tranh chấp hai chiều, bởi EU cũng cáo buộc Mỹ trợ cấp bất hợp pháp cho Boeing. Trong trường hợp Tổ chức Thương mại Thế giới ​​đưa ra phán quyết về vấn đề này vào năm 2020, EU có thể sẽ áp thuế lên hàng hóa Mỹ để trả đũa các khoản trợ cấp của Washington.

Vì vậy, phán quyết mới nhất của WTO, ngoài đem lại lợi ích cho Boeing, cũng có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được.

Mỹ và Boeing lập luận, nếu không có sự hỗ trợ tài chính đáng kể mà các nước châu Âu đã dành cho Airbus dưới dạng các khoản vay dưới lãi suất thị trường, Airbus sẽ không bao giờ có thể trở thành đối thủ thực sự của Boeing. Với những khoản hỗ trợ đó, Airbus, từ một hãng hàng không chiếm ít hơn 25% thị phần các máy bay thương mại lớn vào năm 1990, đã vượt qua Boeing vào năm 2003. Ngày nay, Airbus và Boeing đang "chia nhau" thị trường máy bay thương mại.

Boeing hy vọng mức thuế mới sẽ đảo ngược những lợi ích đó. Các hãng hàng không tại Mỹ giờ đây sẽ phải trả thêm ít nhất 10% cho các máy bay Airbus đến từ châu Âu. Liên minh châu Âu có thể buộc phải xem xét lại sự hỗ trợ của mình đối với Airbus, với mức thuế được áp dụng cho đến khi hai bên đàm phán dàn xếp hoặc Tổ chức Thương mại Thế giới quyết định rằng Châu Âu tuân thủ các quy tắc của họ.

Hiện tại, châu Âu đang phải đối mặt với thuế quan vì Airbus đã từ chối tuân thủ các phán quyết của WTO trong nhiều năm, Boeing cho biết trong một tuyên bố. Thật không may, sự không tuân thủ của Airbus, sẽ tác động tiêu cực đến các quốc gia thành viên EU, ngành công nghiệp và doanh nghiệp châu Âu hoàn toàn không liên quan đến các hành động của Airbus, cũng như các khách hàng của hãng hàng không Airbus.

Airbus chấp nhận phán quyết, đồng thời kêu gọi dàn xếp. Giám đốc điều hành Guillaume Faury cho biết thuế quan sẽ là một rào cản chống lại thương mại tự do và sẽ có tác động tiêu cực đến không chỉ các hãng hàng không Mỹ mà cả các công việc, nhà cung cấp và khách du lịch bằng đường hàng không của Mỹ.

Các hãng hàng không bày tỏ sự không hài lòng với phán quyết tuần trước. Cổ phiếu của American Airlines, United Airlines và Southwest Airlines - 3 hãng hàng không nội địa sử dụng máy bay Boeing Max, đều giảm chờ hiệu lực của thuế quan.

Delta Airlines gọi đó là thuế không công bằng đối với người tiêu dùng và các công ty Mỹ. JetBlue, hãng không dùng máy bay Boeing, lo ngại mức thuế máy bay sẽ có tác động bất lợi, ảnh hưởng tới khách hàng gắn bó với hãng nhờ giá vé thấp và cạnh tranh.

Gói thuế quan còn tệ hơn đối với người tiêu dùng châu Âu. Theo thông tin từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, các biện pháp áp thuế sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18/10, chủ yếu nhằm vào 4 quốc gia trụ cột hỗ trợ cho tập đoàn Airbus, bao gồm Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha. Như vậy, các mặt hàng nông sản và trang thiết bị gồm rượu whisky, áo len, đồ len của Anh, cà phê và máy móc của Đức, rượu vang và ô liu Pháp cũng như ô liu Tây Ban Nha sẽ bị áp thuế 25%.

Nhưng không bên nào đạt được điều họ muốn. Boeing đã hy vọng phán quyết của WTO sẽ đánh thuế các bộ phận máy bay từ châu Âu, một động thái sẽ làm tổn thương Airbus - công ty đã mở một nhà máy ở Mobile, Alabama vào năm 2015. Cuối cùng, Washington quyết định không áp thuế lên các bộ phận máy bay do EU sản xuất được sử dụng trong hoạt động lắp ráp trong nhà máy của Airbus đặt tại bang Alabama, hoặc những bộ phận được sử dụng bởi Boeing, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất chế tạo của Mỹ.

Các hãng hàng không, trong khi đó, đã vận động hành lang để hạn chế thuế quan, giảm thiểu tác động tiêu cực tới họ. Tuần trước, một nhóm gồm 34 nhà lập pháp đã gửi thư kêu gọi ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, để miễn thuế các đơn đặt hàng máy bay hiện có. Nhưng thực tế, thuế quan sẽ vẫn đánh vào các đơn đặt hàng hiện có.

Với phán quyết từ Tổ chức Thương mại Thế giới và lo ngại mối đe dọa thuế quan châu Âu nhắm vào các sản phẩm của Mỹ, Boeing không thể vui vẻ với chiến thắng của mình lâu nữa.

Rất khó để phân định ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến này, nhưng chắc chắn, tranh chấp giữa hai bờ Đại Tây Dương có thể gây thiệt hại nặng nề hơn cho mối quan hệ thương mại giữa hai bên.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và châu Âu sẽ tạo ra nhiều thách thức hơn là Mỹ - Trung Quốc, làm suy yếu các công ty đa quốc gia của Mỹ, thu hẹp quy mô thị trường, khiến họ phải bán tài sản ở nước ngoài, kéo theo cạnh tranh quốc tế tăng cao.

Báo cáo do WTO công bố tuần trước cũng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ giảm tốc xuống còn một nửa so với dự báo vào tháng 4. Những động thái châm ngòi cuộc chiến thương mại liên tiếp giữa các khối kinh tế lớn sẽ tiếp tục kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

Nguồn: Trí thức trẻ