Thời gian: 7/2019

Đơn vị thực hiện: Tập đoàn dệt may Việt Nam

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang là nội dung nóng nhất toàn cầu kể từ nửa cuối năm 2018 đến nay. Diễn biến của nó hết sức khó lường, hòa hoãn - căng thẳng - rồi lại hòa hoãn với các quyết định diễn ra rất nhanh chóng, không có nhiều tín hiệu để dự báo.

Trong quá khứ, chúng ta đã thấy cuộc chiến thuần túy thương mại giữa Mỹ và Nhật ở thập niên 80 của thế kỷ 20 và một cuộc chiến thuần túy chính trị - quân sự giữa Mỹ và Liên Xô cũ. Tuy nhiên một cuộc chiến vừa cả kinh tế, thương mại và địa chính trị, quân sự như cuộc chiến Mỹ - Trung lần này là lần đầu tiên trong lịch sử thế kỷ 20,21. Nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa, sự phụ thuộc, đan xen giữa các quốc gia về kinh tế rất sâu rộng, rất khó đánh giá được tác động của chiến tranh thương mại với cung cầu hàng hóa, và tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế.

Ngành Dệt may Việt Nam (DMVN) trong bối cảnh có quan hệ thương mại sâu nhất, quy mô lớn nhất với cả 2 nền kinh tế Mỹ - Trung thì tác động đến ngành là lớn, nhạy cảm và diễn ra với tốc độ rất nhanh. Với Trung Quốc, chúng ta nhập khẩu lượng nguyên liệu chủ yếu là vải lên tới gần 12 tỷ USD/năm, đồng thời là thị trường xuất khẩu sợi lớn nhất gần 3 tỷ USD/năm. Với Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa may mặc chiếm tỷ trọng 48% đến 50% tổng KNXK, đồng thời cũng là nơi Việt Nam nhập trên 60% lượng bông tự nhiên để sản xuất sợi. Việc đánh thuế vào hàng hóa giữa hai nước Trung Quốc - Mỹ có thể dẫn tới dịch chuyển nguồn cung, nhưng cũng còn tiềm ẩn cả các biện pháp trả đũa ở vòng 2, vòng 3 của hai nước mà ta chưa dự báo được. 

Với mong muốn cung cấp một bức tranh tổng thể về ảnh hưởng tới ngành DMVN của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hình thành khung nghiên cứu trong tương lai liên tục cập nhật cho các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu của Tập đoàn DMVN đã hoàn thiện tài liệu này trong tháng 6/2019, với hy vọng giúp cho doanh nghiệp có được các thông tin hữu ích nhất cho dự báo, xây dựng kế hoạch 2020.

Ấn phẩm này phù hợp với Lãnh đạo các doanh nghiệp, các Giám đốc kinh doanh, tài chính nghiên cứu, tìm hiểu. Tập đoàn sẽ duy trì 1 năm 1 số in và khoảng 2-3 số online để phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp.

Bạn đọc có nhu cầu vui lòng liên hệ với chị Đỗ Hồng Hạnh, Tập đoàn dệt may Việt Nam, Điện thoại: 0978687170; Email: hanhdh@vinatex.com.vn