Trong khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa được giải quyết, một căng thẳng khác đang tăng lên giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Với kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào Samsung, Việt Nam nhiều khả năng bị ảnh hưởng nếu quan hệ giữa 2 quốc gia này tiếp tục xấu đi.  

Sự căng thẳng của 2 quốc gia này đang leo thang kể từ sau khi tòa án tối cao của Hàn Quốc yêu cầu công ty Nhật Bản bồi thường cho người lao động trong thế chiến thứ II. Dù lãnh đạo cấp cao 2 bên đã gặp mặt nhiều lần, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nhượng bộ từ 2 phía. 

Với việc Nhật Bản sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu các nguyên vật liệu dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình vi tính sang Hàn Quốc, khiến hoạt động sản xuất của Samsung và SK Hynix sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thời gian xét duyệt thủ tục các mặt hàng này có thể lên đến 90 ngày, trong khi Samsung có khoảng 1 tháng dự trữ cho các mặt hàng này và SK Hynix có khoảng 3 tháng dự trữ. 

Cần biết rằng Nhật Bản cung cấp 90% đến 2/3 mặt hàng bị giới hạn và 70% mặt hàng còn lại cho thế giới.

Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), trong bối cảnh trên, hoạt động sản xuất, xuất khẩu và cán cân thương mại của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Các mặt hàng có liên quan đến chất bán dẫn và màn hình như máy vi tính, điện thoại và máy ảnh chiếm khoảng 35% tổng xuất khẩu.

Trong đó, riêng điện thoại linh kiện chiếm 20% tổng xuất khẩu. Do vậy, khi xuất khẩu các mặt hàng này bị ảnh hưởng, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam có thể bị giảm.

Không chỉ đóng góp vào hoạt động xuất khẩu và cán cân thương mại của Việt Nam, các mặt hàng điện tử cũng đóng góp không nhỏ vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo, động lực tăng trưởng chính những năm gần đây của Việt Nam. 

Cụ thể, chỉ riêng Samsung đã tạo ra hơn 160.000 việc làm cho người lao động trong nước. Samsung đang tìm kiếm nguồn cung thay thế và cho biết họ không có ý định giảm hoạt động sản xuất chip. 

Trên thực tế, Nga và Trung Quốc vẫn có thể cung cấp các mặt hàng này nhưng hiệu quả sẽ không bằng. Ở khía cạnh khác, Nhật Bản đã cho phép chuyến hàng xuất khẩu các mặt hàng trên sang Hàn Quốc lần đầu tiên kể từ tháng 7. 

Nhìn chung hoạt động của Samsung Việt Nam vẫn được đảm bảo trong tháng 8 và 9 với dự trữ và lô hàng mới. Đặc biệt, Samsung vừa ra mắt sản phẩm Galaxy Note 10 nên các tháng tiếp theo sẽ là mùa cao điểm. Tuy nhiên, nếu Nhật Bản tiếp tục thắt chặt kiểm soát, hoạt động của Samsung trong quý IV có thể bị ảnh hưởng. 

Các nhà máy Samsung của Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ bị trì hoãn do thiếu nguồn cung ứng vật liệu để sản xuất chip từ Nhật Bản và các sản phẩm thay thế từ Trung Quốc, hoặc Đài Loan không đáp ứng được chất lượng như các sản phẩm của Nhật Bản. 

Hiện sản phẩm của Samsung chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (hơn 60 tỷ USD năm 2018). Vì vậy, bất kỳ sự trì hoãn nào trong hoạt động đều ảnh hưởng tới xuất khẩu và tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh lợi nhuận của nhà máy Samsung tại Việt Nam sụt giảm mạnh trong quý I vừa qua.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đạt gần 290 tỷ USD trong 7 tháng 2019 (tăng 8,6% so với cùng kỳ 2018). Trong đó, xuất khẩu ước đạt 145,48 tỷ USD, nhập khẩu 143,78 tỷ USD. 

Như vậy, thặng dư thương mại đạt 1,7 tỷ USD, trong đó khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 16,89 tỷ USD. Có 26 mặt hàng xuất khẩu đạt trị giá 1 tỷ USD, gồm điện thoại các loại và linh kiện 27,39 tỷ USD. Tiếp theo là máy vi tính, điện tử, linh kiện và hàng dệt may, với lần lượt 18,56 và 18,4 tỷ USD. 

Nguồn: Báo Sài Gòn Đầu tư